Chuyện kể về ngôi miếu nhỏ trong khuôn viên bệnh viện

(PLVN) - Ngôi miếu nhỏ nằm ẩn dưới gốc đa già không bao giờ nguội lạnh hương khói. 17 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện mà ngôi miếu ấy thầm thì kể lại với cuộc đời vẫn chỉ như mới hôm qua. Bởi ẩn chứa trong câu chuyện đó là rất nhiều sự hy sinh thầm lặng, lớn lao của những người nằm xuống và là cả một đại dương nước mắt, một bầu trời nhớ thương của những người ở lại…
Chuyện kể về ngôi miếu nhỏ trong khuôn viên bệnh viện

Chuyện kể rằng, ngôi miếu ấy thờ 5 y, bác sĩ đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS vào năm 2003. Họ là: Điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng (mất ngày 15/3); Bác sĩ Jean - Paul Dirosier (mất ngày 19/3); Y tá Phạm Thị Uyên (mất ngày 24/3); Bác sĩ Nguyễn Thế Phương (mất ngày 24/3) và Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (mất ngày 12/4).

Trước đó, ngày 26/2/2003, một thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chong Cheng nhập viện Bệnh viện Việt Pháp với các triệu chứng giống cúm nhưng diễn tiến rất lạ, sốt, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ, y tá vẫn thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác.

Vài ngày sau, tình trạng bệnh nhân xấu đi rất nhanh, gia đình ông đã thuê chuyên cơ đưa về nước, để lại sau lưng tại Bệnh viện Việt Pháp một số bác sĩ, y tá sốt với biểu hiện giống Chung Cheng cùng với nỗi hoảng loạn, lo lắng khôn cùng.

Vì căn bệnh mới tuy quen mà rất lạ khi các triệu chứng có vẻ giống cúm nhưng diễn tiến rất khác thường: sốt, ho nhiều và khó thở khiến người bệnh nhanh chóng bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong mà không có cách chữa. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng đã ra đi mãi mãi vào một ngày giữa tháng 3 và sau đó là các đồng nghiệp khác. Bệnh viện buộc phải cách ly, đóng cửa… 

Vì sao số phận lại chọn cô ấy?

17 năm đã trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Thế Vĩnh năm nay 71 tuổi, là chồng của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng (người đầu tiên trong số cán bộ y tế tử vong vì dịch SARS năm 2003 tại Bệnh viện Việt - Pháp) vẫn đau đáu một câu hỏi: “Vì sao số phận lại chọn cô ấy?” để khiến ông mất đi người vợ thương yêu.

Nỗi mất mát đã trôi qua 17 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, nước mắt vẫn chảy tràn trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông ấy. Bởi mới như ngày nào thôi, ông còn dắt xe giúp vợ để vợ đi làm. Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 2/2003, khi nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng đi làm về nói với chồng là mình cảm thấy mệt và hơi sốt. Nghĩ vợ cảm cúm thông thường bởi thời tiết đang mùa nồm ẩm, ông Vĩnh đã chợ mua lá xông về cho vợ.

“Nhưng rồi tôi chưa bao giờ tôi thấy vợ ốm nặng vậy, vợ tôi sốt cao tại nhà được ba bốn ngày thì nhận được điện thoại từ bệnh viện phải nhập viện ngay lập tức”. Ngày 7/3/2003 khi nhập viện nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng vẫn nói với chồng rằng: “Anh về đi, ngày mai em sẽ về”. Cả ngày 8/3/2003, không thấy vợ về ông Vĩnh mua hoa quà vào thăm vợ và thấy có mấy người khác cũng đang được điều trị với căn bệnh tương tự vợ mình.

Điều ông Vĩnh mãi mãi không ngờ tới đó là trận ốm đã mãi mãi cướp đi người vợ thân yêu của ông. Chỉ chưa đầy hai tuần, người đàn ông mất vợ, đứa con thơ mất mẹ trong một đại dịch mang tên SARS. Trong lần nói chuyện vào ngày 12/3/2003, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng dặn dò chồng cố gắng lo con gái học hành cho tốt. Và ngờ đâu lần đó cũng là lần cuối cùng ông Vĩnh được chuyện trò cùng vợ vì ngày 13/3/2003 bệnh viện thông báo bà Lượng đã ở tình trạng rất xấu…

Sự ra đi bất ngờ của người vợ khiến ông Vĩnh bị sốc tâm lý, suy sụp một thời gian dài. Nhiều năm sau ngày vợ mất ông Vĩnh không dám đi qua con đường cạnh bệnh viện vì nó gợi nhớ về người vợ của mình. Ông vẫn giữ những bộ quần áo vợ từng thích mặc, trang sức vợ thường đeo. Ông bảo sẽ cất lại đến khi nào mình chết sẽ đưa lại cho con.

Giữ đúng lời hứa với vợ, ông Vĩnh đã chăm sóc và dạy dỗ con gái nên người. 17 năm đã qua, nhưng mỗi khi nhắc lại ông vẫn nói: “Giá như năm đó tôi ra đi thay vợ thì con gái sẽ sướng hơn”. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, trong nỗi niềm gà trống nuôi con, lòng ông luôn quặn thắt nỗi nhớ thương vợ…

Chung một nỗi đau đớn, nhớ thương người ra đi, đến giờ kể lại với báo chí, Y tá trưởng Bùi Thanh Xuân vẫn còn nhắc từng chi tiết nhỏ về những đồng nghiệp đã mất: “Tôi còn nhớ bác sĩ Tấn kiếm đâu được túi gạo nhờ tôi đánh lưng cho anh ấy. Bác sĩ Phương nằm giường bên cạnh còn đùa cợt cách làm ấy không hiệu quả, nói là bệnh cúm đâu có đáng sợ như thế. Vậy mà chỉ vài ngày sau anh Phương đã ra đi”…

Nỗi buồn in đậm

Trong câu chuyện của mình không chỉ có nỗi đau, ông Nguyễn Thế Vĩnh, chồng của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng còn nhắc đến nỗi buồn, sự cô đơn của việc bị xa lánh, kỳ thị. Sau cái chết của vợ, hai cha con ông bị hàng xóm xa lánh vì sợ mắc bệnh, thậm chí phải nghỉ học một thời gian. 

Trong trí nhớ của các y bác sĩ thì hồi đó, dọc con phố Phương Mai trước cổng viện vốn đông đúc nay vắng tanh, thậm chí mọi người phải đi sát lề đường bên kia để tránh. Quán xá khu vực này đều hạn chế mở cửa, không ai bán đồ ăn cho bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện phải liên hệ nhờ những khách sạn lớn viện trợ thức ăn.

Khi các khách sạn đưa cơm đến cho nhân viên bệnh viện thì họ chỉ dừng xe lại trước cổng viện, sau đó gọi người ra nhận cơm rồi đi ngay. Xe ô tô có logo của Bệnh viện Việt Pháp đi đến đâu cũng bị đuổi không cho đỗ vì sợ lây bệnh. Những y bác sĩ mất vì dịch SARS, vì mất do nhiễm bệnh nên người nhà cũng không được đến mà chỉ có người của bệnh viện đưa vào Đài hóa thân Hoàn Vũ…

Thế nhưng, bên cạnh sự kỳ thị, lạnh lẽo đó còn có rất nhiều sự ấm áp, sẻ chia từ những người bình thường nhất. Là một trong những người chứng kiến dịch SARS năm đó, ông Nguyễn Sỹ Hùng, nhân viên bảo vệ Bệnh viện Việt - Pháp đã từng kể lại với báo chí: “Tôi cũng là một trong những người ở lại bệnh viện năm đó. Thực sự lúc đó bản thân cũng là người sợ lây bệnh, nhưng vì nhiệm vụ nên anh em trong tổ vẫn cố gắng ở lại, hoàn thành nhiệm vụ”. 

Cũng là một trong những “nhân chứng sống” của đại dịch năm đó, ông Đỗ Đức Hùng, lái xe cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Pháp kể lại: “Lúc đó, chúng tôi thì chẳng sợ dịch, nhưng cũng muốn giữ cho người nhà không bị lây bệnh và thứ nữa là muốn ở lại, chia sẻ sự vất vả chăm sóc bệnh nhân với các y, bác sĩ nên lúc đó chúng tôi quyết định ở lại viện. Hồi ấy nhân viên bệnh viện ở lại đông lắm, gần như toàn bộ nhân viên”… 

Sự ra đi không uổng phí

Năm đó, dịch SARS không chỉ hoành hành tại Việt Nam mà ở Hong Kong, Singapore, Canada… đều có người mắc bệnh. Sau một tháng “chân tướng” của virus được nhận diện và trong 25 nước hứng chịu đại dịch bệnh năm đó, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch.

Khung cảnh ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa già ở Bệnh viện Việt - Pháp
 Khung cảnh ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa già ở Bệnh viện Việt - Pháp

Sau chuỗi ngày kinh hoàng “chiến đấu” với đại dịch, Bệnh viện Việt - Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm, rồi tháng 11 cùng năm đó bệnh viện lại tiếp tục mở cửa đón bệnh nhân. Cũng cùng năm đó khoảng tầm tháng 8-9/2003, ngôi miếu nhỏ tưởng nhớ những người chiến sĩ mặc áo blouse trắng đã hình thành và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Trao đổi với phóng viên PLVN, bác sĩ Võ Văn Bản – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp cho biết, đã từ lâu nơi đây trở thành nơi gửi gắm niềm nhớ thương đồng nghiệp của các y, bác sĩ trong bệnh viện. “Bởi khi ấy họ ra đi khi mà y học chưa thể nhận diện ra thể virus gì mang độc lực đến vậy. Họ vô tư quên mình lao vào công cuộc cứu bệnh nhân mà không hay chính mình lại nhiễm bệnh. Đấy là lý do mà những người ở lại luôn canh cánh trong lòng”. 

Cũng theo bác sĩ Bản, sau khi bệnh viện mới được khánh thành năm 2019, miếu thờ đã được chuyển vị trí nằm dưới bóng cây đa già cổ thụ và bia tưởng niệm khắc tên các y, bác sĩ đã khuất cũng được làm mới. “Người Pháp có câu không đào bới quá khứ, nhưng cũng không được quên quá khứ. Chúng tôi chưa bao giờ quên những đồng nghiệp đã nằm xuống năm đó…” – bác sĩ Bản tâm sự. 

Xin được kết bài viết này bằng cảm xúc cũng của một người bác sĩ. Đó là bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, công tác tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh và cũng là người từng chứng kiến sự kiện dịch SARS tại Việt Nam năm đó: “Vào những ngày này, chúng tôi đâu cần các lời chúc tụng có cánh, chúng tôi chỉ cần một sự cảm thông để chúng tôi hoàn thành công việc mà xã hội đã giao phó cho chúng tôi”. Nằm dưới gốc đa già, bốn mùa nghe gió lùa qua tán lá, nhìn nắng đu đưa trên vòm cây, cầu mong rằng, những y bác sĩ đã ra đi năm đó thấu hiểu được nỗi lòng của những người ở lại…

Trong danh sách các y, bác sĩ đã khuất còn thiếu một cái tên. Đó là bác sĩ Carlo Urbani, bác sĩ người Ý làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông là người đầu tiên đến Việt Nam sau khi có thông tin về một căn bệnh lạ và phát hiện ra căn bệnh quái ác này.

Ngày 29/3/2003, tại một bệnh viện ở Thái Lan, bác sĩ Carlo Urbani đã qua đời ở tuổi 46 vì dịch SARS - căn bệnh mà ông là người đầu tiên nhận diện là hội chứng hô hấp cấp nặng. Tổ chức Y tế Thế giới cùng với Bộ Y tế Việt Nam đã có buổi lễ tưởng niệm và ghi ơn ông.

“Dù ra đi sớm, bác sĩ Carlo Urbani đã sống cuộc đời trọn vẹn. Nếu còn sống, ông ấy vẫn là đại diện mẫu mực cho sứ mệnh của WHO - bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn cho thế giới và phục vụ những người yếu thế” - WHO đã tưởng niệm vị bác sĩ - anh hùng trong trận chiến chống dịch SARS năm 2003 như thế. 

Đọc thêm