Nét văn hóa có 1 không 2
Đến các ngôi nhà ở xã Ba Xa, chúng tôi thấy rất nhiều gia đình để quan tài ở kho lúa, dưới bếp, sau hè.
Ông Phạm Văn Xí - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Ba Xa cho biết, từ nhỏ ông đã thấy cha ông làm quan tài tặng ông bà nội. Theo thời gian, đến đời ông và con cháu vẫn giữ gìn phong tục này coi như là nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, bởi nó là vật dụng mà ai sinh ra, lớn lên rồi đi về cõi vĩnh hằng cũng phải dùng đến.
“Toàn bộ quá trình làm được thực hiện hoàn toàn thủ công nên có khi phải mất đến vài tháng trời. Quan tài sau khi hoàn thành sẽ có hình trụ tròn nhưng không được chạm khắc hoa văn, bởi nếu khắc hoa văn thì người chết sang thế giới bên kia sẽ không hòa nhập được với cuộc sống mới, sẽ sống khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc”, ông Xí cho biết.
Cũng như nhiều người dân trong làng, ông Xí cũng đã tự tay làm 2 cỗ quan tài cho cha mẹ ông khi còn sống.
“Cách đây 4 năm, tôi đã làm 2 cỗ quan tài rất đẹp cho cha mẹ mình. Không phải mình không có tiền để mua quan tài cho cha mẹ khi qua đời mà muốn tự tay mình làm tặng để trả ơn ông bà đã sinh mình ra vào nuôi nấng mình”, ông Xí bộc bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đồng bào H’rê làm việc này không có hàm ý xấu, mong cha mẹ chết sớm, mà là thể hiện lòng biết ơn cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn, cầu mong cho cha mẹ sống lâu hơn.
Người H’rê cho rằng, nếu con cái tự tay làm quan tài biếu cha mẹ thì một phần sức khỏe, sức lực của con cái được truyền sang cho bậc sinh thành, giúp họ khỏe mạnh lạ thường. Gia đình nào có con cái làm được việc ấy, chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc, con cái đoàn kết yêu thương nhau.
Quan tài còn là vật để người H’rê thể hiện tinh thần đoàn kết. Nếu trong làng có một người ốm đau, bệnh tật, già làng sẽ chọn ra 7 người đàn ông khỏe mạnh nhất lên rừng đốn gỗ để làm quan tài tặng cho người bị ốm. Họ cho rằng, nếu người khỏe mạnh tặng quà cho người đau ốm thì người đó sẽ được truyền sức khỏe để thoát khỏi bệnh tật.
Người có của ăn, của để trong làng có trách nhiệm biếu quan tài cho người nghèo khó để truyền may mắn giúp họ thoát nghèo. Trường hợp, trong làng có người nghèo khó bị chết thì một người tốt bụng trong làng sẽ mang quan tài của họ tới cho không.
Nếu là bạn bè thân thiết, họ sẽ tặng cho nhau một chiếc quan tài để thể hiện tình cảm. Trong lễ đầy tháng, cha mẹ cũng có thể tặng quan tài cho con. Năm mới, người H’rê cũng tặng quà này cho nhau để cầu chúc cho gia đình năm mới làm ăn phát đạt và sức khỏe. Với người H’rê, lúc nào có chuyện vui thì họ lại tặng nhau quan tài.
“Đó là nét văn hoá, thể hiện tình cảm lối sống của người H’rê. Bất kể người H’rê nào cũng đều biết đây là văn hoá truyền thống có từ ngàn đời”, ông Xí cho biết.
Sính lễ trong ngày cưới
Theo quan niệm của người H’rê, việc tổ chức đám cưới giữa nhà trai và nhà gái diễn ra giống nhau để tạo sự công bằng giữa hai gia đình. Sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thay nhau tháng ở nhà vợ, tháng ở nhà chồng, đến khi có con thì mới tách hẳn cha mẹ ra ở riêng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt, trong lễ cưới, mỗi chàng trai H’rê bắt buộc phải có một cỗ quan tài tặng cho gia đình nhà gái. Gia đình cô dâu nhận cỗ quan tài thì coi như đã nhận sính lễ cưới.
Nếu gia đình nhà trai quá khó khăn, không kịp đóng quan tài cho ngày cưới thì sau đám cưới họ sẽ phải dành dụm tiền bạc để gửi trả sính lễ sớm nhất có thể.
Người H’rê tin rằng, cỗ quan tài là thứ tượng trưng cho sự may mắn, điều tốt lành, vì thế, việc chuyển giao này sẽ giúp cô dâu, chú rể có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc đến cuối đời nên bằng mọi cách họ sẽ phải làm bằng được cỗ quan tài để tặng nhau trong ngày cưới.
“Mmỗi chàng trai H’rê bắt buộc phải có một cỗ quan tài tặng cho gia đình gái. Người H’rê coi đó như một món quà ý nghĩa, có thể xem như một sính lễ không thể thiếu khi cưới hỏi. Việc biếu món quà này được xem là một điều tốt đẹp, thể hiện tấm lòng thành kính giữa người cho và người nhận, sẽ tránh được những rủi ro trong cuộc sống, đem lại những điều tốt đẹp, may mắn”, già làng Phạm Văn Vênh cho biết.
Ngoài ra, trong lễ cưới, hai bên sui gia có thể tặng quan tài qua lại cho nhau để thể hiện sự thân thiết và bắt đầu cho một mối quan hệ dài lâu. Việc biếu quan tài làm quà trong ngày cưới của người H’rê như là một tài sản quý, chuyển giao từ nhà này sang nhà khác, thể hiện tình cảm cao quý nhường cho sui gia hưởng những gì cần nhất khi cuối đời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày xưa khi nguồn gỗ trên rừng còn dồi dào, các cụ già trong làng, thường là những cụ già đã bước sang 70 tuổi sẽ đích thân lên rừng chọn cho mình cái cây họ thích. Thường là gỗ quý như lim, trắc, gõ… để con cái hạ đốn mang về nhà làm quan tài cho ông bà, cha mẹ.
“Trước khi đốn cây, gia đình sẽ làm lễ cúng xin thần rừng cho phép họ đốn cây mang về cưa, đục thành quan tài. Bây giờ, khi nguồn gỗ ngày càng ít đi, cỗ quan tài thường được làm từ các cây gỗ tạp”, già Vênh cho biết.
Có thể nói, đối với người H’rê nơi đây, chiếc quan tài không chỉ là món quà, là tài sản quý giá của mỗi gia đình, mà nó còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Ở miền đất còn nhiều khó khăn như Ba Xa, việc giữ gìn nét văn hóa riêng biệt mang đậm tính nhân văn như việc tặng quan tài quả là điều đáng quý.