Chuyện thời du học (Kỳ 1): Những ngày chờ đợi và buổi tối lên tàu hôm ấy

(PLVN) -  Năm 1972 sau thi khi tốt nghiệp Phổ thông và trải qua kỳ thi Đại học, chúng tôi được chọn đi học nước ngoài. Trước khi đi, chúng tôi có 1 năm học dự bị tại khoa Lưu học sinh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

LTS: Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học. Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania…

Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả).

Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy, dừng chân để “tẩy uế, thanh lọc” như thế nào, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao? Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.

Chúng tôi ngày ấy là khoá dự bị ngoại ngữ đầu tiên mà trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội mở ra nhằm trang bị vốn ngoại ngữ ban đầu để anh em đi du học Đông Âu. Kế hoạch này là để tiến tới vài năm sau đó sẽ bỏ một năm dự bị bên nước ngoài mà vào học thẳng năm thứ nhất cho đỡ tốn tiền viện trợ.

Khoá 1 ấy chúng tôi vất vả khổ lắm, chạy bom đạn, lo cái ăn còn mệt cộng với điều kiện học hành hết sức tạm bợ vì là khoá đầu tiên.

Chiếc va ly “bác Bửu” năm ấy!.

Ngày ấy khoa lưu học sinh này sơ tán về các làng Vô Ngại, Phúc Miếu, Nho Lâm… của huyện Mỹ Hào, Hải Hưng (nay thuộc Hưng Yên). Qua con kênh đào Bắc Hưng Hải bên kia là thị trấn Kẻ Sặt, nơi có Nhà thờ Công giáo rất lớn.

Tháng 12/1972 từ đây, đêm đêm chúng tôi vẫn hướng về Hà Nội nhìn cảnh bom B-52 của Mỹ dội xuống và tên lửa, đạn phòng không đỏ rực trời Hà Nội mà lòng quặn đau, lo cho gia đình và người thân vẫn còn ở đó.

***

Tháng 1/1973, ký hiệp định Pari. Hoà bình trên miền Bắc.

Anh em học viên chúng tôi chờ từng ngày để được quay về thủ đô. Thế mà cũng mãi đến tháng 5/1973 anh chị em mới được rời nơi sơ tán về Thanh Xuân, Hà Nội.

Tưởng về cơ sở chính của trường thì sinh hoạt sẽ đỡ vất vả. Ai ngờ vẫn thiếu thốn đủ thứ, từ những cái tối thiểu nhỏ nhất cũng không có: Cả lớp hơn 20 người sống chung một phòng, không giường chiếu, nằm sàn xi măng, điện lúc có lúc không, nước tắm giặt thiếu nên ghẻ, hắc lào đầy da...

Thêm vào đó là tư tưởng của một số người có trách nhiệm cho rằng “bọn chúng nó sắp đi nước ngoài, sắp sướng rồi, chịu khổ thế chứ khổ nữa chúng nó cũng không dám kêu đâu! Kệ chúng nó!...”

Những sinh viên thuộc khoá dự bị ngoại ngữ đầu tiên mà trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội gửi đi du học giờ đều đã lớn tuổi.

Những ngày chờ đợi ấy sao mà nó lê thê, dài thế... dù chỉ mấy chục ngày.

Trong những ngày đã về Thanh Xuân để học nốt và chờ đợi ấy, nhà tôi gần nên hầu như tôi không ở lại trường buổi tối mà về nhà.

Nhiều hôm không có việc gì thì rủ các anh em cùng lớp nhưng là dân ngoại tỉnh nhẩy tầu điện vào Hà Đông hoặc ra Bờ Hồ chơi. Và trước ngày lên đường cả lớp chúng tôi, hơn hai chục anh chị em đã kịp ra “Hiệu ảnh Quốc tế” phố Hàng Khay làm mấy “pô” ảnh chung cả lớp. (Điều này rất đáng quý, không phải lớp nào cũng nghĩ ra, và đến hôm nay nhìn các tấm ảnh ấy sau gần nửa thế kỷ mới thấy bồi hồi làm sao).

***

Rồi đến một ngày anh em được lệnh: Kể cả các anh chị nào nhà gần thì tối cũng phải có mặt, sinh hoạt tại ký túc xá. Không được phép vắng mặt.

Chúng tôi linh cảm sắp đến giờ “G” rồi đây!

Cuối cùng ngày ấy rồi cũng đến: Cuối tháng 7 năm 1973 được phát va ly và quần áo để chuẩn bị lên đường sang Liên Xô và các nước Đông Âu du học. Mỗi người được phát một cái va ly bằng cac - tông ép, bọc vải màu cỏ úa, bộ vét, hai cái áo sơ mi trắng, cái áo len cộc tay, một đôi giày da, một đôi bít tất.

Sau khi được phát va ly và quần áo, ai ở gần thì được phép mang đồ về nhà, ai xa thì vẫn phải ở lại.

Cách đấy dăm năm, vào năm 1968, anh trai tôi cũng được chọn đi du học, đã phát va ly, quần áo, đã về liên hoan và đi chào tất cả họ hàng nhưng rồi… trượt! Phải ở lại vì sự cố ở Tiệp Khắc năm 1968! (sự cố “mùa xuân Praha” 1968 ở Tiệp Khắc, sau đó quân đội Liên Xô và các nước Khối hiệp ước Varsava kéo vào đây).

Rút kinh nghiệm, lần này gia đình tôi chỉ làm bữa cơm liên hoan trong nội bộ gia đình. Cũng không báo cho cô gì chú bác trong họ vội. Để tôi đi “suôn sẻ” rồi ở nhà sẽ báo và tôi sẽ gửi thư về “cáo lỗi” vì đi gấp!

Trang Nhật ký viết ở chiến trường Quảng Trị năm 1973 của anh trai tôi có những dòng rất cảm động nhớ về tôi khi được tin có thể tôi được đi học nước ngoài

Ngày tôi lên đường đi du học thì anh trai tôi, người “đi trượt” nước ngoài năm nào đang là bộ đội ở chiến trường Quảng Trị, nơi bom đạn vô cùng khốc liệt…

Tối ngày 02/8/1973 lên tàu ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội.

Trước khi lên tầu mỗi người được phát một cái bánh mỳ và một hộp thịt hộp nho nhỏ là bữa ăn chiều và dự phòng cho sáng hôm sau.

Ai nhà gần thì có người thân đưa tiễn. Ai quê xa thì chỉ có một mình. Giờ chia tay bịn rịn, xao xuyến ấy thì người thân của một bạn trong lớp cũng trở thành người thân của các bạn khác khi không có người đi cùng… Thật cảm động!

Ga Hàng Cỏ sau các trận bom B-52 cuối tháng 12/1972 mới chỉ được dọn dẹp các phần bị bom đổ vỡ, chưa được tu sửa lại.

Khoảng 8 giờ tối, tầu hoả lừ đừ chuyển bánh trong tiếng thở “phì phò” của đầu máy hơi nước.

Tất cả chúng tôi ai cũng cố ngoái ra cửa sổ để như tạm biệt Thủ đô, tạm biệt quê hương…

Hà Nội trong ánh đèn tù mù và cái nóng ngột ngạt tháng 6 âm lịch từ từ lùi lại phía sau…

Sáng sớm hôm sau đến ga Đồng Mỏ, Lạng Sơn phải xuống tàu vì một đoạn dài đường sắt bị phá do bom đạn chiến tranh chưa nối lại được.

Tụt giày, xắn quần, xách va ly lội men bờ ruộng đi tiếp sang phía đầu kia của ga lại lên tầu.

Qua “ải” Nam Quan vẫn ngồi trên tàu Việt Nam. Tầu chạy rất chậm để biên phòng Trung Quốc đu và trèo lên tàu kiểm tra và đóng dấu hộ chiếu.

Đến Bằng Tường thì tầu hoả Việt Nam “thả” đoàn xuống và quay về.

Anh chị em chuẩn bị lên tàu “nước bạn”. Lúc ấy khoảng 9 giờ sáng.

Đọc thêm