Chuyện ít người biết về những chiếc huy hiệu Hồ Chí Minh

(PLO) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người thường tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các cá nhân làm việc tốt và phần thưởng này có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục, động viên mọi người dân Việt Nam. 
Huy hiệu Bác Hồ tặng ông Nguyễn Văn Thảo
Huy hiệu Bác Hồ tặng ông Nguyễn Văn Thảo

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh - người đã bắt sống tướng Đờ Cát.  Sinh ra và lớn lên ở xã Tiên Tiến, Phù Cừ, Hưng Yên, Hoàng Đăng Vinh chứng kiến cảnh dân làng bị giặc Pháp đánh phá, cướp bóc, bản thân cũng từng bị giặc bắt và tra tấn, đánh đập. Tháng 9/1952, ông nhập ngũ vào Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 với ý chí muốn được chiến đấu để giải phóng quê hương.

"Bác sẽ gắn Huy hiệu và Huân chương cho chú Vinh trước tiên!"

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay trong trận đánh đầu tiên bảo vệ công sự trận địa trước đồi Him Lam, ông đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, đẩy lùi được cuộc tiến công của địch. Sau khi đồi A1 bị đánh sập, đơn vị của Hoàng Đăng Vinh đảm nhận nhiệm vụ đánh điểm cao 507. Đại đội 360 đã xung phong chiếm lĩnh hoàn toàn điểm cao 507, sau đó đánh sang điểm cao 508, 509 dọc theo chiến hào tiến vào trung tâm.

“Khi chúng tôi vào hầm thì nhìn thấy hơn 20 tên sĩ quan Pháp nhốn nháo hết cả lên, co rúm lại, có tên chui vào gầm bàn. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh bằng tiếng Pháp, tất cả bọn chúng đều bỏ vũ khí và giơ tay đầu hàng, riêng tướng Đờ Cát vẫn ngồi im. Thấy thế, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh cho tôi vào bắt tướng Đờ Cát phải đầu hàng. Toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau đó bị dẫn giải về đồi E, nơi Trung đoàn 209 đặt sở chỉ huy và giao cho cấp trên”- Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể lại trong những lần đi nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thông tin trên Trang tin điện tử của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, với những chiến công xuất sắc trong chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/5/1954, Hoàng Đăng Vinh là một trong những đại biểu vinh dự được chúc mừng sinh nhật Bác, được Bác tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trực tiếp gắn Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh hồi tưởng, “đoàn chúng tôi gồm 6 chàng lính trẻ được về Thủ đô gặp Bác Hồ. Suốt quãng đường đi, mấy anh em ai cũng hồi hộp, không giấu được sự vui mừng và vinh dự. Khi đến nơi, Bác và một số đồng chí lãnh đạo Trung ương đã đứng chờ sẵn trước dãy nhà của cơ quan. Khi 6 anh em vừa nhìn thấy Bác, ai cũng mừng rỡ kêu lên: "Bác Hồ... Bác Hồ!"… rồi không ai bảo ai, ào ào chạy tắt theo lối gần nhất để đến bên Bác.

Bác cười nhắc: "Các chú phải đi đúng đường, để các nhà báo còn chụp ảnh chứ!" Bác cười, dang rộng hai tay đón mọi người và chỉ vào một gốc cây to: "Các chú ngồi xuống đây!" Cả 6 người chúng tôi cùng ngồi xuống. Bác lại giục “Kìa các chú ngồi sát vào với Bác!” Câu nói giản dị của Người khiến chúng tôi vô cùng xúc động, tất cả cùng ngồi sát lại và cảm nhận được hơi ấm, sự gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Rồi từng người lần lượt báo cáo thành tích với Bác. Vì có đoàn quay phim chụp ảnh nên chúng tôi còn rụt rè, e ngại. Thấy thế, Bác nói: “Chú nào cười trước, Bác lấy vợ trước cho. Chú nào cười sau thì phải lấy vợ sau”. Thấy chúng tôi vẫn chưa cười, Bác nói vui: “Chú nào cười to sẽ được lấy vợ đẹp, chú nào cười bé phải lấy vợ xấu”. Thế là cả Bác và chúng tôi đều cười vang. Lúc đó tôi mới 19 tuổi, xa nhà đi chiến đấu đã lâu, được ngồi với Bác, tôi có cảm tưởng như đang nói chuyện với cha chú mình vậy, gần gũi lắm.

Đến phần đón nhận Huy hiệu Điện Biên và Huy hiệu của Bác, tôi và các chiến sĩ đứng dậy, xếp thành một hàng ngang. Bác đi lại gắn trực tiếp Huy hiệu và Huân chương lên ngực áo từng chiến sĩ. Tôi đứng ở vị trí số 2, trước đó là chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp. Tôi cứ đinh ninh rằng Bác sẽ gắn Huy hiệu và Huân chương cho anh Bạch Ngọc Giáp trước rồi mới đến lượt tôi, không ngờ Bác hỏi: "Ở đây chú nào trẻ nhất?". Anh Nhân vội thưa: "Chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh là trẻ nhất, mới tròn 19 tuổi ạ!".

Bác tươi cười đến trước mặt tôi, nói: "Bác sẽ gắn Huy hiệu và Huân chương cho chú Vinh trước tiên!" Quá bất ngờ và xúc động, tôi đã quên cả động tác chào Bác khi Người gắn Huy hiệu lên ngực áo mình xong. Bác mỉm cười, ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Chú Vinh chào đi!" Lúc ấy, các nhà báo đã chụp tấm hình Bác gắn Huy hiệu cho tôi, nhưng chỉ có anh Bạch Ngọc Giáp giơ tay chào, còn tôi thì đứng nghiêm bối rối…”

Năm 1990, Đại tá Hoàng Đăng Vinh về nghỉ hưu. Tại địa phương, phát huy tinh thần người bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội và là cựu chiến binh gương mẫu luôn đi đầu trong mọi phong trào của Hội và địa phương, là tấm gương trong cuộc sống đời thường. 

Vì là chiến sĩ trẻ nhất đoàn, nên Hoàng Đăng Vinh đã vinh dự được Bác Hồ gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên đầu tiên (Ảnh tư liệu)
Vì là chiến sĩ trẻ nhất đoàn, nên Hoàng Đăng Vinh đã vinh dự được Bác Hồ gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên đầu tiên (Ảnh tư liệu)

Huy hiệu Bác Hồ tặng cho người xích lô thật thà

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm nêu gương người tốt, việc tốt vì theo Người “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Chiếc huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho người đạp xích lô Nguyễn Văn Thảo vào năm 1958 mà minh chứng sinh động nhất cho suy nghĩ của Người. 

Ông Nguyễn Văn Thảo sinh năm 1908 làm nghề chở xích lô. Năm 1958, trong một lần chở khách, ông nhặt được một bọc lớn của khách để quên trên xe mình. Ông đã tìm vị khách đó để trả lại nhưng không thấy nên đã mang vào đồn công an nhờ trả lại cho người mất. Trong lúc ông đang bàn giao thì vị khách đó cũng tìm đến đồn công an để trình báo.

Nhìn thấy ông Thảo, vị khách mừng rỡ ôm chầm lấy ông để cảm ơn. Ít ngày sau ông Thảo nhận được giấy mời của Ủy ban Hành chính khu Đống Đa lên dự lễ trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Nhận được Huy hiệu mang hình ảnh Bác, ông Thảo vô cùng cảm động và đã nâng niu, gìn giữ  suốt 32 năm. Ngày 19/5/1990, ông Nguyễn Văn Thảo đã tặng lại kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để nhiều người được chiêm ngưỡng, biết đến. 

Chuyện ông Nguyễn Văn Thảo quyết định tặng lại chiếc huy hiệu cho Bảo tàng cũng rất cảm động. Khi cha được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, con trai ông Nguyễn Văn Thảo là Nguyễn Văn Thao nhìn chiếc huy hiệu in hình Bác trên tay cha, đã cảm nhận được rằng đó không chỉ là niềm vinh dự của cha mình mà còn là niềm vui chung của toàn thể gia đình.

Vì không đủ sức khỏe để nhập ngũ, ông Thao hăng hái đi thanh niên xung phong ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, rồi lại trở về Hà Nội tích cực tham gia công tác đường phố (dân phòng, bảo vệ, tuyên truyền viên...). Năm 1989, ông Thao được Nhà nước tặng thưởng Huy chương chống Mĩ cứu nước hạng Nhất.

Từ khi giác ngộ và tham gia các hoạt động phục vụ cách mạng, ông Thao có điều kiện phát huy tài thơ ca trong công tác thông tin, tuyên truyền, không ngừng sáng tác thơ về Bác Hồ.  Năm 1973, ông Thao mạnh dạn mang những bài thơ đầu tiên về Bác đến Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh (tiền thân của Bảo tàng Hồ Chí Minh bây giờ) để gửi tặng những bài thơ tâm huyết của mình. Từ đó, cứ mỗi dịp Quốc lễ hàng năm ông Thao lại là người khách quen thuộc của Khu Di tích.

Các cán bộ trong khu Di tích khi biết cụ thân sinh ông Thao được tặng Huy hiệu Bác Hồ đã đề nghị: “Chúng tôi được biết cụ thân sinh của ông được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Mong ông về nói giúp với cụ thân sinh và gia đình có thể tặng chiếc huy hiệu để trưng bày tại Bảo tàng. Vì nếu để ở gia đình thì chỉ gia đình  biết được, nhưng nếu đưa vào Bảo tàng thì có thể được gìn giữ, bảo quản và trưng bày cho nhân dân Việt Nam và thế giới biết được câu chuyện về nguồn gốc của chiếc huy hiệu ấy”. Năm 1990, gia đình ông Thao đã tặng lại chiếc Huy hiệu Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Thao nhiều lần được lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng cho tranh ảnh, sách báo, tài liệu về Bác Hồ để ông có thể nghiên cứu, hiểu và làm thơ hay hơn về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc. Năm 2000, ông Thao quyết định dành một phòng trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Tân Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội để lập một phòng trưng bày tại gia về Bác Hồ với tất cả những tư liệu về Bác mà ông có. Cuối năm 2002, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đến thăm phòng trưng bày bé nhỏ của gia đình ông Thao và tặng ông thêm một số cuốn sách tư liệu quý về Bác...

Đọc thêm