Cụ ông mê thi và cứ thi là trúng
Ông cụ tên đầy đủ là Trần Văn Trừng, xóm 7, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định. Cuộc đời ông Trừng đã trải qua nhiều chức vụ, công việc như: công tác cán bộ thông tin huyện Hải Hậu (1945-1946), Phó Chủ tịch ủy ban Kháng chiến tiểu khu 5 huyện Hải Hậu (1947), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã An Ninh (nay là xã Hải Toàn và Hải An, 1947-1948), Ủy viên Ủy ban kháng chiến huyện Hải Hậu (thường trực và phụ trách tài chính), Bình dân học vụ (1948-1952), cán bộ tài chính và giáo viên trường sơ cấp tài chính Nam Định (1951-1964), giáo viên Trường Trung cấp Tài chính Nam Hà (1964-1976)..., nhưng ở cương vị nào ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen các loại. Năm 1976 ông Trừng về nghỉ hưu tại quê nhà.
Bởi khả năng nói thành thạo tiếng Pháp, khi nghỉ hưu ở trường, ông Trừng vẫn tiếp tục dạy miễn phí cho những học sinh muốn học tiếng Pháp để thi vào đại học. Ngoài ra, ông cũng dành nhiều thời gian để viết báo, làm thơ. Ông Trừng kể, khi huyện, tỉnh có các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng, kỉ niệm thành lập Đảng, học theo Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, 1000 năm Thiên Trường Nam Định, các cuộc thi do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức… ông đều nhiệt tình tham gia.
Nỗ lực như vậy nên ở nhiều cuộc thi ông đã đạt được giải thưởng cao như ở các cuộc thi tìm hiểu về ASEAN một khối thống nhất do Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Văn hóa thông tin ASEAN tổ chức; cuộc thi tìm hiểu truyền thống văn minh của ngành Bưu điện; cuộc thi tìm hiểu 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến, cuộc thi tìm hiểu về đồng chí Trường Chinh - người con ưu tú của quê hương Nam Định do Ban Tuyên giáo và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức…
Ở trong vùng, nhắc tới biệt danh “người cao tuổi mê thi” chẳng ai không nhớ tới ông Trừng. Chẳng thế mà, những bảng khen, thành tích như: đặc biệt, xuất sắc, giải nhất, nhì, ba… treo chật kín tường. Theo tìm hiểu, chỉ tính đến trước năm 2010 thì ông Trừng đã tham dự 58 cuộc thi, đoạt 46 giải với tỉ lệ 79,6 % số giải trên tổng số cuộc thi.
Càng về già, càng muốn học nhiều hơn
Mê học, ham thích ghi chép lại các tài liệu, sách báo nên ông Trừng thường chọn thời điểm ban đêm để yên tĩnh tổng hợp, ghi chép lại các tư liệu. Mỗi ngày, ông thường viết liền 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Riêng với tất cả các bài thi, ông Trừng đều viết bằng tay, thường phải viết đi viết lại từ 2 đến 3 lần. Ông ý thức rằng, viết tay là để luyện tay, luyện não đồng thời thể hiện tấm lòng, tình cảm của mình đối với bài thi.
Dù đã bước sang cái tuổi nên để đầu óc thảnh thơi, hưởng những thú vui cùng con cháu thì ông Trừng vẫn không ngừng suy nghĩ, không ngừng chiến đấu với bút lực mạnh mẽ của mình. Là một cây bút đóng góp nhiều bài viết cho các báo về sức khỏe, phụ nữ, ông Trừng có những chế độ sức khỏe rèn luyện để tốt cho bản thân và người xung quanh.
Ngạc nhiên hơn khi ông Trừng nói với tôi rằng, ông bắt đầu học Tiếng Anh ở tuổi 94. “Tôi có một niềm say mê với ngoại ngữ, khi thấy các cháu học tiếng Anh thì mong muốn được tiếp xúc với ngôn ngữ. Tôi nói với các cháu dạy tôi học” – ông Trừng thật thà kể.
Hiện các con của ông Trừng hầu hết theo ngành giáo dục. Họ là giáo viên, hiệu trưởng các cấp trong tỉnh và một số trường đại học. Khi được hỏi về người cha, người ông của mình, tất thảy những ánh mắt sáng lấp lánh hạnh phúc và tự hào về người cha hiếu học của mình.