|
Ông Tế cầm trên tay hai chiếc nón vừa hoàn thiện |
Làng Chuông trước kia được gọi là Trang Thời Trung thuộc xã Phượng Trung, Thanh Oai, Hà Nội. Làng Chuông hiện tại gồm 8 thôn Tân Tiến, Tân Dân, Tân Duệ, Quang Trung, Mã Triều, Trung Chính, Liên Tân và Sơn Tây, dân số khoảng 15 nghìn dân. Nón làng Chuông vào thời những năm 90 nổi tiếng không chỉ khắp kinh thành Thăng Long mà còn nức tiếng cả nước.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên chiếc nón không còn được thịnh hành như trước đây, người trẻ trong làng ít ai muốn giữ lại nghề làm nón truyền thống đã hơn nửa thế kỷ. Chính vì vậy mà du khách không khỏi ngạc nhiên khi đến làng Chuông giờ đây xuất hiện thêm nghề làm lồng chim.
Dọc các trục đường chính trong thôn Tân Dân, Tân Duệ, Tân Tiến giờ đây là các gia đình trẻ làm lồng chim. Những chiếc lồng chim được để từ trong nhà ra cửa. Một đặc điểm dễ dàng nhận thấy khi du khách qua các thôn ở đây là có sự phân hóa rõ rệt về lực lượng lao động. Tại đây, những người làm lồng chim là thanh niên và trẻ nhỏ; các cụ già ngồi một góc để cặm cụi với những chiếc nón lá mong góp sức giữ lại chút nghề, để con cháu mai sau biết về nghề nón lá đã từng tồn tại ở làng.
Ông Nguyễn Văn Kim (79 tuổi, ở thôn Tân Duệ) cho biết, từ hơn hai năm nay, do xuất hiện thêm nghề làm lồng chim nên lao động trẻ, thanh niên chuyển sang nghề làm lồng chim để mưu sinh. Từ ngày chuyển sang nghề làm lồng chim người dân trong làng có mức thu nhập khá ổn, trên 100.000 đồng/ngày, trong khi đó người làm nón lá chỉ thu nhập được trên 50.000 – 70.000 đồng người/ngày.
Thế nên, tuy nghề làm nón vẫn còn nhưng chủ yếu dựa vào lực lượng người cao tuổi. Bên cạnh đó cũng có lác đác vài ba cơ sở làm nón thủ công phục vụ mục đích du lịch, xuất khẩu của người trẻ về làng lập nghiệp, muốn vươn lên bằng nghề truyền thống. Các cơ sở này chủ yếu tìm mối làm ăn để xuất sang châu Âu, một phần xuất lên trung tâm phố cổ để phục vụ cho nhu cầu du lịch, bán cho bà con Việt kiều.
Anh Lê Văn Đạt - nghệ nhân làm nón hơn 15 năm đã biết tận dụng thời thế vươn lên, vừa giữ nghề cha ông truyền lại đồng thời vẫn phát triển nghề mới, tạo thêm việc làm cho anh em trong gia đình. Nắm bắt được thời thế, chàng trai đã quyết định mở xưởng làm ăn nhỏ thu hút một số lao động thanh niên về làm lồng chim, tìm mối đưa lên phố bán cho dân chơi chim.
Bên cạnh đó, anh Đạt cũng nhận thêm nghệ nhân làm nón có tay nghề về làm nón lá truyền thống, tìm mối xuất lên phố cổ phục vụ nhu cầu du lịch. Tuy chỉ là một xưởng nhỏ, mỗi ngày xuất ra trên chục cái nón lá, gần trăm chiếc lồng chim nhưng đó cũng là một cách góp phần bảo tồn nghề truyền thống ở đây.
|
Hương (8 tuổi) và Linh (6 tuổi) là hai trong số ít trẻ muốn học làm nón truyền thống ở làng |
Nón lá làng Chuông dù trải qua nhiều biến cố nhưng vẫn nổi tiếng vì bền đẹp. Bao đời nay, người làng Chuông luôn dựa vào nghề nón để sống và cũng chính chiếc nón đã từng đưa làng trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm lịch sử. Vì vậy, lồng chim hay bất kỳ sản phẩm gì xét cho cùng cũng chỉ là công cụ để người dân trong làng mưu sinh tạm thời.
Đến một lúc nào đó, chiếc nón lá sẽ quay lại với người làng Chuông, giúp người dân duy trì, phát triển cuộc sống như trước đây là mong muốn mà ông Phạm Văn Tế cũng như các nghệ nhân cao tuổi trong làng đặt niềm tin, quyết tâm làm nón, truyền nghề cho con cháu mai sau.
Sinh ra ở và lớn lên ở làng nón trăm tuổi nên ông Phạm Trần Vinh đã biết cầm kim khâu nón từ khi lên 7 tuổi. Đến tuổi nhập ngũ, ông Vinh vào chiến trường nhưng ngày ngày vẫn nhớ về cách làm nón. Trở về từ chiến trường, ông Vinh không cam chịu với cảnh nhìn người trẻ trong làng “đứa thì làm lồng chim, đứa thì đi làm công nhân, đứa lên thành phố làm thuê”. Ông Vinh cùng ông Tế bắt tay vào việc lên kế hoạch làm chiếc nón đúng chuẩn, vận động người có tay nghề trong làng tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống, truyền nghề cho lũ trẻ mỗi khi rảnh rỗi.
Dù mắt không còn tinh, đôi tay không còn khéo léo như trước nhưng những người con làng Chuông như ông Tế, ông Vinh ngày ngày vẫn miệt mài ngồi trước cửa cặm cụi làm nón. Say sưa kể về nghề cổ của làng, ông Vinh cho biết, để tạo nên chiếc nón đẹp, đúng chuẩn, đúng kỹ thuật cần cẩn thận đến từng chi tiết. Người làm phải có con mắt tinh tường để chọn ra những lá đẹp, không bị rách hoặc quá nhàu nát. Trước khi đưa lá vào khuôn cần là phẳng lá bằng cách miết trên lưỡi cày đã hâm nóng với độ nóng phù hợp để lá mềm dẻo hơn, tránh nhàu nát…
Nghe ông Vinh nói, mới thấu hiểu những giọt mồ hôi đã đổ cho mơ ước giữ nghề. Bên cạnh đó, cánh cửa phần lớn thời gian là đóng im ỉm của không gian trưng bày nón Việt ở trong làng mà thấy buồn…