Chuyện những dòng họ 'khoa bảng' (Kỳ 1): Anh em tiến sĩ họ Quách ăn lộc tổ tiên

(PLO) -Thượng thư Quách Đình Bảo và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm, đều người xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hai anh em ông đều là những người có danh vọng ở đời. Và việc học hành, đỗ đạt, ngoài tư chất ra, còn được cho là từ phúc phần tổ tiên để lại. 
Đền Thái Phúc thờ hai anh em họ Quách

Trong “Kiến văn tiểu lục” cho hay về âm đức của tổ tiên anh em tiến sĩ họ Quách đã đắp bồi mà nhờ đó con cháu hiển danh ở đời. Điểm này, nơi “Tam khôi bị lục” có chép: “Người đời truyền rằng: ông nội của Ông (Quách Đình Bảo – Người dẫn chú) được vàng của người Tàu đánh mất, không lấy đem trả lại, nhân đó được trả ơn bằng chỗ cát địa”.

Ông cha nhân đức, phúc phần cháu con

Tục truyền tổ phụ hai ông này ở thôn quê, tính tình chất phác, không tranh cạnh với ai, thường chăn vịt ngoài đồng, khi cuốc đất, bắt được một chĩnh vàng bỏ rơi, liền than thở nói rằng: "Không vì cớ gì mà được của rơi, không phải phần mình được hưởng phúc, đấy là đạo trời rất kiêng kỵ, chỉ mong sao cho con cháu được thành đạt, người trong làng khen là hiền lành, như thế là đủ, đem vàng này về làm gì?" bèn đem giấu kín vào chỗ khác. 

Cách mấy tháng sau, có người khách phương Bắc sang nước ta, đến chỗ ấy kêu khóc, ông này hỏi cặn kẽ, người khách nói là của tiên tổ cất để ở đấy, hỏi đến số vàng, biết được sự thực, bèn chỉ cho chỗ đã cất giấu và bảo đến đấy lấy và mang đi. Người khách cảm tạ nói: "Tôi biết qua địa lý, ở đây có hai ngôi huyệt tốt: một ngôi đời đời kế tiếp làm công khanh; một ngôi đỗ Tiến sĩ một đời, ông thích ngôi nào, tôi sẽ để giúp để báo ơn đức". 

Ông này là người thôn quê ngay thẳng, liền trả lời rằng: "Nhà tôi nhiều đời nghèo túng, có đâu dám mong quá phận định, chỉ muốn con cháu một đời đỗ Tiến sĩ, công danh hiển hách, thế là đủ rồi". Vì thế người khách để đất giúp. Đến đời người cháu, quả nhiên hai anh em Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm cùng đỗ Tiến sĩ. Tên tuổi được khắc vào bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long.

Nơi “Lịch triều tiến sĩ đề danh bi ký” ghi lại nội dung các bia tiến sĩ, trong “Quang Thuận tứ niên Quí Mùi khoa tấn sĩ đề danh bi ký”, có khắc ở danh sách đệ nhất giáp tam danh tiến sĩ cập đệ: “Quách Đình Bảo. Thanh Lan huyện, Phúc Khê xã nhân, nhị thập tứ tuế trúng”. Còn “Quang Thuận thất niên Bính Tuất khoa tấn sĩ đề danh bi ký” thì có khắc trong danh sách Đệ nhị giáp bát danh tứ tấn sĩ xuất thân“Quách Hữu Nghiêm. Thanh Lan huyện, Phúc Khê xã nhân, nhị thập nhị tuế trúng”. 

Từ đó về sau tuy không có ai quý hiển như hai anh em họ Quách nữa, nhưng nhiều người trong họ vẫn đỗ thi Hương và làm quan châu, quan huyện, tưởng như cái gốc nền nghiên bút vẫn còn lưu dấu vết lại vậy.

Đỗ tiến sĩ cũng như cá chép vượt Vũ Môn hóa rồng vậy

Bảng vàng họ Lương, họ Quách

Quách Đình Bảo cùng Lương Thế Vinh đều nổi tiếng nơi trường ốc, trước 3 tháng vào kinh thi Hội, Thế Vinh đến thăm Đình Bảo, khi đi đến một nhà hàng ở trước cửa làng, hỏi dò, biết là Đình Bảo đương đọc sách. Thế Vinh cười và nói: "Kỳ thi gần đến nơi, hãy còn cố sức học, chỉ có tiếng hão thôi, chắc là anh này trong bụng chẳng có uẩn súc gì cả”, liền quay trở về, không gặp Đình Bảo. 

Lúc Đình Bảo ra chơi hàng, bà chủ hàng nói cho biết, Đình Bảo nói: "Người ấy tất nhiên là Thế Vinh", liền sửa soạn hành trang đến thăm. Khi đến nơi, Thế Vinh không ở nhà, hỏi đi đâu, người nhà bảo cho biết là Thế Vinh đương cùng trẻ con trong làng buông diều ở ngoài đồng. Đình Bảo hoang mang nói: "Tài học người này, ta không thể theo kịp được". Trở về nhà, cũng không dùi mài khổ sở nữa. Đến lúc thi Hội, Đình Bảo đỗ đầu, vào thi Đình, Thế Vinh đỗ Trạng nguyên, Đình Bảo đỗ Thám hoa, lại đỗ kém xuống một bậc.

“Nam Hải dị nhân” cho hay, khoa Lương Thế Vinh đỗ, Nguyễn Đức Trinh thi đỗ Bảng nhãn, Quách Đình Bảo thi đỗ Thám hoa, ba người cùng có tiếng hay chữ từ thuở nhỏ. Vua Lê Thánh Tông vui mừng vì chọn được nhân tài xuất chúng, bèn lệnh cho thêu ba lá cờ ban cho mỗi người một lá, để cho vinh quy. Trong cờ thêu bốn câu rằng:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh, 

Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, 

Thám hoa Quách Đình Bảo, 

Thiên hạ cộng tri danh.

Năm Quách Đình Bảo đỗ Tiến sĩ nhằm khoa thi Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông, lúc đó ở tuổi 24. Về quan lộ của ông, “Tam khôi bị lục” cho biết ban đầu ông làm Hàn lâm trực học sĩ, rồi Đông các hiệu thư, Chánh phó Đô ngự sử. Sau làm Lễ bộ thượng thư, rồi Hình bộ thượng thư. Sau ông phụng mệnh cùng Thân Nhân Trung biên soạn bộ Thiên nam dư hạ tập và Thân chinh kỷ sự.

Điểm thú vị là, hai anh em họ Quách sau này đều cùng làm ở những vị trí tương đương nhau. Quách Đình Bảo từng làm đến Lễ, Hình bộ thượng thư kiêm Đô ngự sử, em ông là Hữu Nghiêm, sau cũng nối gót anh in hệt như thế. 

Tranh Bắc sứ phất phàm

Đi sứ vua Minh khâm phục tài

Lê Quý Đôn khi ghi chép về Quách Hữu Nghiêm cho hay, ông “là người phóng khoáng, có tài bàn luận”. Nối gót anh trai, Hữu Nghiêm đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466), sau anh ba năm. Năm ấy, Quách Hữu Nghiêm 22 tuổi. 

Vào chốn miếu đường nhà Lê, lại gặp vị vua giỏi Lê Thánh Tông trị vì, anh em họ Quách thi thố được tài năng của mình. “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” cho biết, khi Hữu Nghiêm được cử đi sứ nhà Minh, thì vua Minh phục tri thức của sứ nước Nam, “thấy văn chương khen là nhân tài đời Tam đại (Tam đại là Hạ, Thương, Châu bên Trung Hoa) là đời thịnh trị, nhân tài tuấn tú”. 

Sự thể việc được ngợi khen ấy, được “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” và “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi lại. Theo đó, khi đi sứ Trung Hoa, Hoàng hậu nhà Minh thấy sứ Việt đến, sai quan ra thu các hòm, kiểm nhận các thứ hương lạ. Lúc ấy, Quách Hữu Nghiêm có mua chiếc áo long cổn, vốn là của cấm, ông để trong hòm. Sợ người Minh kiểm xét thấy được, ông bèn làm bài bảng văn của sứ bộ rồi thu dị hương dâng lên.

Bài văn viết: “Kẻ thất phu mang ngọc bích, kinh Xuân Thu chê là ham của; lái buôn người Hồ giấu ngọc châu, sử họ Mã răn là liều mình. Cho nên kẻ gõ cửa dâng ngọc lòng trung thành cũng đáng khen; kẻ dâng cần bộc để tỏ lòng, tuy vật nhỏ mọn mà đáng quý. Kẻ dở người hay, gương soi đã rõ.

Nay sứ bộ chúng tôi, đi từ phương xa tới, được thấy ánh sáng thượng quốc. Muôn dặm trèo non vượt biển chẳng quản vất vả. Chín tầng nhật nguyệt sáng soi, vui sướng được thấy mặt rồng. Đến chốn thanh danh văn vật của triều Ngu Thuấn, được thấy lễ nhạc, y quan của chế độ nhà Chu. Tôn kính để dạ, báo đáp không cùng. Phàm những của cải đem theo, đâu dám tơ hào luyến tiếc.

Chúng tôi có một hộp hương kỳ nam rất quý lạ, xin giao cho sai quan, xét thu dâng vào”. 

Lại cũng dạo phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, theo “Kiến văn tiểu lục”, ông gặp một người giỏi nghề suy tính đẩu số, cùng nhau chơi bời thân mật, khi Hữu Nghiêm trở về, người ấy trao cho một phong thư và dặn bảo rằng: "Khi về đến nhà sẽ mở ra xem".

Kịp lúc về đến kinh sư, mở phong thư xem, chỉ thấy một mảnh giấy nói về ngày chết của Hữu Nghiêm, lại nói: "Sẽ làm thành hoàng xã Thuyền Quan (thuộc tỉnh Thái Bình – Người dẫn chú) trong bản huyện, miếu thờ ở bến sông". Hữu Nghiêm có ý ghét những câu đoán số ấy, về được mấy năm thì mất, sau thường hiển linh ở xã Thuyền Quan, do đấy, dân địa phương lập miếu ở bên ngã ba sông, hàng năm theo thời tiết cúng tế…

Đọc thêm