Truyền thuyết núi Tà Đùng và quyết tâm giữ đại ngàn của người Mạ

(PLVN) - Bao đời nay, núi Tà Đùng (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, nằm giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng) luôn bao bọc chở che, mang lại cuộc sống bình yên cho bao thế hệ người dân Châu Mạ (tên gọi khác của dân tộc Mạ) nơi đây. Với tình yêu thiên nhiên, người Mạ ở xã Đắk Som (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) luôn quyết tâm giữ bằng được những cánh rừng trên ngọn núi hùng vĩ bằng cả sinh mệnh của mình.
Non nước Tà Đùng giữa đại ngàn Tây Nguyên
Non nước Tà Đùng giữa đại ngàn Tây Nguyên

Truyền thuyết kỳ bí 

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, già làng K’Cha (ngụ xã Đắk Som) trầm ngâm kể lại câu chuyện từ xa xưa, ngày cộng đồng người Châu Mạ lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi. Trong làng có nàng H’Bung xinh đẹp, sống trong một gia đình giàu sang nhưng rất siêng năng nên nhiều trai làng yêu mến, theo đuổi. Nhưng nàng chỉ ưng chàng K’Jang có sức khỏe phi phàm.

Để cưới được H’Bung, K’Jang phải chuẩn bị tiền của làm của hồi môn, vì thế chàng ngày đêm việc rất chăm chỉ. Một ngày nọ, Jong’Kjang (một tù trưởng hùng mạnh bên dãy núi Nâm Nung) đã đến Tà Đùng rong chơi.

Đêm nằm nghe âm thanh lạ, Jong’Kjang choàng tỉnh giấc, lần theo tiếng nhạc kia nên đã nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đang dệt thổ cẩm, thắt lưng đeo chiếc vòng B’rlêm đung đưa theo nhịp tạo thành bản nhạc. Say mê nhan sắc, Jong’Kjang ngỏ lời làm quen, nhưng bị thiếu nữ chối từ. Bực tức, Jong’Kjang phá hết những vòi nước 3 nhánh nơi mà nàng H’Bung hay tắm. 

Sau nhiều lần phục kích, Jong’Kjang đã bắt được H’Bung về làm vợ, sống ở núi Nâm Nung, sinh được 3 người con trai. Những ngày tháng bị bắt làm vợ, H’Bung buồn bã nói với con: “Đất mình đang ở là đất của người ta, nước mình đang uống là nước của người ta”, rồi chỉ về hướng núi Tà Đùng nói: “Đất, nước kia mới là của mình”. Jong’Kjang biết chuyện trách mắng, H’Bung giận dỗi tìm cơ hội đưa con trốn về núi Tà Đùng.

Sau đó, Jong’Kjang mang quân đến phá làng, chặt cây, giết hại muông thú, đạp bằng ngọn núi Tà Đùng. Chàng K’Jang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm chặt không cho ngọn núi bị đổ. Đến nay, trên đỉnh Tà Đùng vẫn còn hai ngọn núi nhỏ được cho là dấu tích bàn tay K’Jang, dân làng đặt tên cho hai ngọn núi nhỏ đó là Khéckhal.

Cũng có một câu chuyện khác mô phỏng về sự hình thành nên núi Tà Đùng: Xa xưa, bon B’Nâm là một vùng đất trù phú, cây cối xanh tốt nhưng mỗi khi có mưa bão thì bon làng đều bị ngập chìm trong nước, khiến cuộc sống dân làng rất cơ cực. Thương dân làng nên một già làng có tên Tang Klao Ca đã băng rừng, vượt suối đi mời hai anh em thần Dit và thần Dri đến để giúp đỡ.

Cánh rừng thiêng gắn với truyền thuyết kỳ bí được các thế hệ đồng bào Mạ gìn giữ
Cánh rừng thiêng gắn với truyền thuyết kỳ bí được các thế hệ đồng bào Mạ gìn giữ  

Nhận lời, hai thần đã đến gặp thần Cột Vồng (vị thần cai quản biển lúc bấy giờ) để xin vài ngọn núi về đặt gần bon B’Nâm bảo vệ dân làng. Sau đó, hai vị thần đã dùng dây mây kéo núi về đặt xung quanh bon làng.

Núi đến trước là núi Cha, núi đến sau là núi Mẹ. Sau khi các ngọn núi được kéo về, người trong bon làng đã tổ chức lễ cúng để cảm ơn các vị thần đã che chở, giúp đỡ. Hôm đó, dân làng vui vẻ đánh cồng chiêng, ăn uống no say và trò chuyện thâu đêm bên bếp lửa hồng.

Nhưng bỗng nhiên, một trận bão tuyết tràn về phủ trắng toàn bộ bon làng B’Nâm, khiến dân làng rất khốn đốn. Điều kỳ lạ là sau trận bão tuyết đó, mọi lễ vật trong lễ cúng đều biến thành đá. Hôm đó, người dân được thần Siêng Rút - vị thần cai quản bon báo mộng rằng, sở dĩ có trận bão tuyết là do bon làng khi tổ chức lễ cúng đã không mời thần Ba Trạ (nơi trú ngụ của loài chim phượng hoàng) nên thần mới nổi giận.

Muốn thoát khỏi cảnh tuyết phủ thì phải làm lễ cúng tạ lỗi. Vậy là bon làng lại thêm lần nữa tổ chức lễ hội và thần Ba Trạ cùng các vị thần khác cũng được mời dự. Sau lễ tạ lỗi, khu vực núi Cha mọc lên rất nhiều cây mía to, mấy người ôm không xuể. Từ đó, người dân đặt tên cho núi Cha là B’Nâm Tào Dung (núi có cây mía to). 

Sau này, núi B’Nâm Tào Dung được gọi là núi Tà Đùng. Riêng những nơi có băng tuyết bỗng hóa thành những tảng đá lớn, lấp đầy cả một vùng rộng lớn khắp sông, suối. Đặc biệt, ở khu vực này còn có đá Trống (loại đá dùng trong lễ hội), khi gõ vào phát ra âm thanh đầy mê hoặc. Mỗi khi gõ, mọi người phải nghiêm trang, tôn kính, không được chọc phá nô đùa trên đá Trống. Ai có ý xúc phạm thì sẽ bị thần linh trừng phạt. 

Bảo vệ giấc ngủ của “nàng tiên” 

Đứng trước vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của Tà Đùng, bất cứ du khách nào cũng cảm nhận được sự bình yên đến lạ. Sáng sớm, nếu nhìn từ xa sẽ thấy đỉnh núi Tà Ðùng tĩnh lặng, lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời. Còn khi chiều về, du khách lại xao xuyến bởi những tia nắng cuối ngày khuất sau những rặng núi hùng vĩ xa xa giống như một bức tranh thủy mặc.

Bao năm nay, dân làng ở Đắk Som vẫn tin rằng, trong lòng Tà Đùng chứa đựng nhiều điều huyền bí không sao lý giải được. Chỉ cần vào sâu bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng sẽ bắt gặp những ngọn thác hết sức hấp dẫn, kỳ bí như thác Đắk Plao, thác 7 tầng, thác mặt trời. 

Tà Đùng là ngọn núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông với độ cao 1.982m. Từ đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả không gian rộng lớn. Hồ Tà Đùng tự nhiên đã được mở rộng lên tới hơn 3.000 hecta, hiện có 47 đảo lớn nhỏ. Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên với nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ sinh sống. Đặc biệt, có 5 loài được xếp ở cấp độ cực kỳ nguy cấp như: hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa. 

Thú vị hơn, khu rừng già nguyên sinh đang sở hữu những cây cổ thụ hàng trăm tuổi có bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất cả gang tay, nhiều cây hình thù kỳ dị, cây bạnh vè tỏa rộng hàng chục mét vuông. Có cây thân vỏ giống hoa văn trên mình con trăn, trông như quái vật khổng lồ, càng tạo ra vẻ huyễn hoặc.

Đặc biệt, để ghi nhớ truyền thuyết hình thành các núi đá, bà con cũng đã quyên góp kinh phí, công sức và xin phép chính quyền xây dựng miếu thờ thần đá. Bà con thường xuyên lui tới chăm nom miếu đá và xem đây như một bảo vật linh thiêng cần được gìn giữ cho thế hệ sau.

Sau mỗi lần có dịp đi qua, bà con lại dừng chân nghỉ ngơi, trao đổi chuyện làm ăn. Ngoài việc mang tính tâm linh, việc thờ cúng và bảo vệ miếu thờ thần đá cũng là cách bà con động viên nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng bon làng ngày càng giàu đẹp.

Già làng K’Cha tâm sự: “Biết bao thế hệ trôi qua, đồng bào Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng vẫn hát, kể cho nhau nghe những sử thi về ngọn núi hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng. Rừng là đấng thiêng, thần rừng canh giữ. Đối với người Mạ dưới chân núi Tà Đùng, rừng là sinh mệnh của cả làng.

Cứ năm nào rừng bị nhiều kẻ gian cưa gỗ, bắt thú là năm đó dân trong làng đau ốm liên miên, mùa màng thất bát. Người dân phải mang trâu vào gốc cây bị chặt làm lễ tạ tội với thần rừng. Có lần, kẻ xấu chặt mất cây cổ thụ giữa rừng, không hiểu sao, người già, trẻ em trong làng đau ốm quanh năm, cây cối trồng không cho thu hoạch, vật nuôi chết dần.

Già phải huy động dân làng vào rừng sâu tìm cho ra gốc cây bị chặt, dắt trâu cột vào gốc cây làm lễ xin thần rừng tha thứ, từ đó bon làng mới được sống yên ổn”. Một cán bộ xã Đắk Som cho biết: “Đã bao đời nay, núi Tà Đùng bao bọc chở che, đem lại nguồn sống cho bao thế hệ người dân Châu Mạ sống dưới chân núi. Vì vậy, người Mạ ở Đắk Som quyết liệt giữ rừng không đơn thuần chỉ vì phong tục, mà còn vì họ tôn trọng và yêu quý rừng thật sự”.

Đọc thêm