Chuyện ông Thành từ thiện

(PLO) - “Ông từ thiện” là cách gọi thân mật mà người dân trong thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh (Thường Tín, Hà Nội) dành cho thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành. Họ bảo đặt “biệt danh” như vậy để chỉ bản chất con người và việc làm thường ngày của ông. 
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành đang đóng gói quần áo, chăn màn... để chuyển đi ủng hộ người nghèo
Nghe kể, suốt hơn 13 năm, tính từ ngày nghỉ hưu (năm 1989), người thương binh già Nguyễn Đức Thành đã đi xin được gần 60.000 bộ quần áo cũ cùng hàng nghìn chiếc chăn, màn, dụng cụ học tập... Ông tự tay làm sạch, đóng gói cẩn thận trong những túi ni lông rồi thuê xe vận chuyển để trao tận tay cho những người nghèo cần được giúp đỡ. 
Chúng tôi tìm gặp ông Thành vào một buổi sáng tháng bảy, dù mới hơn 9 giờ mà nắng đã như đứng bóng, không khí oi ả. Mồ hôi trên mặt còn chảy lã chã, bộ quân phục bộ đội đã ngả màu bạc ướt sũng. Nhìn chúng tôi, ông Thành phân bua: “Sợ nắng lên sớm nên từ 5 giờ tôi tranh thủ sang làng bên chở chuyến “hàng” về cho bà và các cháu giặt giũ cho khô, tối đóng gói là đẹp”. 
Chẳng cần phải giới thiệu hàng của ông là gì bởi chúng tôi đều hiểu đó là những món “hàng” nghĩa tình. Nghe kể, ông Thành sinh năm 1942, đến năm 1963 thì ông nhập ngũ. Trong chiến trận, ông Thành từng nhiều lần bị thương, nhưng nặng nhất là bị chấn thương sọ não, trong trận đánh ở Phu La Nhích năm 1969. Chẳng thế mà, khi ngồi chuyện trò với chúng tôi, thi thoảng lại thấy ông Thành vỗ nhẹ lên đầu. Ông cười bảo, chắc chuẩn bị thay đổi thời tiết rồi đây! 
Nghe kể, trong một lần giúp dân đào sắn ở Hòa Bình, ông bắt gặp một cụ già ngồi co ro, đầu tựa vào cán cuốc. Tiến lại gần ông hỏi chuyện mới hay cụ bị đói và lạnh. Xót lòng, ông liền cởi chiếc áo ấm của mình rồi khoác vào người cho cụ, nhưng ngay sau đó ông cụ liền cởi ra và hai tay đưa trả áo. 
Cụ bảo: “Tao trả bộ đội, áo bộ đội đẹp nên tao không dám mượn”. Hiểu ra, ông Thành ngồi gấp lại chiếc áo gọn gàng rồi hai tay đưa biếu cụ chiếc áo mặc đỡ lạnh. Lúc này, cụ già mới nở nụ cười méo xệch. Ông cụ nói, bộ đội cho thì tao xin, chứ mượn thì tao không mượn.
Rồi một lần khác, ông bắt gặp một bà mẹ đánh con do cháu làm mất 5 hào. Thương cảnh trẻ nhỏ bị đánh đòn, ông đến hỏi thăm. Sau khi nghe chuyện, ông Thành đã đưa cho bà mẹ 5 hào. Những ngày sau đó, hễ có gạo, sắn tăng gia được hay quần áo cũ ông tìm, xin được lại mang về cho mẹ con nhà nọ... 
Từ những hành động giúp được người khác như vậy khiến cho cuộc sống của ông trở nên vui vẻ và ý nghĩa hơn. Về hưu, ông Thành càng tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Với đồng lương hưu ít ỏi, sáng ông đi chợ bán rau để tăng thu nhập, chiều đến lại lụi cụi trên chiếc xe đạp thồ đi xin quần áo, giày dép... mang về giặt là, chỉnh sửa, đóng gói rồi chuyển đi tặng cho người nghèo. 
Hơn 13 năm làm công tác từ thiện, đến khi Hội Bác Ai của giáo xứ La Phù được thành lập (2002) thì ông kết hợp cùng làm với Hội. Những đồ dùng thu gom được ông chuyển hết cho Hội Bác Ai đóng gói. Ông Thành tâm niệm, làm việc có ích cho mọi người, dù có vất vả nhưng trong lòng luôn thoải mái. 
Chả thế mà trong 13 năm qua, ông cùng gia đình đã vận động, xin được gần 60.000 bộ quần áo, 90 vỏ chăn, 58 chiếu... điều đặc biệt là, với đồng tiền lãi ít ỏi từ những gánh rau, ông Thành đã vận động vợ con ủng hộ tiền mặt 33 triệu cùng mì tôm, gạo nước, hạt giống rau, ngô, rồi hàng trăm cặp sách mới, hộp đựng bút cho người nghèo...
Tuy đã ở tuổi 74, sức khỏe có phần giảm sút song ông Thành vẫn tiếp tục công tác từ thiện nhân đạo và chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này. Trước đây, có người bảo ông lẩn thẩn, gàn dở rồi khuyên ông đừng làm nữa. Nhưng giờ đây, chính những con người đó đang cùng ông gom góp quần áo, vật dụng cũ giúp đỡ người nghèo.

Đọc thêm