Chuyển giao nhân sự

(PLVN) - Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ có 7 ngày làm công tác nhân sự. Quốc hội sẽ kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước. 
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội với các Đại biểu Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể là các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch nước, một số Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Đây là chương trình, nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp.

Sau Đại hội XIII (tháng 1/2021) sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XV (23/5/2021). Khoảng cách từ Đại hội Đảng đến khi bầu cử ĐBQH xong, nếu mới kiện toàn nhân sự là khá xa, khoảng 6 - 7 tháng. Vì vậy, chọn phương án kiện toàn nhân sự trong kỳ họp cuối cùng của khóa XIV là hợp lý. Việc này nhằm đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là Đảng cử cán bộ ưu tú để tham gia các cơ quan lãnh đạo thông qua cán bộ.

Luật quy định nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, còn trong quá trình đó thì công tác nhân sự vẫn cần kiện toàn thường xuyên. Do vậy, việc kiện toàn nhân sự ngay kỳ họp cuối cùng không có vấn đề gì vướng về luật định.

Tại Hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Trung ương đã nhất trí cho thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XIV đã thực hiện xuất sắc chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị góp phần tạo nên vị thế, tiềm lực của Việt Nam. Quá trình chuẩn bị, tất cả các lần bầu và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh đều nhận được số phiếu rất tập trung.

Đấy chính là biểu hiện của dân chủ trong lãnh đạo; thể hiện sự lựa chọn kỹ lưỡng, khách quan, lắng nghe, cầu thị, giải thích rõ ràng những vấn đề đại biểu Quốc hội còn băn khoăn. Từ đó tạo sự đồng thuận rất cao, không chỉ trong Quốc hội mà còn cả sự đồng thuận của xã hội.

Những nhân sự được Trung ương giới thiệu Quốc hội để kiện toàn tại kỳ họp đang diễn ra đều được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành ở nhiều lĩnh vực sẽ kế thừa, tiếp cận công việc ngay và chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, chắc chắn sẽ tốt hơn. Thế hệ sau bao giờ cũng tiếp nối kinh nghiệm và năng lực đổi mới tốt hơn, như thế đất nước mới phát triển.

Kiện toàn nhân sự của bộ máy Nhà nước còn nhằm kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị của đất nước.