Chuyện nhà có 2 “nàng tiên” đều vào Harvard

(PLO) -5 năm trước, cô gái xinh đẹp Tôn Hà Anh (sinh năm 1992) là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận học bổng đặc biệt của Đại học Harvard. Năm nay, một học sinh đang học lớp 12 của Hà Nội - Amsterdam lại nhận tấm vé vào ngôi trường hàng đầu thế giới mơ ước - Tôn Hiền Anh. Hà Anh và Hiền Anh là chị em gái…
Tôn Hiền Anh (bên phải) kể về quá trình appy học bổng.
Tôn Hiền Anh (bên phải) kể về quá trình appy học bổng.

Hơn 10 năm trước, anh Tôn Đức Thế đọc cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” của tác giả Lưu Diệp Đình. Ước mơ trở thành hiện thực khi hai con gái đều đỗ trường đại học này. 

Cổ tích tuổi 17

Anh Tôn Đức Thế, ông bố gốc Hà Tĩnh cho biết để được vào Harvard, trước tiên phải nhờ đến sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các con. Còn vợ chồng anh, với tư cách là một phụ huynh luôn động viên và tạo mọi điều kiện để các con thực hiện ước mơ. Anh cũng chia sẻ, mẹ cháu là người rất sâu sát và có ảnh hưởng tới hai cô con gái.

“Mẹ cháu là một người thiệt thòi, học rất xuất sắc nhưng lại không vào được đại học. Hồi đó, năm 1987, chỉ được thi đại học hoặc trung cấp, chứ không như bây giờ. Ông ngoại cháu mất sớm, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên lúc đó mẹ cháu chỉ được học cao đẳng y tế.

Sau đó, mẹ cháu cũng day dứt, đau đáu và quyết tâm học bằng được bằng đại học và cũng đạt được ước vọng tốt nghiệp ĐH Y. Bây giờ mẹ cháu là giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, đồng thời là Phó trưởng khoa Da liễu”.

Thế nên với Tôn Hiền Anh khi được nhận học bổng đặc biệt của Harvard lại nhờ phần lớn vào 2 bài luận. Mà những gì trong bài luận của Hiền Anh lại hoàn toàn nhờ vào cảm nhận, nghĩ suy từ cuộc sống. Cùng với bài luận viết về nhận xét, đánh giá khi Hiền Anh chứng kiến việc xây dựng lại tháp đôi ở Mỹ là bài luận “Vòng đời” của Hiền Anh viết về những suy nghĩ, trăn trở của 3 thế hệ ngoại - mẹ - con của chính gia đình mình. Vì vậy, mỗi con chữ đó đều xuất phát tất cả từ tấm lòng của người con với gia đình, với hoàn cảnh khó khăn của chính gia đình ngoại, của mẹ mình.

Tất cả những khó khăn, nghị lực, hoài bão của gia đình, của em được dồn nén và òa ra trong bài luận một cách chân thành nhất. Harvard đánh giá bài luận này rất cao, cũng vì vậy, em nhận được học bổng đặc biệt với trị giá 320.000 USD trong vòng 4 năm học, trong đó được hỗ trợ cả chi phí ăn ở, vé máy bay và một số chế độ khác.

Anh kể, từ năm 2003, trong lần vào TP HCM, anh tình cờ đọc cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” của tác giả Lưu Diệc Đình, khi đó là hiện tượng của Trung Quốc. Diệc Đình được nhận học bổng 35.000 USD, gây tiếng vang lớn ở đất nước này. “Tôi mở cuốn sách ra và cũng… choáng bởi thông tin 'vào Harvard khó hơn lên trời'. Thời điểm đó, tôi chỉ ao ước sau này con mình vào được Harvard”, anh Thế kể lại.

Từ khát khao học tập luôn cháy bỏng của cha mẹ, hai con gái Hà Anh và Hiền Anh luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Năm năm sau ngày con gái lớn nhập học Harvard, Hà Anh đã biến giấc mơ của cha mẹ thành hiện thực lần thứ hai. Trước đó, năm 2011, Tôn Hà Anh (sinh năm 1992) được 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ trải thảm đỏ mời nhập học, trong đó có Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley.

GS.TS Carolynn Maltas, giảng dạy tại ngôi trường danh tiếng Harvard từng chia sẻ: “Nhiều sinh viên ở Harvard đều thừa nhận, theo học ở đây đừng nói đến điểm A, ngay cả loại C cũng không dễ đạt được. Nhưng cô sinh viên đến từ Việt Nam Tôn Hà Anh đã đạt 4 điểm A ngay trong kỳ học đầu tiên”.

Và Tôn Hiền Anh tiếp tục theo con đường của chị. Sau khi hoàn thiện chương trình lớp 12, kỳ thi THPT quốc gia, Hiền Anh sẽ chính thức nhập học Harvard. 

Tôn Hà Anh là nữ sinh Việt có tiếng tại Harvard.

Tôn Hà Anh là nữ sinh Việt có tiếng tại Harvard.

Những cuộc trò chuyện mỗi tối

Anh Thế cho biết, gia đình không giàu có nhưng luôn đầu tư hết sức cho con. Đối với anh, thành công của hai con gái phần lớn do mẹ đã luôn động viên, tận tình chia sẻ khó khăn với các con. “Vợ chồng tôi tạo điều kiện cho con đi Singapore hoặc Mỹ để tham gia các hoạt động trải nghiệm. Điều đáng quý các con nhận được nhiều hơn về kiến thức đó là từ cuộc sống. Nếu không thành công, các con cũng có những bài học đầu đời”, người cha nói và cho rằng việc đầu tư cho con luôn “lãi”.

Ông bố này chia sẻ, trong cách dạy con hay cuộc sống, hai triết lý luôn được coi trọng: “Điều đáng khâm phục nhất của con người là luôn biết đứng lên khi ngã” và “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”. Gia đình anh Thế không quá tạo áp lực học tập cho con. Anh kể, thời điểm trước ngày 1/4, khi Havard chưa có kết quả tuyển sinh, Hiền Anh rất lo lắng. Người cha luôn động viên: “Nếu thất bại, ta sẽ bày keo khác, cuộc sống luôn phải hướng về phía trước. Cha mẹ rất khâm phục ý chí và nghị lực của con”.

Ước mơ du học Mỹ từ năm lớp 9, Hiền Anh tập trung vào tiếng Anh, mặc dù cô bé học lớp chuyên tiếng Trung. Hiền  Anh tự nhận mình không phải người quá thông minh nhưng luôn cần cù, học bằng 200% sức lực. Mỗi ngày, Hiền Anh học khoảng 150 từ mới. Thời gian đầu, cô gái này luyện mỗi tuần một đề, sau đó luyện đọc và viết. Cận kỳ thi, Hiền Anh làm 3 đề SAT mỗi ngày với phương châm “Luyện tập biến kỹ năng thành phản xạ”. Sau một tháng, điểm SAT của em là 2.280.

Mùa hè năm lớp 11, Hiền Anh tập viết luận. Đã có thời điểm cô ngồi 7 tiếng mà không viết được nội dung nào, hay nháp tới 16 bản mới hoàn thành. Viết luận với Hiền Anh luôn là một trong những công việc khó khăn, vì trường học không dạy nhiều. Thế rồi, ngoài bài Vòng đời, bài luận thứ hai của Hiền Anh viết về tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) từng bị phá hủy trong vụ khủng bố 11/9 được thay thế bằng tòa tháp Tự do, giống như con người biết vượt qua khó khăn và can đảm đứng về phía trước.

Anh Thế tự đánh giá mình không phải là một nhà sư phạm. Tuy nhiên, những hiểu biết và nhận thức của anh qua cuộc sống của mình anh luôn cố gắng truyền tất cả cho con. Một hỗ trợ quan trọng trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, theo anh, là cha mẹ luôn ở bên cạnh động viên con, tận tình chia sẻ khó khăn. “Buổi tối trước khi đi ngủ lúc nào mẹ cũng gặp các con nói chuyện để xem các con có khó khăn gì, vui buồn gì để cùng chia sẻ. Những lúc buồn có bố mẹ ở bên cạnh là liều thuốc bổ để các cháu vượt qua”.

Tôi luôn tâm niệm điều này, kể cả lúc khó khăn nhất với bản thân mình cũng như với con, không bao giờ cho phép mình được ngã gục trong cuộc sống, mà hãy tiếp tục đứng dậy bước đi. Đó là những điều tôi vẫn tâm niệm và dặn dò con. Hay như câu “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”. Như Hiền Anh, những lúc mệt mỏi, cháu đi tập gym, tập thể dục hay đi dạo để lấy lại sự tỉnh táo và tiếp tục học tập”.

Tôi nghĩ rằng chuyện chúng ta đầu tư cho con là tất cả tình cảm, sự săn sóc dành cho con thì chúng ta cứ làm, chứ đừng nghĩ nhiều đến kết quả. Mà kết quả lớn nhất là các cháu được trải nghiệm. Qua những lần trải nghiệm, các cháu khôn lớn, trưởng thành lên, ông bố có hai cô con gái tuyệt vời này chia sẻ...

Đọc thêm