Vừa gặp đã lên duyên vợ chồng
Ông từ Thanh Hóa phiêu dạt ra Hà Nội vào năm nào ông cũng không nhớ. Bà thì dạt từ Thái Bình về Hà Nội lúc nào cũng không hay. Nhưng ông bà thì nhớ như in ngày 26/9/1969, cái ngày hai ông bà gặp nhau, chính thức nên duyên vợ chồng.
Ông trân trọng bà, trân trọng cơ duyên được gặp bà đến mức mua ngay ít mực tàu, khắc thời điểm lịch sử ấy bên cánh tay trái. Cứ có khách đến chơi là ông đưa cánh tay ấy ra khoe, như thể khoe “chiến tích” lớn nhất của cuộc đời mình. Còn bà ngồi đối diện, ánh mắt sáng lên vì hạnh phúc khi ông Tơ, bà Nguyệt đã cho họ có nhau trong đời.
Ông Thành kể, sáng hôm đó sau khi bán được giỏ ốc bắt được từ bãi sông Hồng, ông lang thang đi nhặt rác ở khu vực ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội). Tại đây, ông nhìn thấy bà Thủy (ngày đó trẻ và xinh lắm - ông chú thích) đang lúi húi quét gạo. Ông chủ động bắt chuyện hỏi thăm.
Bà chân thành kể về hoàn cảnh của mình: “Em chỉ có một mình, chẳng có ai thân thích, ngày đi làm thuê, tối ngủ ở khoang tàu”. Ông thương cảm, bảo: “Hay là mình về ở cùng tôi”. Thế mà bà cũng đồng ý luôn, ông bà song hành bên nhau từ ngày ấy đến giờ, đã ngót nghét nửa thế kỷ.
Ngồi nói chuyện với ông bà rất vui. Ông mắc chứng lãng tai, bà thì ghê gớm. Cứ hễ thấy ông chuyện nọ xọ chuyện kia là bà hét lên to tướng rồi cầm lấy điếu thuốc lào rít một hơi sòng sọc. Sau đấy bà mới bảo, ông này điếc ghê lắm, nhiều khi nói chuyện với ông phát bực lên.
“Nhưng chắc trong những lúc ông bà tâm sự thì ông nghe được hết bà nhỉ”?, chúng tôi đùa. Bà phá lên cười, ánh mắt rạng rỡ, quay sang nhìn ông đầy yêu thương. Ở vào tuổi của hai ông bà (ông 76, bà 70), không con cái mà tình yêu thương dào dạt trong “túp lều lý tưởng” vốn là chiếc thuyền rách neo bên sông Hồng - vốn chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc ắc quy để sáng đèn mỗi tối và chiếc ấm nhôm ông bà đun nước uống hàng ngày.
Mỗi lần giận ông, bà lại rít thuốc lào sòng sọc. |
Ông Thành kể tiếp: “Ngày trước, hai vợ chồng chúng tôi cứ lang thang ở bãi giữa, ai thuê cày cuốc gì cũng làm, họ trả công, sống qua ngày. Tối thì căng lều lên ở tạm”. Trôi dạt vài nơi thì có nhiều cơ quan, tổ chức biết ông vẫn hay vớt xác người chết đuối dưới sông, họ qua thăm và bàn nhau kêu gọi, góp tiền để ông bà đóng một chiếc thuyền cho kiên cố để chống chọi với mùa mưa bão mỗi năm.
Ông Thành kể, có một cặp vợ chồng người miền Nam theo bạn bè ra sông Hồng tắm, thấy cuộc sống của ông bà liền gợi ý sẽ giúp ông bà ít vốn, buôn bán vài chai nước nhưng bà Thủy mang lên bờ bãi giữa ngồi bán, cả một tuần không có ai hỏi lấy một câu. Thế là ông bà vỡ mộng bán hàng kiếm sống, trung thành với công việc đi nhặt rác vốn là duyên lành đã đưa ông bà đến với nhau.
Nửa thế kỷ vui vầy bên nhau…
Sau những câu chuyện bông đùa, vui vẻ về cuộc tình của ông bà, chúng tôi quay sang động viên: “Thực ra ông bà không có con cũng là một điều may mắn. Vì khi đứa trẻ sinh ra, nó sẽ phải chịu phận lang thang vất vưởng như mình, nghĩ thế thôi là đã thương con quặn lòng rồi, phải không bà”?
Bà cười nhưng ánh mắt như buồn hẳn. Ông bảo, bà vẫn thèm khát có đứa con lắm nhưng ông trời không cho, hai vợ chồng đành chịu. Rồi ông dịu giọng xuống tâm sự: “Tôi thương bà nhà tôi lắm, đời bà buồn quá. Người thân cuối cùng của bà đã mất, giờ bà cũng chẳng còn ai trên đời này ngoài tôi, chẳng còn nơi nào để về, chẳng còn ai để thăm nom”. Nghe ông nói, chúng tôi thấy cay cay nơi sống mũi…
Rồi ông tâm sự tiếp: “Tôi là đàn ông, tôi còn có nhiều niềm vui khác, gặp gỡ anh em bạn bè sống cùng Bãi Giữa, một chén rượu cũng đủ để khề khà, vui vẻ cả ngày. Nhưng bà thì buồn lắm. Ngày xưa, mỗi lần chứng kiến bà ngẩn ngơ khi nghe tiếng khóc trẻ con là tôi rất đau lòng. Thương bà nhưng không thể nói thành lời. Thế nên, những lúc buồn, bà cáu gắt, tôi chỉ biết im lặng, rồi bù lại cho bà vào những khi có thể”.
Cứ thế, ông nhậu, bà góp vui; bà buồn, ông lại tìm cách chia sẻ, bù đắp… thoắt cái, đã gần nửa thế kỷ đi qua.
Ông Thành khoe vết tích “kỷ niệm ngày cưới”. |
Bây giờ, khi sức khỏe của bà yếu đi, chỉ còn một mình ông đi nhặt rác hàng đêm. Cứ đến khoảng 8-9h tối là ông đạp xe, lên đường, đi khắp nơi, có những lần ông đạp xuống tận Hà Đông, quá giờ (khoảng 5h sáng) chưa thấy ông về là bà lại lo nơm nớp, lo ông đi đường bị làm sao, lo chiếc xe đạp dở chứng khiến ông phải khổ sở dọc đường.
Mỗi lúc như vậy, trong lòng bà như lửa đốt, bà đi ra đi vào dọc con thuyền, ngóng lên cầu Long Biên để mong nhìn thấy hình dáng quen thuộc. Có hôm lo quá, bà mặc kệ chiếc thuyền, đi bộ lên tận cầu để có thể được nhìn thấy ông khi ông vừa đạp xe lên cầu. Biết bà lo như vậy, ông bèn căn ke giờ giấc cẩn thận để về đúng giờ, bà đỡ lo, ông bà lại tíu tít chuyện ông hôm nay nhặt được gì, đi đến tận đâu, gặp chuyện gì lạ… những câu chuyện cứ thế kể, hết ngày này sang ngày khác.
Rồi ông cười, nét mặt mãn nguyện, không giấu được niềm hạnh phúc, bảo rằng cuộc đời ông cứ như là giấc mơ, ngày xưa vợ chồng ông cứ dắt díu nhau đi như thế, ăn bờ, ngủ bụi, đường là nhà, bao tải là giường, thế rồi cũng qua. Bây giờ có ngôi nhà chắc chắn, cứ đi đến đâu, thấy cái gì hay, nhặt nhạnh được để trang hoàng cho “ngôi nhà hạnh phúc” ông lại nhặt về.
Vài tấm gỗ công nghiệp người ta bỏ đi được ông mang về ngăn chiếc thuyền làm đôi, chia làm hai gian. Vài mảnh gỗ từ bàn thờ người ta vứt dưới sông, ông vớt lên để lợp trần chống nóng.
Hàng ngày, mỗi buổi sáng sớm, đông cũng như hè, bến sông này tấp nập người xuống tắm. Ông cũng bơi dọc sông Hồng cùng mọi người như một thú vui. Cái nhà nổi nhỏ xíu của ông Thành - bà Thủy trở thành nơi tụ hội của người thành phố, muốn gạt bỏ bụi bặm của phố, về với thiên nhiên.
Cũng vì thế, ông bà sống nhờ vào sự cưu mang của mọi người, khi cân gạo, khi chai nước mắm, lọ dầu mỡ. Anh Lê Minh Hải (thành viên Câu lạc bộ Bè mái lá) tấm tắc: “Ông bà ấy hiếm có lắm đấy. Ông yêu, chiều bà lắm, ngày nào cũng cố gắng dành dụm tiền mua cho bà được chai bia để bà uống”.
Nhìn nụ cười rạng ngời của bà mỗi lần nhắc đến ông là có thể hiểu được bà viên mãn như thế nào khi có ông bên cạnh. Còn ông, sau mỗi hành động, mỗi câu nói ông đều đưa ánh mắt nhìn bà đầy trìu mến. Mỗi khi có một câu nói nào đấy liên quan đến chuyện vợ chồng, đến chuyện bà phải giữ ông vì sắc vóc trời cho ông ở tuổi 76 mà vẫn còn tráng kiện, ông bà đều cười, nụ cười sảng khoái, làm niềm vui và hạnh phúc dường như lan tỏa lao xao cả một vùng sóng nước sông Hồng./.