Đây là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên có mặt trên đất nước Ấn Độ, tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 20 ha, giữa những ruộng đất bao la, cách Bồ Đề Đạo Tràng và khu thị tứ 2 km về phía Tây Nam. Chùa là niềm tự hào của tôn giáo Việt trên đất nước Phật giáo Ấn Độ, đưa Việt Nam sánh cùng các nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar, Trung Quốc…
Có điều, nhìn ngắm ngôi chùa nguy nga ấy, ít ai biết được rằng, để có được nó như ngày hôm nay, thầy Huyền Diệu đã phải trải qua một hành trình dài mấy mươi năm vô cùng gian khó. Thầy bảo: “Hành trình xây chùa cũng là dịp thực chứng rõ nhất tất cả những hiển hiện của luật nhân quả: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão và cả những hiển linh vi diệu của Phật pháp nhiệm màu”.
Tuổi thơ dữ dội
Sư thầy Thích Huyền Diệu, tên tục là Lâm Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ba Tri, Bến Tre. Ngay từ nhỏ, thầy đã mang trên mình nhiều bệnh tật, trong đó, nặng nhất là bệnh hen suyễn. Mỗi khi trái gió trở trời, cơn suyễn lên là thầy nghẹt thở như có bàn tay lực điền bóp chặt cổ. Nhiều lúc không thở được, thầy ngất lịm đi. Cha mẹ đưa thầy đi chữa thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây đủ kiểu nhưng không đỡ.
Cùng đường, phải nương nhờ cả các thầy bùa, thầy cúng xua đuổi mấy con ma bệnh. Chắt bóp, dành dụm được đồng nào, đồng ấy lại lần lượt đội nón ra đi. Nhiều lúc tuyệt vọng, thầy đã khóc, đòi tự vẫn cho cha mẹ đỡ khổ. Mẹ thầy ôm chặt con vào lòng, khóc nấc lên:
“Đừng chết con ơi! Con phải sống với ba má cho đến khi nào con học hành thành tài, cho đến khi nào ba má chết con mới được chết”. Thế nhưng, mới học hết lớp 2 thì cha mẹ thầy đã chia tay. Cuộc hôn nhân đầy giông bão với những trận cãi vã, chửi bới, xô xát của bậc sinh thành đã gieo vào tâm hồn non dại, ốm yếu của thầy những ám ảnh đớn đau, sợ hãi.
Vuốt nước mắt tủi nhục, xót xa, mẹ thầy lôi thầy cùng các con lên Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc đời của người dân nghèo cả đời chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho giời nơi thôn quê lên chốn phồn hoa đô hội kiếm sống khó khăn, cực khổ trăm bề. Mẹ thầy phải luôn thức khuya dậy sớm nấu xôi, làm bánh, gánh ra chợ bán. Quần quật suốt ngày, bóp mồm bóp miệng, giật gấu vá vai vậy mà cái ăn chẳng no, cái mặc chẳng đủ, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Cuộc sống cơ cực, vất vả, khó khăn khiến mẹ thầy trở nên khắc nghiệt. Bao nhiêu bực dọc, nhọc nhằn, ấm ức, bà trút hết lên đầu những đứa con thơ dại. Thầy Huyền Diệu là đứa con trai duy nhất nên mọi trận đòn roi đều đổ lên đầu thầy. Tuy bị bệnh, ốm đau quanh năm suốt tháng nhưng mỗi khi mẹ thầy bực bội là lại lôi thầy ra đánh. Mỗi lần đánh là lại bị trói chặt chân tay, roi vọt quất như mưa lên người thầy.
Có lần bị đòn nặng quá, thầy ngất lịm đi; tỉnh dậy, đã thấy được cởi trói từ lúc nào. Khắp thân thể hằn lên những vết bầm tím, rớm máu, đau đớn ê chề. Tủi thân quá, thầy bưng mặt khóc. Khóc chán, thầy chắp tay, ngửa mặt lên trời niệm Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu xin ngài xót thương.
Không hiểu sao, ngay từ lúc nhỏ, thầy đã có niềm tin rất lớn vào lòng từ bi của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và cảm nhận được nhiều điều màu nhiệm. Ví như có lần, thấy mẹ thầy ngồi khóc một mình ngoài bậu cửa, thầy liền niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho mẹ thầy hết khổ, hết khóc. Và kỳ lạ sao, một lúc sau, đã thấy mẹ vui cười, lại còn mua bánh kẹo cho thầy ăn nữa.
Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Ấn Độ |
Vì thế, sau này, mỗi lần thấy mẹ lên cơn giận, mặt đỏ tía tai, tay lăm lăm cái roi là thầy vội nhắm mắt, chắp tay trì niệm. Làm thế, thầy thấy trận đòn nhẹ hơn, bớt đau hơn. Lần nào quên không trì niệm là trận đòn y rằng nặng hơn.
Suốt quãng tuổi thơ ở với mẹ của thầy ngập trong nước mắt với những ám ảnh kinh hoàng về những trận đòn, đến độ, nhiều đêm ngủ cũng nằm mơ bị ăn đòn, la hét om sòm. Và rồi một ngày, thầy quyết định bỏ nhà ra đi trong nước mắt, nỗi cô đơn, tủi thân và đói rét, không một đồng tiền cắc bạc.
Tài sản duy nhất thầy mang theo là lòng tin vào Đức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ dẫn đường chỉ lối. Nhiều ngày trước khi ra đi, thầy mang những hình đức Phật cắt từ sách báo, vỏ bao hương ra bờ sông, chọn chỗ yên tĩnh vắng người qua lại, đặt các hình Phật dưới gốc cây lớn rồi chắp tay bái lạy. Thầy vừa lạy vừa niệm Phật, cầu nguyện cuộc trốn nhà thành công tốt đẹp.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với ân sư và mật pháp nhiệm màu
Lang thang, đói rách, khổ sở, đúng lúc tuyệt vọng nhất thì phép mầu nhiệm đầu tiên đã đến với cậu bé tội nghiệp Lâm Trung Quốc. Trong lúc lần đường tìm về nhà cha ở Bến Tre, tới phà Mỹ Tho, cậu bé Quốc vừa bước xuống phà thì gặp một sư thầy mặc áo nâu sòng. Thầy kêu tên Quốc thật lớn khiến cậu bé vô cùng ngạc nhiên.
Giương cặp mắt to tròn nhìn thầy, cậu bé cất tiếng hỏi: “Thầy là ai ạ? Con chưa bao giờ gặp thầy, sao thầy lại biết tên con?”. Sư thầy cười: “Thầy là Hoằng Nhơn, trụ trì chùa Mai Sơn Tự trên núi Thất Sơn. Thầy đợi con ở đây đã ba ngày rồi. Hãy về chùa với thầy”. Bỗng dưng bị thu hút một cách huyền bí, cậu bé Quốc vội đi theo thầy như thể thầy là người thân trong gia đình từ thuở nào.
Biết cậu đã đói nhiều ngày, thầy dẫn cậu vào một quán nhỏ bên đường. Thấy cậu bé ăn ngồm ngoàm, thầy dặn đừng ăn nhanh, ăn no quá kẻo mắc bệnh. Ăn uống xong, hai thầy trò đi xe đò về Châu Đốc, An Giang rồi đổi xe về núi Sam, sau đó, đi bộ một chặng đường khá dài vào vùng núi Tịnh Biên, gần biên giới Campuchia.
Thầy ân cần, chu đáo như một người cha khiến cậu bé Quốc sực nhớ đến cha mẹ, bật khóc nức nở. Thầy dỗ dành: “Thôi! Đừng khóc nữa con. Mai mốt thầy sẽ chữa hết bệnh cho con. Tương lai, con sẽ thành công rực rỡ rồi con sẽ gặp lại ba má con”. Hai thầy trò băng qua nhiều cánh đồng, đồi núi. Đến lúc nhọ mặt người thì tới chùa.
Bồ đề Đạo tràng |
Chùa Mai Sơn Tự ẩn mình trong rừng mai. Vào mùa xuân, hoa mai nở. Khắp núi rừng trở thành một biển mai vàng rực. Cảnh sắc vô cùng hữu tình, thơ mộng như cõi bồng lai tiên cảnh. Chùa nằm cheo leo trên sườn núi nên rất u tịch. Quanh năm không thấy một bóng người. Các loài thú dữ như hổ, báo, heo rừng, rắn rết vẫn thường xuất hiện trong những khu rừng rậm rạp gần đó. Thầy trò phải cấy lúa, trồng ngô, trồng các cây ăn quả đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống đạm bạc.
Được nương náu cửa chùa, thú vui lớn nhất của Quốc là đọc truyện Tây Du Ký. Cậu say mê theo dõi hành trình đến đất Phật thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới đến độ nhiều khi bỏ cả cơm nước. Cậu dành rất nhiều thời gian, công sức sưu tầm tất cả tư liệu hình ảnh về các nhân vật này.
Mỗi khi nghe thầy nói chuyện về đất Phật, về vùng Hy Mã Lạp Sơn, lòng cậu bé Quốc lại bồi hồi, náo nức. Cậu ước ao một lần trong đời được đặt chân đến vùng đất địa linh nhiều huyền thoại ấy…
(Mời xem tiếp số sau)