Chuyện thời du học (Kỳ 5): Ở xứ sở của “vựa” xe đạp cuốc và quạt tai voi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, sau đúng 16 ngày đêm kể từ lúc lên tầu ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội), vừa đi vừa nghỉ, nhóm chúng tôi đến vùng đất hoàn toàn châu Âu của Liên Xô. Đến một trong các thành phố văn minh, hiện đại nhất của Liên Xô lúc ấy: Thủ đô Kiev của xứ Ucraina. Bắt đầu một cuộc sống sinh viên xa nhà 6 năm đằng đẵng…
Chiếc xe đạp “cuốc” nhãn hiệu Sputnik (với lô-gô hình con nhạn của nhà máy xe đạp Khacov), “đặc sản” một thời của Kharcov và niềm mơ ước của bao người Việt du học.
Chiếc xe đạp “cuốc” nhãn hiệu Sputnik (với lô-gô hình con nhạn của nhà máy xe đạp Khacov), “đặc sản” một thời của Kharcov và niềm mơ ước của bao người Việt du học.

Tháng 8 năm 1974.

Sau khi đã học xong năm dự bị Đại học ở thủ đô Kiev của xứ Ucraina, tôi chuyển xuống Kharcov, thành phố lớn thứ 2 của Ucraina. Vào Đại học xây dựng Kharcov học năm thứ nhất.

Kharcov là một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp hàng đầu (cả công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp hàng tiêu dùng không chỉ của Ucraina mà cả Liên Xô khi ấy). Kharcov từng là Thủ đô của Ucraina tới tận năm 1934, sau đó Ucraina mới dời thủ đô về Kiev.

Kharcov tuy không lớn bằng Kiev nhưng cũng đủ rộng, chia rõ ràng các khu phố cũ và khu phố mới. Nhiều công viên lớn, rợp cây xanh. Các nhà máy và khu công nghiệp nằm riêng biệt ở ngoại ô, xa trung tâm thành phố.

Kharcov còn lớn và quan trọng hơn rất nhiều so với thủ đô của các nước Cộng hòa khác trong Liên bang Xô Viết. Kharcov có tầu điện ngầm (Metro) trong khi nhiều thủ đô của các nước Cộng hòa khác của Liên Xô chưa có.

Về thực phẩm, hàng tiêu dùng thì Ucraina nói chung và Kharcov nói riêng, phong phú hơn hẳn các nước Cộng hòa và các thành phố khác của Nga và cả Liên Xô… (chỉ đứng sau mấy nước Cộng hòa vùng Ban-tich là Latvia, Litva, Estonia)

Một điểm “cộng” nữa cho Kharcov là các cửa hàng, cửa hiệu, phương tiện giao thông công cộng không quá đông, không phải xếp hàng rồng rắn như thủ đô Maxcova hay Leningrad…

Chàng thanh niên “Tôi” ngày ấy.

Chàng thanh niên “Tôi” ngày ấy.

Thời đó kỷ luật “kinh” lắm. Bạn nào học bên ấy thời kỳ ấy chắc vẫn nhớ:

Ra đường phải đi theo tốp 2-3 người. Không được đi lẻ một mình. Cấm xem phim tư bản. Và cả các phim của Nam Tư cũng bị cấm xem. (Nam Tư khi ấy sản xuất khá nhiều phim “bộ lạc da đỏ, cao bồi chăn bò, cưỡi ngựa bắn súng, phi dao găm…)

Chỉ cần đi xem phim Fantomas của Pháp chiếu trong rạp là về đã bị kiểm điểm rồi. Chứ đừng nói đến chuyện “quần loe, tóc dài”. Còn đi nhảy đầm, nếu tán “gái Tây” nữa thì không khác gì đứng “dưới giá treo cổ”. Tội quần loe, tóc dài lại “ôm” gái Tây nhảy đầm mà đến tai cán bộ “Sứ” thì về nước là cái chắc. Dù học có giỏi, điểm có cao bao nhiêu cũng “vứt”! Không có ý nghĩa gì!

Tôi được cái học cũng “tương đối”. Bài vở thi cử đúng hạn, quan hệ với giáo viên nhà trường khá tốt, được nhiều vị “biết mặt, biết tên”… Nhưng phải cái “tội” là người cao ráo, khá “bảnh”, lại để tóc dài như “bác học” Niutơn, nhảy “dẻo” không kém … “da đen châu Phi” nên chị em “Tây” hơi “mết”…

Tôi có không ít bạn gái “da trắng, mắt xanh, tóc vàng”. Có cô ở cùng ký túc xá, nhưng phần lớn là ở trường khác, hoặc ngoại trú. Vì đánh “bạn” với các cô cùng ký túc xá dễ bị lộ lắm. Cán bộ bắt được thì “toi đời”! Thế cho nên mấy anh chàng dạng như tôi sợ các chú cán bộ quản lý lưu học sinh ở Sứ quán lắm. Sợ thật chứ không nói giỡn!

Cổng trường Đại học Xây dựng Kharcov 2019.Cổng trường Đại học Xây dựng Kharcov 2019.

Lần ấy có chú Kh. hay L. gì đấy ở Sứ quán (lâu ngày tôi quên mất tên rồi, anh em thường gọi các chú là “chú trên Sứ”) về kiểm tra, trên danh nghĩa là “thăm” Kharcov và đến trường tôi. Tôi lo lắm. Thôi thì cũng đành! Mái tóc tôi rất dài đang đẹp, nhiều cô bạn “Tây” thích, thì cũng phải “đắng lòng” cắt gọn đi để đến họp.

Trước buổi họp tôi rất lo. Nhưng cũng tự nhủ cái quan trọng nhất là mái tóc đã gọn gàng rồi. Khi đến họp thấy không khí cũng nhẹ nhàng, cũng bớt lo.

Hoá ra anh em xì xào nói là dưới Kharcov nhiều đồ như xe đạp “cuốc” Sport, phích sắt, quạt tai voi, máy khâu cũ… dễ mua nên các chú mua được nhiều nên cũng vui và bớt “hắc xì dầu” hay sao ấy!

À! Đúng rồi. Tất cả các của “quý” đó mà sinh viên Việt Nam từ Liên Xô (và cả từ các nước Đông Âu phải quá cảnh Liên Xô về nước) mang về thì đa số chúng có “quê” ở Kharcov nơi tôi học!

Chiếc quạt tai voi Liên Xô là tài sản quý giá một thời.

Chiếc quạt tai voi Liên Xô là tài sản quý giá một thời.

Từ to như cái xe đạp Sport, nhỏ như cái quạt tai voi, rồi phích sắt lưỡng dụng, cái nồi áp suất, đến cái cối xay thịt quay tay… tất tật đều xuất phát từ “vựa” Kharcov. Các anh em học ở thành phố khác của Liên Xô đều muốn “kết bạn” với những anh em học ở Kharcov.

***

Trong buổi họp, chú cán bộ dặn dò chung chung và cuối cùng chú nói, đại ý: “…Các em sang bên này cần bảo vệ sức khoẻ nhất là việc ăn uống. Cần ăn thêm bơ sữa, pho mát vì những thứ này bổ cho sức khoẻ. Đừng ăn chòn chọt cơm với bắp cải xào, dù có xào với thịt thì cũng không tốt bằng bơ sữa. (tôi thấy điều này chú nói rất đúng).

Và phải trau dồi cho giỏi ngoại ngữ thì mới học tốt được. Tiếng Nga phong phú lắm. Ví dụ riêng từ “cháo” thôi tiếng Nga cũng rất có rất nhiều từ. Sáng nay tôi xuống nhà ăn, thấy cậu sinh viên Liên Xô đứng phía trước gọi “кaшa” (cháo), tôi đứng tiếp sau cậu ấy, tôi nói “eщё” thế là bà phục vụ nhà ăn cũng đưa tôi đĩa cháo. Như vậy là “кaшa” là cháo, mà “eщё” cũng là cháo! Phong phú thế đấy các anh chị à!”

Ôi cha mẹ ôi! Nghe đến đây tôi bấm bụng không dám cười. Nếu cười to mà cán bộ nghe thấy, nhận mặt được rồi vào “sổ đen” có khi bị kỷ luật đuổi về chưa biết chừng (Xin mở ngoặc để bạn nào không biết tiếng Nga: “кaшa” là cháo. Còn “eщё” chỉ là “thêm giống như thế” chứ “eщё” không phải là cháo).

Các bạn nhìn ảnh tôi thời đó thì biết tôi sợ các “chú cán bộ” ấy như thế nào. Ấy thế mà vẫn tóc tai, quần áo, “bộ dạng” ấy, mấy năm sau, khi về nước tôi lại đi “tháp tùng” các lãnh tụ.

Bởi do có nhiều bạn gái là các cô “da trắng, mắt xanh, tóc vàng” mà trình độ tiếng Nga của tôi có thể nói không kém người bản địa. Rất nhiều lần gọi điện thoại về nhà riêng hẹn hò các cô, vì nhiều cô không ở ký túc xá. Nhưng không có nhà, bố mẹ các cô ấy nghe hộ và nhắn lại. Nhưng bố mẹ các cô ấy cũng không nhận ra tôi là người nước ngoài nói tiếng Nga.

Chính bản thân các cô bạn gái Liên Xô của tôi thời ấy đã nhận xét: “Nếu không nhìn thấy mày da vàng, tóc đen mà chỉ nghe qua điện thoại thì không ai nghĩ mày là người nước ngoài nói tiếng Nga”. Khi đó tôi chỉ cười và trả lời: “Nói sõi là nhờ đi chơi nhiều với mấy em đấy”!

Nghe tôi nói thế, các em “Tây” cười ngất, gật đầu lia lịa và miệng thốt lên “Дa! Дa! Дa!” tỏ vẻ tán thưởng.

Nhớ mãi!

Đọc thêm