Chuyện nhỏ hai người thành chuyện lớn quốc gia

(PLVN) - Theo Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân khiến mức sinh tăng cao trở lại ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng dân số là do… phương tiện tránh thai. Hóa ra quanh cái vấn đề tưởng như là chuyện nhỏ, chuyện riêng của hai người này đã trở thành chuyện lớn, mang tầm quốc gia đại sự.
Ảnh minh họa.

Bi hài chuyện tránh thai

Nếu để ý một chút có thể thấy tại các phòng khám sản phụ khoa luôn luôn có những câu chuyện bi hài liên quan đến chuyện tránh thai. Chị Thái Vân kể câu chuyện của mình: “Sau khi sinh bé đầu lòng được một thời gian, vì không muốn rơi vào cảnh vỡ kế hoạch nên tôi quyết định dùng thuốc tránh thai hàng ngày dạng uống.

Thế nhưng, không hiểu sao từ khi uống thuốc tôi cảm thấy không còn hứng thú nữa, thậm chí tôi còn thấy khó chịu với chồng. Có lần vì tôi từ chối quyết liệt quá mà bị chồng giận cả tháng liền…”. 

Căng thẳng vợ chồng cứ như vậy kéo dài suốt 2 tháng sau khi chị Vân dùng thuốc và không có vẻ gì là biến chuyển nên vợ chồng chị quyết định tìm đến bác sĩ. Tại đây vợ chồng chị được bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể là do tác dụng của thuốc tránh thai hàng ngày nên chị Vân bị giảm ham muốn tình dục. Bác sĩ cũng tư vấn hai vợ chồng nên dùng bao cao su hoặc đặt vòng.

Nhưng khổ nỗi chồng chị Vân lại không thích phương pháp này nên anh nhất quyết không chịu. Xoay sang phương pháp đặt vòng thì cơ thể chị Vân bị dị ứng buộc bác sĩ phải dừng áp dụng. Giờ đây chị Vân lâm vào thế khó không biết phải làm sao, uống thuốc tiếp thì chuyện vợ chồng như tra tấn, không uống thì vỡ kế hoạch chửa đẻ tiếp.

Cũng khó xử không kém gì chị Vân là câu chuyện của chị Huệ. Đã sinh đủ hai con nên mục tiêu lớn nhất của hai vợ chồng bây giờ là không để có thai ngoài ý muốn dẫn đến phải làm thủ thuật kế hoạch hóa gia đình ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý. Khổ nỗi, cả hai vợ chồng chị đều không thích sử dụng phương pháp tránh thai bằng bao cao su, nhưng cơ địa chị Huệ vốn không hợp với các loại thuốc tránh thai trên thị trường hiện nay.

Học hiện đại có rất nhiều phương pháp tránh thai để người dân lựa chọn, tuy nhiên ở VN vì nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ hạn chế nên mức cung về vấn đề này luôn không theo kịp cầu. 

Đi khám, khi được các bác sĩ sản phụ khoa về phương pháp đặt vòng tránh thai, thấy có vẻ hợp lý nên hai vợ chồng chị Huệ quyết định thử. Sau khi đặt vòng, hai vợ chồng rất yên tâm, nào ngờ  sau đó một thời gian chị Huệ lại thấy mình có biểu hiện như đang mang thai và đi khám thì đúng là chị đã có thai được hơn 7 tuần. Hai vợ chồng đều hoang mang không biết lỗi vì đâu, vì vòng hay vì người…

Người dân không có nhiều sự lựa chọn

Mới đây, tại hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam do Tổng Cục DS-KHHGĐ tổ chức, câu chuyện tránh thai không còn chỉ là chuyện bi hài chốn phòng khám sản phụ khoa nữa mà đã được các chuyên gia dân số đề cập tới với nhiều lo ngại.

Theo Tổng Cục DS-KHHGĐ, trên cả nước có quá nửa số tỉnh thành 33/63 có mức sinh cao, quy mô dân số 42% như Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định....

Điều đáng nói theo đánh giá của Tổng Cục DS-KHHGĐ thì các tỉnh có mức sinh cao đều có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và của cả nước. 

Kể về chuyến công tác của mình đến một trong những tỉnh thành này tại hội thảo, ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ, Tổng Cục DS-KHHGĐ cho biết, ông hỏi một người dân lý do sinh con thứ ba, lúc đầu câu trả lời là do muốn đông con, nhưng sau đó nguyên nhân chính là được nói ra đó là do có thai ngoài ý muốn vì không dùng phương pháp tránh thai. 

Theo phân tích của ông Mai Trung Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng không dùng phương pháp tránh thai, có thể do nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ thời gian gần đây đã bị sụt giảm nên không còn cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí được nữa khiến người dân các vùng sâu, xa, kinh tế kém phá triển khó có thể tiếp cận trên thị trường; bên cạnh đó trong lĩnh vực này sự tham gia của xã hội hóa chưa nhiều nên cũng không thể tạo ra nguồn lực mới.

“Trong 20 năm qua chưa có một nghiên cứu nào về phân loại thị trường tránh thai để từ đó làm cơ sở đa dạng các sản phẩm. Mặt khác, mức đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới rất thấp nên không thu hút được doanh nghiệp.

Chính vì thế mà thị trường phương tiện tránh thai rất đơn điệu chỉ phần lớn loanh quanh ở hai sản phẩm bao cao su và thuốc tránh thai nên không người dân không có nhiều sự lựa chọn phương pháp phù hợp với mình. Nói tóm lại hiện nay có tình trạng khả năng cung cấp phương tiện tránh thai luôn nhỏ hơn nhu cầu. Tỷ lệ người dân dù có nhu cầu nhưng chưa được đáp ứng ngày càng cao”, theo ông Mai Trung Sơn. 

Như vậy, có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến mức sinh tăng cao trở lại ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng dân số là do thiếu phương tiện tránh thai. Vấn đề tưởng như là chuyện nhỏ, chuyện riêng của hai người này đã thực sự trở thành chuyện lớn, mang tầm quốc gia đại sự. 

Bởi mang thai ngoài ý muốn không chỉ dẫn đến sự gia tăng dân số khó kiểm soát kéo theo đói nghèo, tụt hậu mà còn tăng tỷ suất phát thai. Theo Tổng Cục DS-KHHGĐ, hiện nay có 100 người phụ nữ thì có 42 người đã từng trải qua thụ thuật nạo phá thai để lại những hệ lụy vô cùng lớn về sức khỏe, tinh thần. Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang rất cao, 7,7% tức là cứ 100 cặp vợ chồng thì có 8 cặp vô sinh cũng một phần do nguyên nhân nạo phá thai nhiều mà ra.

Theo Tổng Cục DS-KHHGĐ, số dân tăng thêm bình quân mỗi năm 1,2 triệu người/năm giai đoạn 1989-1999 xuống 0,94 triệu người/năm giai đoạn 1999-2009; từ năm 2010 đến nay là 0,95 triệu người/năm. Năm 2019, dân số nước ta hơn 96,2 triệu người. Kết quả này đã hạn chế việc tăng thêm gần 20 triệu người nếu nước ta không thực hiện KHHGĐ.

Việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Đề xuất của nhiều chuyên gia dân số cho thấy, thời gian tới, do nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân ngày càng đa dạng và đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng cao, vì vậy, hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ cần phải đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đa dạng, dễ tiếp cận, chất lượng cao với mức chi phí phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Đồng thời, để phổ cập tiếp cận và đảm bảo tình bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ KHHGĐ cho mọi người dân, cần tập trung hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người dân vùng khó khăn có mức sinh cao thực hiện dịch vụ KHHGĐ.

Đọc thêm