Theo tìm hiểu trong chuyên luận “Lịch sử văn hóa Việt Nam, sinh hoạt trí thức”, ta được biết họ Hồ trong thời gian nửa sau thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ X trải 6 đời 7 người đỗ tiến sĩ. Ấy là Hồ Tông Thốc, Hồ Đốn, Hồ Thành, Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Tân, Hồ Sỹ Đống. Ở đây, ta cùng điểm qua vài người nổi bật trong số họ.
Hồ Tông Thốc - Làm thơ liên tiếp trăm bài
Nơi “Đại Nam dư địa chí ước biên”, có ghi đôi câu sau:
“Đất tụ linh khí, người giỏi văn chương,
Như Bạch Trạng nguyên, như Hồ học sĩ”.
Bạch Trạng nguyên ở đây là Bạch Liêu, còn Hồ học sĩ chính là Hồ Tông Thốc “trạng nguyên đời Trần, con là Đốn, cháu là Thành đều đỗ Trạng nguyên”. Hồ Tông Thốc, theo lời của “Truyền kỳ mạn lục” ngợi khen, thì ông là người giỏi về thơ, có sở trường về lối trào phúng hài hước.
Xem trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ta được biết họ Hồ đỗ khi còn trẻ, nổi tiếng là người có tài. Và tài năng thơ phú của ông, hay sao, lại nhân vào một dịp Tết Nguyên tiêu mà phát tiết, để vua biết mặt, người biết tiếng. Điểm này, cứ lấy “Nghệ An ký” làm bằng là hơn cả.
Ấy là vào dịp Tết Nguyên tiêu, có vị đạo nhân là pháp quan họ Lê treo đèn, mở tiệc thưởng trăng, mời khách làng văn đến cùng vui. Hồ Tông Thốc cũng có mặt. Trong tối ấy, có mở cuộc thi làm thơ, Hồ Tông Thốc nhận được giấy mời ra đầu đề, làm luôn một trăm bài thơ ngay trong bữa tiệc. Mọi người xem thơ ông, đều lấy làm thán phục. Thế là từ đêm Nguyên tiêu ấy, tên tuổi của họ Hồ sáng như trăng đêm rằm.
Lại theo “Danh nhân Nghệ An”, việc lấy vợ của ông cũng gắn với giai thoại rất ư thú vị. Có lần trên đường ra phố, ông gặp một giai nhân có nhan sắc. Bạn bè đi cùng thách ông nếu bắt chuyện được và được người con gái ấy yêu thương, thì sẽ phục Hồ Tông Thốc lắm lắm.
Nhận lời, họ Hồ bí mật bỏ học, giả làm một viên quan nhỏ, đến cư trú nơi xã người con gái cư ngụ. Lân la tìm hiểu, mới biết cô gái là con của một vị quan có vai vế. Thế rồi làm quen, hai người cảm mến nhau thực sự, kẻ vì sắc, kẻ vì tài. Về sau, cô gái ấy trở thành vợ của ông, là bà Thị Ấn, cũng là mẹ Trạng nguyên Hồ Đốn, bà nội Trạng nguyên Hồ Thành.
Ở thời Trần, Hồ Tông Thốc từng kinh qua An phủ sứ, rồi Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ, kiêm Thẩm hình viện sứ. Với tài văn chương, giỏi đối đáp, biện bạch, ông từng được cử đi sứ phương Bắc mà giai thoại đi sứ còn được chép nơi “Truyền kỳ mạn lục”. Riêng phần văn thơ, họ Hồ để lại cho đời những “Thảo nhàn hiệu tần tập”, “Phụ học chỉ nam”. Và viết cả “Việt sử cương mục” nhưng đã bị mất mát.
Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc |
Hồ Phi Tích - Người vợ thủy chung
Sau thời của Hồ Tông Thốc, họ Hồ còn hiển đạt lắm, nên như ghi chép trong “Nghệ An ký” cho hay “Về sau họ Hồ ở xã Bình Lãng, huyện Thiên Lộc có ông Thị lang Hồ Bỉnh Quốc, có các ông Thượng thư Hồ Sĩ Dương, Thượng thư Hồ Phi Tích đã chết, Hồ Sĩ Tân và Thượng thư Hồ Sĩ Đống, đều là dòng dõi ông”.
Về phần Hồ Sĩ Dương, ta từng được biết đến ông qua trên báo Pháp luật 4 phương số 62 về vụ án đi thi thay cho người. Vốn trước đó, Hồ Sĩ Dương từng đỗ Giải nguyên khoa Ất Dậu. Đến khoa Mậu Tý thì đi thi thay cho người khác. Việc bị phát giác, vậy là ông bị sung làm lính. Những tưởng đường công danh vì thế đã đứt đoạn không nối lại được nhưng đến năm 31 tuổi, ông lại thi đỗ tiến sĩ. Sau, ông đi sứ Trung Hoa, làm quan đến tước Duệ quận công.
Về đường khoa bảng của Hồ Sỹ Dương cũng như người họ Hồ của ông, nơi “Đăng khoa lục sưu giảng” cho rằng ấy là do phong thủy mà nên. Bởi làng ông (làng Hoàn Hậu) “có một trái núi vuông như trái bàng, lại một trái núi nhọn như cái bút nên trong làng ấy, không riêng gì họ Hồ. Các họ khác, họ nào cũng có khoa giáp quý hiển”. Suy luận là thế, nhưng cũng sách này cho rằng, sự đỗ đạt ấy, cũng phải có gốc nền từ nhà có đức mới nên được.
Sống cùng thời Lê Trung hưng với Hồ Sỹ Dương, còn có Hồ Phi Thích cùng họ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn (1700). Ông là người thẳng thắn, được làm Ngự sử, từng dâng chiếu trình bày rõ ràng, mạch lạc khi vua cầu lời nói thẳng. Lại cũng từng đi sứ phương Bắc, có nhiều công lao. Làm quan nhà Lê, Hồ Phi Tích ghi được nhiều công trạng, làm đến Hình bộ thượng thư, tước quận công.
Điều đáng chú ý là, theo ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí”, ông có bà vợ lẽ Châu Thị Bát vốn người huyện Quỳnh Lưu, có nhan sắc. Khi Hồ Phi Tích mất, bà ở vậy thờ chồng, “Sau giặc Nguyễn Hữu Cầu đến làng cướp bóc, bắt ép bà phải lấy. Bà nói dối xin về lễ đền thờ chồng, rồi sẽ cùng đi. Giặc dẫn bà đến chỗ thờ, bà khóc lạy xong rồi lấy dao giấu ở trong mình ra tự vẫn mà chết”. Có người chồng ấy, quả có người vợ xứng đáng tiết nghĩa dường ấy.
Hồ Sỹ Đống- Ngăn chúa Trịnh tiếm quyền
Hồ Sỹ Đống được “Đại Nam nhất thống chí” nhận định là người giản dị, kín đáo, không giao du bừa bãi. Nói theo kiểu Nho gia, thì đó là một nho sĩ chuẩn mực vậy. Về đường khoa hoạn của ông, trong “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” có cho hay, khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông ông đứng đầu bảng, đỗ Hội nguyên khi ở tuổi 34, nối được cái nền học của dòng họ. Sau thi Đình “Đại Nam nhất thống chí” cho là ông đỗ đầu, còn “Lịch sử văn hóa Việt Nam, sinh hoạt trí thức” lại cho là ông là Nhị giáp Đình nguyên.
Tên của ông, được biết là Hồ Sĩ Đống, “Việt Nam danh nhân từ điển” cho biết sau ông đổi tên thành Hồ Sĩ Đồng. Tên tự là Long Cát, hiệu Long Phú. Làm quan thời Trung hưng, Hồ Sĩ Đồng tỏ ra là một bậc danh tài khi ông kinh qua nhiều chức vụ trong triều đình. Ông từng là Phó sứ sang Thanh và tỏ ra là một bậc tiết tháo khi ngăn không cho Trịnh Sâm cướp ngôi nhà Lê.
Chuyện ấy được “Đại Nam nhất thống chí” thuật lại. Khi ấy, Trịnh Sâm có ý dòm ngó ngai vàng vua Lê, liền sai soạn biểu văn ngầm nhờ Chánh sứ Vũ Khâm Tự sang nhà Thanh xin cho làm Phó vương mà không cho Hồ Sĩ Đống biết. Khi đi sứ, Khâm Tự lo nghĩ việc ấy đến phát bệnh.
Đến hồ Động Đình, biết mình không qua khỏi, Tự bèn đem việc ấy nói cho ông hay, rồi nhờ ông đốt tờ biểu đi. Ông liền làm theo. Khi đi sứ về, ông làm thinh không hay biết chuyện ấy, Trịnh Sâm cũng không dám hỏi đến. Nhờ thế mà mưu thoán đoạt, chuyển ngai vàng dòng họ không diễn ra.
Cái tiết tháo can trường của Hồ Sĩ Đồng như thế, thật không hổ danh là người có học, thực hành được cái sĩ khí của Nho gia nói chung và dòng họ Hồ nói riêng vậy...