Chuyện thời thơ ấu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Long Mỹ

(PLO) -Tôi chỉ biết cha tôi sinh ra ở xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và đinh ninh thời thơ ấu cha tôi học ở Trường Tiểu học ở Mỹ Tho. Mãi cho đến năm 2008 khi gặp cụ Nguyễn Thế Đoàn, một trong những nhà quay phim đầu tiên của nước ta, lúc này cụ đã ở tuổi 98 thì tôi mới biết cụ đã từng học cùng trường với cha tôi ở Trường Tiểu học Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang) những năm 1917. Và hiểu biết của tôi về thời thơ ấu của cha tôi ở Long Mỹ chỉ đến mức đó thôi.  
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Đến năm 2017, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người hiện sinh sống ở huyện Long Mỹ có cung cấp một số thông tin về việc cha tôi cùng sống với ông nội Nguyễn Hữu Tuấn, bà nội Lê Thị Phòng và đi học ở Trường Tiểu học Long Mỹ. Lúc bấy giờ tôi khẩn trương sắp xếp thời gian để cùng chị hai Nguyễn Phương Trân và cháu Kim (con chị Hai), tôi và vợ tôi Lê Thị Thụ cùng một số bạn bè về tỉnh Hậu Giang. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp chúng tôi hết sức chân tình như những người nhà đi xa trở về quê hương. Sau đó chúng tôi đi thẳng về huyện Long Mỹ.

May mắn là được gặp ông Đồng Quang Hoằng được ông nội là Đồng Quang Điến (sinh năm 1898) và nhiều người địa phương kể lại về cuộc sống trước đây của ông nội, bà nội và cha tôi tại địa phương. Theo lời kể, khi về ở ấp 6, Vàm Chà Là khai khẩn, gia đình tôi đã đào nhiều kinh dẫn thủy nhập điền như: Kinh Ranh, Kinh Dừa Khô, Kinh Tự, Kinh Kay Ưu, Kinh Rạch Lớn, Kinh Ngang... Gia đình còn quan tâm xây dựng nghĩa địa để những người tứ cố vô thân, nghèo khó có nơi chôn cất tử tế. Gia đình ông nội tôi rất gần gũi với người dân, đối xử tử tế với mọi người. Được biết, hồi nhỏ cha tôi đi học từ Vàm Chà Là ra Trường Tiểu học Long Mỹ trong suốt 3 năm liền từ 1917 đến 1920. Những tháng cuối năm 1920, cha tôi đã rời Vàm Chà Là lên Sài Gòn. Và đến năm 1921 sang Pháp học bằng tàu. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, ông bà nội đã hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng tại nơi sinh sống và nuôi dạy cha tôi lớn khôn.

Những thông tin trên thật là quý giá. Mặc dù thuộc gia đình khá giả nhưng ông, bà nội, cha tôi sống giản dị, gần gũi với mọi người. 

Tất cả những sự kiện trên ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi thơ, tâm tư, tình cảm của cha tôi trong suốt cuộc đời làm cách mạng sau này. Như vậy cha tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ thừa hưởng truyền thống bất khuất của những bậc anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Tiếp, truyền thống “trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An mà còn thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Hậu Giang giàu truyền thống yêu nước. Qua hai cuộc kháng chiến giữ nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn lưu lại rất nhiều trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là chiến thắng Chương Thiện lẫy lừng đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch được Nhà nước công nhận là Di tích đặc biệt.

Thật cảm động khi nghe đồng chí Lê Hữu Phước, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ – nơi ông bà nội, cha tôi đã từng gắn bó trong thời gian khá dài đã đề đạt một số nguyện vọng phù hợp lòng người, nhất là nhân dân nơi đây. Đó là việc bảo tồn và tôn tạo miếu Bà Chúa Xứ ở Vàm Chà Là. Trước Cách mạng Tháng Tám, bà nội tôi là Lê Thị Phòng lập Miếu Bà Chúa Xứ để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng mạnh giỏi.

Hiện nay, nhân dân vùng Vĩnh viễn, Hoa lựu coi miếu bà Chúa xứ là địa điểm văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ mong muốn được xây dựng nơi đây thành nơi chốn linh thiêng, có bổ sung phần lịch sử của gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Long Mỹ để giúp các thế hệ tiếp nối hiểu biết và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.  Những năm cuối thế kỷ 19, bà nội tôi là Lê Thị Phòng về vùng đất Chà Là khai hoang phục hóa, đào kinh dẫn thủy nhập điền tháo chua rửa phèn. Có rất nhiều kinh lưu giữ dấu ấn của gia đình dòng họ Nguyễn Hữu Thọ như kinh Cô Thông, Kinh Dừa Khô, kinh Tư, Kinh Ngang. Vì vậy cần bảo tồn và tôn tạo các kinh này để gắn với quần thể di tích: nhà ở, lẫm lúa, miếu Bà ở Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Địa điểm Trường Tiểu học Long Mỹ – nơi cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ học từ 1917 đến 1921, nay đã chuyển về thị trấn Long Mỹ. Vì vậy, lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương rất muốn đặt tên trường này bằng tên cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ để các thế hệ học trò phấn đấu, noi theo.

Trên đây là câu chuyện đầy tình người ở Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) lần đầu công bố, cần được bổ sung vào tiểu sử của cố quyền chủ tịch nước Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trong 19 lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta đang được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, biên soạn, hoàn chỉnh. 

Đọc thêm