Bí kíp mẹ Việt dẫn con vào Harvard

(PLO) - Lã Hồ Thị Minh Khuê, cô nữ sinh Việt Nam bé nhỏ đã dành được một suất học bổng đáng mơ ước của trường Harvard. Tuy nhiên, người làm “tốn giấy mực” của báo chí hơn cả không phải “cô bé vàng” này, mà là Hồ Thị Hải Âu – người mẹ đã dành một tình yêu tuệ giác để đồng hành, dẫn dắt con trong một cuộc hành trình tràn đầy yêu thương.
Mẹ con chị Hồ Thị Hải Âu
Mẹ con chị Hồ Thị Hải Âu
Đến với trái tim những người mẹ Việt
Tôi đến nhà chị trong mùa hoa cúc họa mi, dè dặt bấm chuông ngôi nhà của mẹ con chị, bởi một không khí quá đỗi yên bình. Ngôi nhà khiêm nhường lùi sâu một chút, nhường không gian cho cây xanh và khoảng trời xanh vời vợi hiếm hoi giữa con phố chật chội. 
Chị tiếp tôi giữa những chồng sách cao chất ngất, với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Hàng trăm bản sách đang chờ được chị nắn nót ghi lời đề tặng, để chuyển tới độc giả yêu mến của mình - tác giả của cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”. 
Cuốn sách mà theo như chị nói, đó là một cảm xúc tràn đầy của một đời người mẹ đã dấn thân để sống, dâng hiến đến tột cùng cho thiên chức người mẹ.  
Cuốn sách, theo chị cũng là một cách để thể hiện tình yêu của mình với cộng đồng. “Với vai trò của người cầm bút, tôi hiểu cộng đồng của những người mẹ Việt. Tôi hiểu những bối rối, mơ  hồ trong từng bước đi của những người mẹ. Cảm giác thôi thúc mình cần phải làm gì đấy, phải viết ra một cuốn sách cho xã hội. Những vấn đề về lý luận, tri thức chung không thiếu. Nhưng khi nó quá nhiều, chúng ta sẽ bị bối rối là sẽ chọn lọc như thế nào, bắt đầu từ đâu…” chị tâm sự.
Lã Hồ Minh Khuê - cô gái Việt Nam đang là nữ sinh trường Harvard
 Lã Hồ Minh Khuê - cô gái Việt Nam đang là nữ sinh trường Harvard
 “Sau khi tôi quan sát Minh Khuê vào Harvard, nhận thấy con gái hạnh phúc trong môi trường đó. Thậm chí Minh Khuê còn nói rằng con đang hưởng thụ cuộc sống ở Harvard với tất cả những áp lực trong môi trường đó… Tôi càng hiểu con đường mình đi đã thành công. Cô con gái bé nhỏ ngày nào, giờ đã tự tin lựa chọn nơi nó khao khát muốn đến…. một cách tốt đẹp, bình an. Tôi có gợi ý với Khuê là chúng ta có nên có một cuốn sách để chia sẻ với cộng đồng.” - chị kể
Khi được mẹ hỏi ý kiến, Minh Khuê nói: Con chỉ là một cô sinh sinh viên, chỉ là 1 trong gần 10.000 người đang học tập và nghiên cứu ở Harvard, con thật bé nhỏ so với họ. Nếu con không khiêm nhường mới là chuyện lạ. Con cũng không muốn cuộc sống của con bị xáo trộn. Nhưng nếu mẹ nói đến cộng đồng, nói đến dân tộc, thì con đồng ý. Trường Harvard chỉ là bậc thang cần thiết để con đi qua, chứ không phải là biểu tượng “cần phải” của thành công và hạnh phúc. 
“Mẹ hãy viết như thể mẹ đang gợi ý cho những người đang bước đi giống mẹ. Nếu chúng ta không viết hết, không chân thành với ngay cả những sai lầm, những vất vả mà chúng ta đã vượt qua thì cuốn sách sẽ rất nông, mẹ ạ. Mẹ hãy viết hết những gì mẹ có, đó là những giá trị riêng của mẹ.” Cô con gái nhỏ của Hồ Thị Hải Âu đã gửi từ Harvard về cho mẹ nguồn động lực vô giá để chị cầm bút lên và viết. 
Mỗi ngày làm mẹ,  là một ngày vượt khó
Cái khó khăn của chị khi bắt tay vào viết cuốn sách là phải làm thế nào để đến được trái tim của người đọc, gợi được sự chân thành. “Và khi đó, buộc tôi phải phơi bày cuộc sống riêng tư của hai mẹ con. Đó là thách thức vô cùng lớn. Điều này thực sự là khó khăn đối với hai mẹ con tôi.” – chị chia sẻ. 
Cuộc sống riêng tư của hai mẹ con chị Hải Âu không phải chỉ có những ngọt ngào, yêu thương của mẹ và con gái. Câu chuyện riêng tư ấy đã nhiều đêm làm ướt đẫm chiếc gối của người mẹ đơn thân. Đó là khi một mình chị phải đương đầu với những lần đau ốm của con gái nhỏ, là những chuyến công tác dài ngày của người mẹ trẻ để gồng gánh cuộc sống gia đình, là những khi thói hành xử vô cảm đến  cay nghiệt của ai đó theo mẹ con chị cả vào trang sách tinh khôi của con trẻ.
Mẹ con chị Hải Âu trong những một lần Minh Khuê về nước
 Mẹ con chị Hải Âu trong những một lần Minh Khuê về nước
Khi ngồi cùng tôi trong ngôi nhà vẫn thấm đẫm những dấu vết ấu thơ của đứa con gái bé bỏng, chị xúc động nhớ lại hành trình làm mẹ của mình với bao yêu thương…
Trầm ngâm chị kể: “Cuộc đời không ai mong sẽ có lúc gặp sự cố, biến động không mong muốn. Đặc biệt với phụ nữ, khi đã có con, họ muốn có một môi trường bình an để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất. Nhưng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo. Có những điều mình không mong muốn sẽ đến, nhưng nếu mình đủ nội lực  đủ mạnh thì vẫn chủ động tiếp nhận nó. Đặc biệt đối với tôi, trong bất kỳ một giây, một khắc, trước bất cứ quyết định nào của tôi thì câu hỏi đầu tiên ùa đến đòi hỏi tôi phải trả lời mạch lạc, là “Điều đó có ảnh hưởng gì đến Minh Khuê không.” 
Với Hồ Thị Hải Âu, bản năng muốn làm mẹ , khát vọng làm mẹ không chỉ đơn thuần là nuôi lớn một đứa con, mà còn là cách để mình vượt lên bản thân mình. Theo chị, hành trình làm mẹ là hành trình thách thức người phụ nữ nhiều nhất, và cũng là hành trình cho mình những bậc thang để hiểu năng lực vượt lên bản thân, chiến thắng bản thân cao thấp đến đâu. Trên hành trình dấn thân làm mẹ người đàn bà tìm thấy giá trị bản thân mình.
“Có người cho rằng tôi viết một trang sách, và tôi tìm thấy tôi ở đó, có người thì đi khám phá các vùng miền để mỗi nơi, lại thấy một giá trị của mình. Còn tôi, trong từng ngày làm mẹ, tôi thấy tôi ở đó, nhận thấy năng lực của mình vượt lên chính bản thân mình, thấy năng lực vượt khó của mình ở mức nào.  Do đó, tôi  rất đam mê sự nghiệp làm mẹ.” - chị tâm sự.
Nhiều người sẽ ngạc nhiên với khả năng phi thường và những gì chị đã mang đến cho con, hành trì bền bỉ cùng con với một tình yêu tràn trề, cùng với đó, là gánh nặng cơm áo gạo tiền. 
Chị tâm sự: Nếu áp lực cuộc sống đến với chúng ta, chúng ta hãy vui vẻ cùng với áp lực. Người mẹ đích thực là người sống dấn thân ở trong mọi lĩnh vực khác nhau, lao động kiếm tiềm, quan hệ quảng đại, yêu thương rộng lớn, hiểu biết tâm linh đích thực, vân vân. 
Sự dấn thân trong mọi khoảnh khắc sống, trong mọi lĩnh vực cuộc sống, cuộc sinh tồn của người mẹ đến cùng sẽ cho trái ngọt. Miễn là mẹ sống dấn thân một cách tràn đầy, cảm xúc, trách nhiệm thì con cái sẽ hiểu được lòng mẹ. 
Mẹ không thể và không phải ở bên cạnh con mọi lúc. Chính là cách sống, sự nghiêm túc của mẹ, sẽ là tấm gương của con để đứa trẻ biết sống tràn đầy cảm thông, can đảm và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Với người mẹ đơn thân, áp lực cuộc sống có phần nặng nề hơn, tuy nhiên, lại tràn đầy và xúc động hơn, khi cô ấy luôn tràn đầy trách nhiệm thiên chức. Mọi đứa trẻ đều rất nhạy cảm để nhận ra sự nỗ lực của người mẹ đã vì nó. Người mẹ nỗ lực sống, nỗ lực hành động đồng thời lại biết cách chia sẻ, phân tích, giãi bày với con trẻ để con trẻ chìa tay cho mẹ dẫn con bước đi trên hành trình trải nghiệm tập dượt cho đến tuổi trưởng thành, thì đó là một hành trình hạnh ngộ cho cả mẹ và con. 
Đồng hành cùng con là lựa chọn đẹp nhất của đời người đàn bà
Thời tuổi trẻ, Hồ Thị Hải Âu đã từng sớm có tên tuổi trong lảng Văn, khi chỉ mới 23 tuổi, chị đã được giải thưởng văn học Quốc Gia, và nhiều giả thưởng khác sau đó.
“Nhưng tôi cảm giác khao khát viết văn không phải là khao khát lớn nhất của tôi. Rồi tôi phát hiện, tôi muốn là một cơn mưa rào tình yêu lên một điều gì đó. Sau này, khi đã có con, tôi hiểu nơi tôi muốn được tưới đẫm tình yêu của mình, đó chính là con gái nhỏ của tôi” – đời tôi mãi là cơn mưa bất tận tưới tắm lên tình yêu mẫu tử dành cho con gái.  
Cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu
 Cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu
Sự trưởng thành của Minh Khuê là một điều kỳ diệu, là sự thèm muốn của nhiều bà mẹ, bởi cô bé hội tụ đủ những yếu tố của một cô gái bình an, phúc lạc. Tôi hỏi chị, Minh Khuê có phải là sản phẩm của một “công trình khoa học” của mẹ Hải Âu?
Chị cười nói:  Tôi chỉ nghĩ đó là một quá trình sống dấn thân của tôi. Nó không thể gọi là sản phẩm. Nó là quá trình đồng hành, yêu thương và hạnh phúc. Có những điều bạn không mua được bằng tiền mà nó tăng tiến dần, đến lúc nào đó, nó trở thành phẩm chất, và lúc đó, mọi người sẽ nói rằng đây là sự phát triển đột phá, một kỳ tích. Với tôi và Minh Khuê, đó là những điều rất giản dị.
Người yêu hoa hồng khi chăm cây, họ sẽ được tận hưởng mùi hương của hoa hồng, sắc đẹp của hoa hồng. Tôi sống làm mẹ, từng ngày tôi được thưởng thức niềm hạnh phúc của tình mẹ - con mang lại. Và khi mình cảm nhận được thành quả ấy, thì mình sẽ có cảm hứng để tiếp tục tìm hiểm thêm học hỏi thêm, mình cũng tăng tiến dần trên hành trình làm mẹ ấy. 
Theo chị, quá trình đồng hành cùng con phải là quá trình hết sức hoan hỉ, hạnh phúc. “Bởi nó hoan hỉ, hạnh phúc, tôi càng nhận ra đồng hành cùng con là con đường mình yêu thích nhất, đó là lựa chọn đẹp nhất của người đàn bà. Vì thế nên tôi càng nỗ lực học hỏi hơn. Trong quá trình nỗ lực học hỏi, tôi tìm được nhiều người thầy trong sách vở, trong cuộc sống. Hai mẹ con bước đi một cách rất tin cậy bên nhau.”
Dấn thân và hạnh phúc
Từ khi Lã Hồ Minh Khuê trở thành sinh viên của Harvard, nhiều người đã gọi Khuê là cô bé vàng, cô bé kỳ tích, coi thành tích của Khuê là sự đột phá… nhưng với người mẹ thầm lặng đồng hành cùng con, thì thành tích của ngày hôm nay chính là công sức của ngày hôm qua, vì thế chỉ vui trong chốc lát.
Chị kể: Khi Minh Khuê nhận được thông báo của trường Harvard, lúc đó là 3h29p sáng. Chúng tôi đã không thể nhảy cẫng lên vui sướng như mình từng nghĩ, mà chúng tôi ôm nhau khóc. Vì lúc đó, mình cảm thấy thực sự xứng đáng. Quá trình đó không phải 1, 2 ngày, mà hai mẹ con tôi đã cùng nhau 18 năm. Quá trình yêu con, quá trình đi cùng con chỉ có người mẹ với con biết được
“Có lẽ, chị đã và con gái đã có khoảng thời gian rất “khó nhọc” để mẹ rèn luyện con, con học theo mẹ để có được cái gọi là kỳ tích?” tôi hỏi chị về bí quyết dạy con. Chị điềm nhiên lắc đầu:
“Chúng tôi sống dấn thân và hạnh phúc. Ở chặng đường nào, cũng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Đó là quá trình bền bỉ, kiên trì. Chúng tôi đặt ra cho nhau những mục tiêu nho nhỏ cho ngày mai, chính vì thế ngày nào cũng cảm thấy hoan hỉ. Nó giản dị lắm. 
Ví như hôm qua con đã thở được trong nước rồi mẹ ạ. Vậy hôm nay con cố gắng để phối hợp được động tác chân tay nhé. Bởi mỗi ngày là một bước tiến nhỏ, nên con dễ vượt qua, và khi con vượt qua được, cả mẹ cả con đều hoan hỉ vui mừng – chị kể về chuyện bé Khuê học bơi lúc 5 tuổi. 
“Mẹ cảm nhận từng sự nỗ lực của con, sự nỗ lực luôn khiến trái tim mẹ xúc động. Là khi con vượt qua cơn buồn ngủ để hoàn thành bài vở khi đã 2h sáng. Là khi con vượt qua cơn  bệnh, dù sức ốm yếu vẫn tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và đưa về một giả Nhì với sự bình thản như thể đó là điểu bình thường giản dị nhất; là khi con trong vóc dáng nhỏ bé, kiêu hãnh trên sân khấu trong vai trò Pianis cùng với 50 nghệ sỹ trình tấu thành công bản conrerto No.13 của Beethoven…” - Chị viết trong cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu.
Bí quyết của tình yêu tuệ giác
Trong quá trình dạy con, người mẹ của cô bé Lã Hồ Minh Khuê cũng không nhận mình là người thầy dẫn dắt con, mà ngay từ khi con còn nhỏ, chị đã cảm nhận con gái cũng chính là người thầy trong hành trình làm mẹ của mình. Rất nhiều thách thức của người con mà người mẹ nếu không rèn luyện sẽ không trưởng thành. 
“Con chính là người thầy, con chính là động lực để mình học hỏi, để mình lớn lên trở thành người mẹ đích thực. Ở phương diện nào đó, Minh Khuê là thầy của mình. Còn ở mức độ nào đó, mình là người thầy không bao giờ miễn nhiệm của con. Tôi nhận ra rằng, con gái tôi, đứa con gái bé bỏng ấy chính là người thầy dẫn dắt tôi, đầy động lực nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, để tôi dần dần vượt qua những kỳ sát hạch làm mẹ một cách vinh quang. Vòng nguyệt quế mà người mẹ  thiên chức nhận được từ con cái có không ít mồ hôi, nước mắt, với tất cả tâm hồn và trí tuệ.” chị tâm sự. 
Chị nói: “Chúng tôi luôn đi bên nhau. Ngay từ lúc con bé, con đã có biểu hiện để xứng đáng là người thầy của mình.” Tất nhiên, trong vai trò của một người bạn đồng hành, một người thầy, và cũng dễ dàng đổi ngôi thành một học trò đầy cầu thị, bí quyết làm mẹ của chị không phải là sự hà khắc, kỷ luật đối với con gái. Mà theo chị, đó là là tình yêu- tình yêu tuệ giác. Tình yêu vô điều kiện nhưng có hiểu biết. Sự hiểu biết mang tính toàn vẹn.
Để con bước cùng toàn cầu
Những ngày này, khi hai mẹ con cách nhau cả nửa vòng trái đất, chị nhớ con, nhưng đó là  nỗi nhớ vui vẻ, khỏe khoắn. “Nhớ buồn là cái nhớ quay quắt. Sự quay quắt chỉ là khi con mình đến đâu đấy mà mình không yên tâm, không yên tâm vào năng lực của con, kỹ năng của con, môi trường con đến. Nhưng với Minh Khuê, tôi đã dẫn dắt con. Điều dẫn dắt quan trọng nhất không phải là để con học giỏi, mà để con có kỹ năng sống, đó mới là năng lực quan trọng. Con phải biết sống với người dưng. Biết phân biệt người tốt, người xấu, biết phân biệt nơi nào an toàn, nơi nào nguy hiểm, biết chọn cộng đồng để mình sống và biết tự nguyện phụng sự trước khi đòi hỏi. 
Chị Hải Âu và con gái ngày còn nhỏ
Chị Hải Âu và con gái ngày còn nhỏ
18 năm đồng hành cùng con, chị tận dụng từng giây phút bên con, tận dụng từng tình huống trong cuộc sống để dẫn dắt cho con những bài học quý giá. Khi con có những sự hiểu biết cơ bản, khi con tin tưởng mẹ, mẹ không có lý do gì để không tin tưởng ở con. Dù ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng thông tin liên lạc giữa hai mẹ con không bao giờ bị đứt đoạn.  Bạn ấy không lạc lõng, không cô đơn.
Khi Minh Khuê được trường Harvard nhận với suất học bổng mơ ước, nhiều người khuyên chị nên viết một cuốn sách kiểu như  Em phải  đến Harvard học Kinh tế của Lưu Vệ Hoa, hay Khúc chiến ca của bà mẹ Hổ (Amy Chua)… nhưng chị vẫn chưa vững tin để chia sẻ những sự hiểu biết của mình với cộng đồng. 
Và sau khi nhận được sự động viên của con gái, chị đã viết cuốn sách như một cách để trả ơn cho đời, “Trả ơn cho đời những gì tôi đã tích tụ, kết tinh thành tuệ giác của mình; Trả ơn đời sau gần 50 năm sống dấn thân nhu thể giây phút nào cũng là giây phút quý giá nhất. Trả ơn cho đời những đam mê, hiểu biết, và chứng ngộ quý giá trong hành trình thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng. 
“Tôi là một người mẹ bình dị với một đứa con gái nhỏ không có gì đặc biệt Madein Việt Nam.” chị khẳng định với tôi, cũng như với những độc giả đang cầm trên tay cuốn sách vừa xuất bản của chị./.

Đọc thêm