Những câu chuyện về cậu Ba Huy luôn có sức hấp dẫn đến kỳ bí, nhất là khi du khách đặt chân về thăm vùng đất hiền hòa xứ Bạc Liêu. Ngồi trong khu nhà Công tử Bạc Liêu – hiện là khu du lịch được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng, phóng viên cũng như nhiều du khách không thể không đặt câu hỏi tại sao vùng đất hiền hòa, thân thiện này lại sinh ra một con người ăn chơi đến mức “bán giời không văn tự” như cậu Ba Huy- trong khi thời ấy đa phần dân chúng đều lầm than nghèo khó?.
Câu chuyện về công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu chè” khi đồng bào mình cơ cực đã lùi về dĩ vãng, và miền quê nghèo khó của công tử ngày nào giờ đã thay da, đổi thịt. Hiện tỉnh Bạc Liêu đang có chủ trương phát triển nơi đây thành một thương hiệu du lịch mang tên “Công tử Bạc Liêu”.
Tại khu nhà Công tử Bạc Liêu, phóng viên được gặp người con trai của cậu Ba Huy là ông Trần Trinh Đức - người thừa kế chính thức của cậu Ba Huy lừng lẫy một thời. Gọi là người thừa kế thế thôi chứ thực ra cậu Ba Huy chẳng còn di sản gì để lại cho con cháu, ngoài “thương hiệu” Công tử Bạc Liêu mà ai ai cũng biết.
Cùng với tiếp chuyện phóng viên, ông Đức cũng đang tiếp chuyện với vài người khách du lịch ghé thăm và tìm hiểu về Công tử Bạc Liêu. Câu chuyện được ông Đức kể lại giống như đúc kết của ông bà ta từ ngàn xưa: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” và “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Ông Trần Trinh Đức kể lại: Năm 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cũng là lúc con cháu của Công tử Bạc Liêu lâm vào cảnh túng thiếu, anh em ly tán. Mặc dù là hậu duệ của đại công tử vùng lục tỉnh xứ Nam kỳ từng “ném tiền qua cửa sổ” nhưng đến đời ông Đức rất bần hàn. Vợ chồng ông Đức khá bất hạnh khi chỉ có một con gái duy nhất mà cô này lại mắc bệnh tâm thần.
Từ khi con bệnh, vợ ông luôn phải trông chừng con, còn ông Đức từng phải chạy xe ôm dãi dầu vất vả kiếm từng chục ngàn lẻ mua gạo nuôi gia đình. Sau thời gian bám trụ Sài Gòn mưu sinh, năm 2010, ông Đức quyết định quay về cố hương và định cư tại đây đến nay.
Ông Đức hay ngồi nói chuyện với du khách, bán sách “Công tử Bạc Liêu” của tác giả Nguyên Hùng |
Ông Đức hồi tưởng: “Vào một đêm muộn, lúc tôi hành nghề chạy xe ôm, tôi có chở một hành khách. Rất tình cờ đó là một phóng viên của một tờ báo. Khi phóng viên đó biết tôi là con của Công tử Bạc Liêu nên trò chuyện rất lâu và hứa giúp tôi làm đơn xin cấp nhà để an dưỡng phần đời còn lại. Tôi mừng lắm nên quyết tâm làm theo. Nhưng cuộc đời tôi vẫn chưa được như ý vì nhà ở đến nay vẫn còn nằm ở… lời hứa”.
Ông Đức tâm sự, thực ra trong bụng ông cũng có nghi ngại liệu lời hứa đó có thành hiện thực chăng khi mà khoản ăn chơi vô độ, phô trương sự giàu có của ông Ba Huy chưa giúp ích được gì cho tỉnh đâu mà bây giờ phải có trách nhiệm với con cái của ông(?!) – ông Đức tâm sự.
Nói đến đây ông Đức thở dài. Tâm nguyện của ông Đức chính là muốn có nơi thờ tự để anh em có chốn quay về hương hỏa cho tổ tiên. Tuy nhiên, ông vẫn còn ở nhà tạm, không nghề nghiệp, không tiền, không nhà... Ngôi nhà vợ chồng ông đang ở hiện do một doanh nghiệp cho mượn đất, cất nhà để ở.
Phóng viên hỏi: “Thế bác gái ở nhà có việc gì làm, có thu nhập không bác?”. Ông Đức hóm hỉnh: “Có làm nhưng mà là… làm thinh đó. Căn nhà vợ chồng tôi cùng cô con gái bị bệnh tâm thần đang ở, nằm trong khu dân cư phường 5 (TP Bạc Liêu), với diện tích 4.5x17m. Vậy cũng được lắm rồi, vì chỉ có hai vợ chồng tôi cùng đứa con gái ở thôi, nên không đến nỗi”.
Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi có khách đến tìm hiểu thông tin về thời vàng son quá vãng của Công tử Bạc Liêu, ông Đức lại quay sang trả lời và bán sách cho khách. Từ ngày có mặt tại khu du lịch Công tử Bạc Liêu (phường 3, TP Bạc Liêu), ông Đức hay ngồi nói chuyện với du khách, bán sách “Công tử Bạc Liêu” của tác giả Nguyên Hùng. Cuộc sống của ông Đức hiện đã ổn hơn nhiều so với trước. Nghe nói xưa kia gia sản của Công tử Bạc Liêu có hàng tấn vàng, mà giờ đây đứa con trai chính thức tiếp quản lại như thế ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Thật đúng là thế gian dâu bể, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
Câu chuyện buồn của một gia phả điền chủ nổi tiếng ở Nam kỳ lục tỉnh có mấy người con “phá gia chi tử” đã khiến cho tên tuổi của một vùng đất “nổi như cồn”. Những địa danh được người đời gọi như: Công tử Bạc Liêu, xứ Công tử, trai Công tử… Cũng từ đó như trở thành một thương hiệu của Bạc Liêu. Và thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” của thời quá vãng” ấy đã và đang được khai thác triệt để nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương.