Ăn sáng bị cắt. Xách đồ để chuyển từ tầu hoả Trung Quốc sang tầu Liên Xô ở ga biên giới Zabaikalxk trong tình cảnh bụng đói meo. Sang đến tầu Liên Xô, theo giờ địa phương thì đã qua giờ ăn sáng nên tầu Liên Xô không bố trí ăn sáng. Vậy là được một phen nhịn đói cả hơn chục tiếng đồng hồ kể từ lúc chuyển tầu buổi sáng!
Tầu Liên Xô chở đoàn học sinh Việt Nam từ biên giới Xô- Trung đi Irkusk là tầu thường - chạy nội địa của Liên Xô. Không phải “chuyên xa” hay tầu hỏa liên vận. Các anh chị em được bố trí xen kẽ vào các chỗ trống mà tầu chưa bán vé. Người thì được vào cup-pê 4 giường (giường 2 tầng) có cửa. Người vào khoang 6 giường (giường 3 tầng) không cửa.
Nhưng tất cả đều là toa giường nằm chứ không phải toa ghế ngồi. Do phải bố trí phân tán trong các toa và các khoang còn trống, không được ở tập trung như trên “chuyên xa” Trung Quốc, anh em nháo nhác tìm nhau như ong vỡ tổ! Các hành khách Liên Xô trên tầu nhìn đoàn học sinh Việt Nam nhếch nhác, bé nhỏ lách chách với con mắt đầy ái ngại với vẻ thương cảm…
***
Trên toa tôi chứng kiến một chuyện dở khóc dở cười: có hai anh bạn trong đoàn được bố trí vào khoang còn 2 giường trống, 2 giường kia thì đã có đôi trai gái Liên Xô. Đôi trai gái “tây” ấy chắc đi chơi tuần trăng mật nên luôn dành cho nhau các cử chỉ âu yếm hết mức như cắn thức ăn vào miệng để đút cho nhau ăn, suốt ngày ôm, hôn nhau…
Hai anh bạn Việt Nam lần đầu thấy cảnh ấy ngượng ngùng và cứ chửi “lũ tây đểu thế!” và cứ nằng nặc đòi chuyển sang khoang khác. Đang ở tầu “chuyên xa” Trung Quốc sạch sẽ, tiện nghi, nay chuyển sang tầu “chợ” của Liên Xô ai cũng thấy thất vọng. Mặc dù ăn trên tầu Liên Xô cũng vẫn được “bao” như trên tầu Trung Quốc, ngày 3 bữa đi xuống toa Restaurant để ăn. Nhưng lần đầu tiên ăn đồ “tây” không quen nên ai cũng chán và so sánh thấy đồ “ăn Tầu” ngon thật!
|
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với "ông Tây" ra đón Đoàn du học sinh Việt Nam. |
Rồi có những chuyện bây giờ nghĩ lại mới thấy hết sức nực cười. Khi tầu vào ga Chita (Чита), ga ngã ba kiểu chữ “Y” để đổi đầu máy. Lúc vào nhìn qua cửa sổ thấy tầu chạy xuôi, lúc đi ra khỏi ga, vẫn ngồi thế nhưng thấy tầu chạy ngược. Anh em nhiều người nhao nhao bảo “chắc tầu chạy sai đường, nay phải chạy ngược lại tìm lối cũ”. Có biết đâu rằng khi trước đầu máy kéo toa đầu, còn nay kéo toa cuối, phía đuôi tầu thành phía đầu. (Ở Việt Nam các bạn có thể kiểm chứng việc này khi tầu hỏa Hà Nội –Sài Gòn đổi đầu máy ở Đà Nẵng. Từ Hà Nội vào tới Đà Nẵng ai thấy “xuôi”, thì từ Đà Nẵng vào Sài Gòn người ấy sẽ thấy “ngược”).
Từ ga Zabaikalxk ở biên giới XôTrung, lại gần 2 ngày 2 đêm nữa trên tàu Liên Xô, vượt gần 2.000km nữa qua các thành phố Chita (Чита), Ulan- Uđe (Улан-Удэ), men dọc bờ hồ Bai-can… để đến Irkutsk. Có đi mới thấy! Đất Trung Quốc cảm thấy đã rộng nhưng chưa thấm vào đâu so với đất Liên Xô! Từ Bằng Tường tầu hỏa chạy xuyên suốt Trung Quốc từ nam lên bắc tới tận biên giới Trung - Xô ở Mãn Châu Lý trên 4000 km đã thấy dài.
Nhưng trên đất Liên Xô, chỉ ở một tỉnh, từ ga biên giới vào “tỉnh lỵ” của tỉnh biên giới đó đã gần 2000km! Có lẽ kể cả đến bây giờ, cũng không có nhiều người có cơ hội tận mắt nhìn thấy và đặt chân đến vùng đất viễn đông xa xôi của Nga với hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, hồ Bai-can. Chúng tôi khi đó là những người có cơ hội may mắn như thế…
Nhìn trên bản đồ đoạn đường sắt chạy ven hồ Bai- can chỉ ngắn tí như đầu mẩu bút chì! Nhưng thực ra tầu hoả chạy suốt gần nửa ngày mới hết! Đang thời tiết mùa hè nên được chứng kiến cảnh thiên nhiên vô cùng ấn tượng, một bên đường sắt là rừng tai- ga xanh rì, một bên là mặt nước hồ xanh trong, bao la tới tít tận chân trời…
|
Bản đồ hành trình từ ga biên giới Xô –Trung Zabaicanxk tới Irkutsk (mũi tên màu tím). |
Tầu Liên Xô chạy động cơ điện nên không có tiếng ồn và bụi như tầu Trung Quốc. Nhưng các toa tầu Liên Xô thiết kế để tránh khí hậu mùa đông giá rét là chính nên hơi bí vào mùa hè. Chính vì toa kín thế nên đi tầu Liên Xô lần đầu tiên mới được “thưởng thức” mùi bít tất “ngào ngạt” … thối của các hành khách đi tầu xuyên Xibêri nhiều ngày không có nước rửa chân…
Đích đến của đoàn tầu này là thành phố Irkusk, “tỉnh lỵ” của tỉnh biên giới cùng tên. Irkutsk, không chỉ là “tỉnh lỵ” mà còn là thủ phủ của miền đông Xibêri. Thành phố nằm bên bờ hồ Bai- can. Thành phố này bao nhiêu năm nay là trạm tiếp đón đầu tiên, có thể coi là nơi “tẩy uế, thanh lọc” các sinh viên du học từ Việt Nam mới sang ngày ấy. Để rồi từ đây anh em được phân ra ai đi tiếp đến các thành phố nào ở Liên Xô và tất cả các nước Đông Âu.
***
Sau một tuần trên tàu hoả, không nước tắm, chỉ có rửa mặt. Quần áo nhàu nhĩ… anh em học sinh Việt Nam xuống ga Irkutsk trông thật… thảm! Ai cũng gầy còm vêu vao, bé lách chách. Trong bộ com lê đen xám xịt may kiểu cổ lỗ không biết lấy kiểu từ thời nào! Mà tuyệt đại đa số anh em lần đầu tiên được mặc com lê trông có vẻ còn ngượng nghịu lắm!
Cũng khối anh lần đầu tiên được xỏ “giầy tây” nên đi đứng cũng lóng ngóng, ngượng ngịu, bước đi như “chân gà mắc tóc”, (đôi giày được phát này chỉ vài hôm sang châu Âu, trời rét, tuyết rơi làm cho há mõm. Đi thò cả năm ngón chân ra. Vì giày làm rất thủ công ở Việt Nam, vật liệu và keo không chịu được lạnh) Người bé lách chách, tay xách va ly các tông bọc vải cỏ úa được phát, riêng vỏ va ly đã nặng chịch (anh em vẫn gọi là “com lê bác Bửu” và “va ly bác Bửu”, “bác Bửu” là Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng bộ Đại học lúc bấy giờ).
Thực ra lúc ấy chưa ai cảm thấy thế cả. Chỉ ít tuần sau khi đã về trường ổn định nơi học tập, được xem ảnh do người của nhà trường đi đón, chụp lại thì mới cảm thấy! Chứ lúc ấy ai cũng thấy “oách” lắm!
(Kỳ tới: Những ngày nằm chờ và chặng đường xuyên Xibêri từ Á sang Âu)