Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học. Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania…
Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả). Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy như thế nào, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao?
Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.
Sân ga Bằng Tường băng rôn đỏ giống những gì đã nhìn thấy trên hoạ báo Trung Quốc thời cách mạng văn hoá. Loa phóng thanh của ga phát lời chào mừng bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chào mừng các bạn Việt Nam …”.
Nhà ga thưa vắng, ít người, chủ yếu là nhân viên. Lác đác một số người Trung Quốc trong ga nhìn đoàn sinh viên Việt Nam với con mắt tò mò, ngạc nhiên. Nhà ga Bằng Tường chỉ là nhà ga biên giới của Trung Quốc nhưng khi ấy chúng tôi đã có cảm giác to lắm. Tầu hoả Trung Quốc đã chờ sẵn trên đường ke ga.
Có một vài cán bộ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam đi theo đoàn hướng dẫn anh chị em lên tàu. Trước khi lên tầu anh chị em được cán bộ dẫn đoàn phát cho mỗi người 2 Nhân dân tệ, và được dặn để có thể lúc xuống ga nào đấy mua một vài thứ lặt vặt đồ lưu niệm. Lên tàu Trung Quốc thấy các bàn trên toa tầu bày sách đỏ Mao tuyển, huy hiệu “bác Mao”!
Từ Bằng Tường lên tới biên giới Trung - Xô, cả mấy ngày “bọn tôi” được “đón chào” với nhạc trên tàu phát liên tục “Đông Phương Hồng…” rồi “Việt Nam Trung Hoa, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…”. Do đã được “quán triệt” từ trước khi lên đường nên bọn tôi chỉ xem qua các hoạ báo rồi để lại, tuyệt đối không lấy cái gì, bởi những thứ này sang đất Liên Xô mà bị họ phát hiện thì rất rắc rối…
Tầu hoả chở du học sinh Việt Nam là tầu “chuyên xa”, đoàn tầu dành riêng cho khách quốc tế và chuyến này “thuê bao trọn gói” cho đoàn mấy trăm học sinh Việt Nam, không có khách Trung Quốc. Khác các đoàn tầu chở khách nội địa Trung Quốc khi ấy mà chúng tôi nhìn thấy dọc đường, hành khách chen chúc…
***
|
Đáng nhớ nhất là các bữa ăn trên tầu Trung Quốc. Trải qua những ngày tháng sơ tán, chạy bom đạn… ăn uống kham khổ, thiếu thốn, lần đầu tiên được ăn “cơm Tầu”, dù là “cơm Tầu” trên tầu hoả nhưng sao mà nó ngon thế! Nhất là món canh miến. Sợi miến nhỏ như sợi dây cước. Và tôi để ý những lần sau này đi công tác hoặc du lịch qua Trung Quốc, cũng ăn miến nhưng không thấy giống và ngon như miến của lần đi tầu hoả năm ấy.
(Tuy nhiên món cơm trắng không ngon bằng cơm trắng Việt Nam. Cơm trắng của Việt Nam hạt gạo nhỏ và săn. Cơm trắng bên ấy hạt gạo to, dính và nát. Kể cả cơm trắng tôi ăn trên tầu hỏa ngày ấy và ăn những lần đến Trung Quốc sau này đều giống thế).
Phục vụ trên tầu “nước bạn” toàn đàn ông: tóc cắt cua, đồng phục quần cỏ úa, áo trắng cộc tay, dép giọ, ngực đeo huy hiệu “bác Mao” to gần gấp đôi cái trôn bát xệ cả ngực áo… Tàu Trung Quốc kéo bằng đầu máy hơi nước đốt than, cửa sổ thông toang nên sau mấy ngày ngồi tầu mặt mũi ai cũng lấm lem. Lấy ngón tay ngoáy mũi ra cục “gỉ mũi” đen xì.
Đặc biệt tầu chạy qua vùng đồng bằng Hoa Nam (với trung tâm là Vũ Hán, nơi bùng phát Covid) nằm sâu trong lục địa, xa biển, mùa hè tháng 7 cực nóng, nắng nóng xuyên qua lưới cửa sổ tầu hoả tưởng chừng như đang ngồi trong lò than.
Chuyến “chuyên xa” này là tầu nhanh, rất ít dừng đỗ. Chỉ dừng ở vài ga các thành phố lớn. Từ Bằng Tường tầu chạy về phía bắc tới thủ phủ Nam Ninh. Qua Nam Ninh của Quảng Tây, rồi vượt Hồ Nam với thủ phủ là thành phố Trường Sa.
Tầu vượt sông Trường Giang trên cây cầu sắt “Vũ Hán Trường Giang Đại Kiều” tiến vào nhà ga Vũ Hán. Cảm giác thấy cây cầu khá dài (vì lúc ấy ở ta chưa có cầu Thăng Long. Chứ thực tế cầu chính Thăng Long vượt sông (1.688m) dài hơn cầu chính Vũ Hán (1.670m).
Trên đường đi, tầu dừng ở ga Vũ Hán lâu nhất, tầm 20 phút. Anh em xuống ga mua mấy thứ trong số tiền 2 tệ ấy. Có bạn thấy kem ngon làm luôn 2- 3 cái là hết tiền. Tôi “làm” một que kem, số tiền còn lại mua được cái bấm móng tay và 2 cái khăn mùi xoa bé tí!
***
Bỏ lại Vũ Hán phía sau, tầu tiếp tục chạy nhằm phương bắc thẳng tiến… Tầu không qua trung tâm Bắc Kinh mà chỉ chạy bên ngoài. Tàu chạy qua các thành phố lớn của “nước bạn” từ Nam Ninh, Vũ Hán, An Huy, Cáp Nhĩ Tân… chỉ thấy dòng người lầm lũi mặc “đại cán” màu cỏ úa, đạp xe đạp “Vĩnh Cửu” hoặc xe “trâu” (loại xe đạp phanh đũa, bánh to, không có chắn bùn) đằng sau có cái xô sắt tây…
Thỉnh thoảng tàu chạy song song với phố thì nhìn thấy các cửa hàng với dòng người xếp hàng dài dằng dặc… chắc mua thực phẩm. Từ Bằng Tường lên Bắc Kinh đã thấy xa. Nhưng từ Bắc Kinh để lên tới biên giới Trung - Xô ở Mãn Châu còn xa lắm.
Có lẽ từ Bằng Tường đến Bắc Kinh mới được hơn nửa đường. Năm ấy chuyến tầu hoả chúng tôi đi không qua Mông Cổ mà qua Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ xứ Mãn Châu để lên biên giới Trung -Xô.
Bốn ngày bốn đêm không nghỉ, chỉ dừng ít phút ở một vài ga lớn để tiếp nước lên két và đổi kíp lái, tàu chạy một mạch. Vượt chặng đường hơn 4.000 cây số từ ga Bằng Tường ở biên giới Trung Việt, tầu đến biên giới Trung - Xô. Dừng ở ga Mãn Châu Lý, bên kia là ga Zabaikalxk (Забайкáльск) của Liên Xô.
Tàu hoả đến ga Mãn Châu Lý vào buổi sáng theo giờ Bắc Kinh. Cảm giác đầu tiên thật lạ kỳ. Vẫn là một dải đất liền, thế mà bên này là đất Trung Quốc, toàn dân “đầu húi cua, mắt một mí”. Chỉ cách mấy mét, qua cái barie quy ước, là đất Liên Xô, thì toàn dân “da trắng, mũi lõ”.
Lẽ ra phải được ăn sáng nhưng sắp đến giờ xuống tàu Trung Quốc để chuẩn bị qua biên giới đón tàu Liên Xô nên cũng "bị cắt"...
(Kỳ tới: Từ Mãn Châu Lý đến Hồ Baican)