Câu chuyện được ngôi đất phát của gia đình Đỗ Uông được Phạm Đình Hổ viết trong sách Vũ trung tùy bút như sau:
“Ông Đỗ Uông, người làng Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, khi xưa bà ngoại tổ mẫu góa chồng sớm, nhà nghèo mở ngôi hàng bán nước ở bên đường. Một hôm, có người Hoa kiều đi đào của về, vào nghỉ ở hàng nước, khi đi bỏ quên một gói bạc. Được ít lâu trở lại, bà lão hàng nước đem đủ số bạc trả lại. Người Hoa kiều chia một số bạc đền ơn, bà không chịu nhận. Người Hoa kiều ấy cảm cái cao nghĩa mà bảo rằng:
- Chỗ này có một ngôi đất đời đời có người làm nên chức công khanh, tôi muốn lấy ngôi đất đó để đền ơn bà.
Bà lão bùi ngùi mà rằng:
- Thân già này có con cái gì đâu, chỉ còn sót đứa cháu ngoại ba đời, còn mong công khanh gì nữa!
Người ấy nói rằng:
- Cháu ngoại cũng được, duy phát phúc không được lâu dài mà thôi.
Sau khi vào ở ngôi đất ấy, cháu bà là Đỗ Uông vào Đình thí, đỗ Bảng nhãn, làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang.
Nói chuyện với yêu nữ
Đỗ Uông (1532-1600), người xã Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cùng với Phạm Trấn ở làng Lam Kiều người cùng huyện (nay là xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đều nổi tiếng về kiến thức rộng nên có ý ganh đua nhau trong việc học.
Trong làng có miếu thờ nữ yêu tinh, mỗi khi học bài xong, đi ngủ ông thường mơ thấy yêu tinh hiện ra nói rằng:
- Trấn đỗ Trạng nguyên, Uông đỗ Bảng nhãn
Một tối đang đọc sách, bỗng bên ngoài cửa sổ có cánh tay thò vào, Uông đoán đó là tay yêu tinh. Sáng hôm sau hỏi một pháp sư, người đó bảo:
- Từ nay, hễ thấy nó thò tay vào thì cậu dùng chỉ ngũ sắc buộc lại, nó sẽ không thể biến được.
Uông nghe vậy có ý rình đến canh khuya, thấy con yêu thò tay vào trêu bèn lấy chỉ ngũ sắc buộc ngay song cửa khiến tay nó cứng đờ không thể rút ra được. Đến gần sáng nó khóc lóc van lơn mà nói:
- Tôi thấy cậu sắp đại quý nên mới đùa bỡn, sao cậu lại nỡ nhẫn tâm thế?
Đỗ Uông bèn hỏi:
- Như tài học của ta đây có thi đỗ được Trạng nguyên hay không?
Con yêu đáp:
- Trạng nguyên sẽ về tay họ Phạm, ông chỉ đỗ thứ 2 mà thôi!
Đỗ Uông bèn tháo chỉ ngũ sắc tha cho, nó bèn thổ ra một viên ngọc tặng ông. Đỗ Uông bỏ vào mồm nuốt chửng, từ đó về sau học một biết mười, văn chương càng xuất sắc như nhả ngọc phun châu khiến Phạm Trấn cũng không theo kịp.
Thế nhưng đúng như lời nói của con yêu tinh trong giấc mơ và trong đời thực, khoa thi năm Bính Thân (1556) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên), Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên còn Đỗ Uông chỉ đỗ Bảng nhãn, kém một bậc.
Tranh tài với Trạng nguyên
Khoa thi Hội năm Bính Thân (1556), vào đến kỳ thi Đình, khi đọc đề, Đỗ Uông thấy mình đều thuộc cả nên múa bút viết và chắc mẩm Trạng nguyên sẽ thuộc về mình.
Còn Phạm Trấn khi đó đang ở trong lều của mình bỗng nghe loáng thoáng bên tai có tiếng người nói tự xưng tên, một người là Hàn Kỳ, một người là Đông Phương Sóc. Họ đọc cho Phạm Trấn viết bài, nhưng vì thấy ông viết không kịp nên Đông Phương Sóc nói với Hàn Kỳ:
- Ta phải làm cho Uông ốm để giảm sức viết đi.
Thế là Đỗ Uông đang làm bài bỗng đau bụng, không thể viết được đành nằm rên rỉ. Mãi đến khi Phạm Trấn viết gần xong bài thì Đỗ Uông mới khỏi, vì thuộc bài nhưng không còn nhiều thời gian nên bài văn của Đỗ Uông hơi kém. Đến khi triều đình xướng tên những người đỗ, ngôi Trạng nguyên thuộc về Phạm Trấn còn Ðỗ Uông thì đỗ Bảng nhãn.
Phạm Trấn mừng lắm mới nói:
- Giờ ta đã thắng được Đỗ Uông đây!
Đỗ Uông nghe nói tức lắm, lúc vinh quy về cùng, không chịu nhường Phạm Trấn đi trước mà cứ dóng ngựa đi ngang hàng. Tới làng Hoạch Trạch, dân chúng kéo nhau ra xem và xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Ðây là chiếc cầu ngói hơn mười gian, hai người bèn thách nhau qua bảy gian phải vịnh xong bài thơ; ai xong trước đi trước, không được tranh nhau.
Sự biến thủy quân năm Canh Tý (1600) (Tranh minh họa) |
Phạm Trấn vừa đi được mấy bước đã đọc luôn bài thơ 8 câu, ai cũng chịu tài, riêng Đỗ Uông không phục, cho là thơ đã làm sẵn, rồi lại dóng ngựa đi ngang hàng. Ðến làng Minh Luận, có người mới làm xong nhà, ra đón đường xin một bài thơ mừng nhà mới. Phạm Trấn đọc luôn:
Năm năm thêm phú quý,
Ngày ngày hưởng vinh hoa.
Xưa có câu như thế,
Nay mừng mới làm nhà.
Lần này, Đỗ Uông có vẻ hơi chịu tài nhưng vẫn chưa phục. Khi hai người về đến cầu làng Ðoàn Lâm, tục gọi là Cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng là cô Loan; hai người lại thách nhau làm bài thơ Nôm lấy đề là: Cô Loan bán hàng cầu Cốc. Hạn mỗi câu phải có tên hai giống chim, qua cầu phải xong, ai xong trước đi trước, nhất thiết không được tranh nhau nữa. Phạm Trấn ngồi trên lưng ngựa, đọc ngay rằng:
Quai vạc đôi bên cánh phượng phong,
Dở giang bán chác lựa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới,
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng...
Yến anh đón rước vừa ban tối,
Ông mổ bà, bà lại quạc ông.
Bấy giờ Đỗ Uông mới thực sự chịu phục Phạm Trấn là nhanh trí và than rằng:
- Xuất khẩu thành chương, nếu không có quỷ thần trợ lực thì làm sao có được tài như thế!Nói rồi ghìm cương ngựa, nhường cho Trạng đi trước.
Chí hướng khác nhau
Cùng làm quan trong triều, Trấn và Uông thường ngồi uống rượu ngâm vịnh thơ văn. Một hôm, ngà ngà say, hai người mới thi làm bài thơ có đầu đề là “Tửu tán”.
Đỗ Uông xướng rằng:
Có rượu cúc vàng dùng cúc vàng,
Không có cúc vàng, uống rượu lửa.
Uống đều say sưa,
Gặp chăng hay chớ.
Phạm Trấn đáp lại:
Rượu vàng thì uống,
Rượu hoả thì thôi.
Ví chẳng như lời,
Trời đất, trăng sao.
Đọc hai bài thơ đó, nhiều người cho rằng ý của hai ông khác nhau. Quả nhiên sau này nhà Mạc mất, đến đời Lê trung hưng, Đỗ Uông xin quy thuận trước nên được làm đến Thượng thư bộ Hộ còn Phạm Trấn bị ép phải làm quan nên Đỗ Uông cho là không phù tá nhà Lê, vẫn nhớ họ Mạc mới đoạn tuyệt quan hệ. Phạm Trấn chỉ làm đến chức Thừa chính sứ một thời gian rồi xin nghỉ về ở ẩn.
Sách Hải Dương phong vật chí khi nhận xét về chuyện đàm đạo văn thơ nói trên, có lời bình rằng: “Người thức giả xem đất biết sự lập chí của hai bên khác nhau. Về sau, khi nhà Mạc mất, Lê triều được trung hưng, Đỗ Uông ra quy thuận, làm quan đến Thượng thư, tước Xuân quận công”.
Thiệt mạng dưới giáo vàng của Chúa Trịnh
Nhà Lê Trung hưng tuy đánh đuổi họ Mạc, chiếm lại được Thăng Long nhưng giai đoạn đầu vẫn chưa giữ yên được tình hình bởi thế lực ủng hộ họ Mạc vẫn còn mạnh.
Vào năm Canh Tý (1600), một số tướng cũ của nhà Mạc lại nổi quân làm phản nhà Lê Trung hưng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu làm phản… Bấy giờ trong nước nhiễu nhương, lòng người lay động, vương (chúa Trịnh Tùng) bèn hộ vệ Hoàng thượng trở về (Tây Đô, tức Thanh Hóa) để giữ vững căn bản.
Bấy giờ bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ với họ Mạc, chiêu an các thành thị”. Lúc đó các tướng làm phản đều đang chỉ huy thủy quân ở cửa biển Đại An (nay thuộc Nam Định) nên sự kiện này được gọi là “vụ biến thủy quân”.
Thấy chúa Trịnh Tùng muốn rước vua rút về Thanh Hóa, Đỗ Uông ra sức can ngăn, khuyên ở lại kinh đô cố thủ chờ quân ở trấn về cứu viện. Chúa Trịnh nghĩ Đỗ Uông vốn là bề tôi cũ của nhà Mạc nên rất nghi ngờ, cho là có mưu đồ xấu, giận quá tự tay cầm giáo vàng đâm chết ông ngay tại sân triều.
Sách Vũ trung tùy bút cũng cho biết chuyện ông bị chúa Trịnh đâm chết, tuy nhiên theo Lịch triều hiến chương loại chí thì Đỗ Uông bị quân phản loạn giết chết: “Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc. Vụ biến thủy quân đầu năm Thận Đức (1600), vua về Tây kinh, ông can vua xin ở lại kinh rồi ông bị loạn quân giết chết. Sau được tặng Thiếu bảo, phong làm phúc thần, có miếu thờ ở Đoàn Lâm”.
Về sau, Đỗ Uông được phong làm Thành hoàng làng Đoàn Lâm, nơi thờ ông gọi là đình Đông, nay vẫn còn ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương…/.