Ý kiến của các chuyên gia ngân hàng, đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc xử phạt này là “đúng luật”, viện dẫn ra các luật về quản lý ngoại hối cũng như các quy định về xử phạt hành chính và thậm chí còn coi việc xử phạt này là biểu hiện của “Nhà nước pháp quyền”, dù có đổi 10 đô la đi chăng nữa thì cũng phải chịu xử phạt theo khung từ 80 đến 100 triệu đồng.
Nhưng đa số người dân thì sửng sốt, nhiều người giật mình hú vía vì mình vẫn thường đổi ngoại tệ ở các cửa hàng vàng một cách bình thường, không hề nghĩ là “phạm luật”. Và nếu “phạm luật” thì các cửa hàng đó phạm chứ mình phạm nỗi gì, tại sao khó vẫn thản nhiên trao đổi với mình như vậy. Trường hợp cụ thể này thì tịch thu 100 đô la “tang vật” ấy cũng đủ để họ nhớ đến suốt đời rồi, việc gì mà phạt kinh đến thế!
Công an thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp báo về việc này. Theo đó, việc xử phạt này là đúng và vì người bị phạt có đơn xin giảm nhẹ số tiền phạt nên “mở đường” cho khiếu nại để “trả dần” vì hoàn cảnh anh ta khó khăn, làm thợ chỉ có 4 triệu đồng/1 tháng. Về phía người bị phạt thì nói rằng anh chẳng khiếu nại cũng chẳng có tiền đâu mà nộp phạt. Kết quả của một kiểu phạt “nghiêm khắc” là thế đấy!
Ngoài ra, dư luận còn quan tâm đến thời hiệu của quyết định xử phạt này, vụ việc xảy ra từ 30/1/2018 mà biên bản được lập vào tháng 8 và Quyết định xử phạt “ra đời” vào tháng 9, vậy có đúng pháp luật quy định không? Việc khám xét tiệm vàng và tịch thu một số mặt hàng ở đây cũng vẫn là câu hỏi cần được làm rõ.
Một việc khó tin khác, nữ thẩm phán ở Thái Nguyên dùng bằng tốt nghiệp PHTH giả để thi vào Đại học Luật Hà Nội và đã có tầm bằng cử nhân luật thật. Vụ gian trá bị phát hiện, Đại học Luật Hà Nội đã thu hồi bằng cử nhân luật của bà này. Sau đó, bà ta dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH và đã được cấp bằng thì có đơn đề nghị TAND Tối cao can thiệp để Đại học Luật Hà Nội hủy quyết định thu hồi bằng cử nhân luật.
TAND Tối cao có văn bản kèm theo đơn của bà ta gửi Đại học Luật để xem xét, trả lời đơn. Đại học Luật Hà Nội đã làm theo luật, tức là giữ nguyên quyết định thu hồi bằng cử nhân luật của nữ thẩm phán này.
Đáng nói là cách hành xử của những người hiểu biết pháp luật lại muốn làm cái việc trái luật, ngược quy trình là có thể “hợp thức hóa” việc gian dối để có bằng đại học rồi mới có bằng tốt nghiệp PTTH. Giả sử, Đại học Luật Hà Nội “thuận” theo đề nghị của bà ta thì hậu quả sẽ ra sao, danh tiếng của trường có còn trong con mắt dư luận và niềm tự hào của sinh viên đã và đang học trường đó còn không?.