Tôi vừa đặt chân đến phố núi Ba Sao huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thì trời mưa như trút nước. Ngoài trời mưa gió, ngồi lắng nghe câu chuyện tình cổ tích của cựu chiến binh Đào Xuân Hội – Vũ Thị Vân, lòng người không khỏi bồi hồi xúc động. Những câu chuyện tình ngỡ như chỉ có trong cổ tích lại hiện hữu ngay nơi phố núi Ba Sao này.
Từ suy nghĩ giản đơn
Năm 1972, chàng trai 18 tuổi Đào Xuân Hội cùng bao thanh niên yêu nước lên đường ra chiến trận. Năm 1974, trong một lần chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng, Hội bị thương nặng. Thị lực giảm sút trầm trọng, lại thêm chứng mất ngủ, đau đầu triền miên dẫn đến thần kinh không ổn định
. Điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam một thời gian dài nhưng bệnh tình không thuyên giảm, đến năm 1975 anh Hội được đưa về Khoa A6 Bệnh viên Quân y 103 – Hà Đông để điều trị tiếp. Tháng 5/1978 anh được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.
Tại đây, anh thương binh “điên” Đào Xuân Hội đã gặp một nữ thanh niên của xã Khả Phong quả cảm mà giàu lòng nhân ái là chị Vũ Thị Vân. Cô gái ấy thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ và tham gia các hoạt động của xã. Ngày 27/7/1978, Vân cùng nhóm văn nghệ của xã đến biểu diễn phục vụ các cựu chiến binh và cán bộ trung tâm nơi anh Hội đang điều trị nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Sau tiết mục văn nghệ, anh Hội lên tặng hoa cho đoàn văn công, nhưng chị Vân không nhận. Chị bảo mình biểu diễn như vậy không xứng đáng với hoa của các anh. Chắc có lẽ bởi lần gặp gỡ ấy cùng sự từ chối của chị khiến anh Hội ấn tượng mạnh. Anh đến nhà chị chơi.
“Nhìn cử chỉ của anh lúc rót nước, khi nói chuyện với người lớn rất lễ phép và ân cần, tôi nghĩ anh cũng có “điên” lắm đâu” - chị Vân bồi hồi kể lại. Sẵn có cảm tình với anh cộng với thời điểm này Nhà nước kêu gọi các cô gái kết hôn với thương binh nên chị Vân càng nghĩ tới anh Hội nhiều hơn, rồi chẳng kịp nhận ra mình đã thương anh Hội từ bao giờ.
Lúc bấy giờ chị chỉ đơn giản nghĩ rằng: “Anh ấy cũng chịu thiệt thòi vì dân, vì nước rồi, mình không thương thì ai thương nữa”. Chị đã bất chấp sự phản đối của gia đình hai bên, sự ái ngại của hàng xóm để cùng anh đi suốt cuộc đời này.
Đến hành động lớn lao
Đám cưới của họ diễn ra vào mùa đông năm 1978. “Đám cưới lúc đấy không hoa, không váy vóc, cũng chả có được hình ảnh nào giữ làm kỉ niệm nhưng ai nấy đều vui và thành tâm chúc phúc cho chúng tôi” - chị Vân chia sẻ. Và câu chuyện tình cổ tích bắt đầu mở ra cùng với biết bao vất vả, đắng cay.
Vì chứng mất ngủ nên đêm nào anh Hội cũng lấy đinh để đóng treo tranh trên tường, cứ đóng vào rồi nhổ ra, nhổ chỗ này lại đóng chỗ khác. Những vệt đinh trên tường ngày càng chi chít. Thương anh không ngủ được, chị Vân đi học cách nấu cao bằng lá vông, lá dâu và cây lạc tiên. Dần dần bằng liều thuốc cao nấu từ lá ấy, anh đã có thể ngủ. “Anh ngủ được, tinh thần anh cũng thoải mái hơn, anh ít phát bệnh hơn, tính tình cũng ngày càng dễ chịu hơn” - chị Vân kể bằng giọng phấn khởi.
Chưa dừng lại ở việc mất ngủ, có nhiều đêm hai vợ chồng đang ngủ, anh bật dậy gấp quần áo rồi một mực nằng nặc đòi về quê. Chị biết nếu ngăn cản sẽ khiến anh bực bội, khó chịu lại phát bệnh nên cứ mỗi lần như vậy, chị lại chuẩn bị hành lí rồi tiền để anh về. “Ban đầu cũng đi theo anh, nhưng sau này bụng mang dạ chửa nên anh đi thì để anh đi, còn tôi ở lại, dăm ba bữa anh lại về luôn mà”.
Có một lần anh về, bị kẻ xấu móc hết tiền dành dụm chắt chiu chị đưa cho anh, nhưng cũng chả dám than trách hay giận dỗi gì anh, vì chị biết làm như vậy lại gây áp lực khiến anh suy nghĩ thêm bệnh hơn. Lần nào ở quê lên anh Hội cũng mang theo cây ớt, cây chanh để trồng sau vườn rồi chăm chút chúng.
Tháng 9/1979, chị Vân sinh con đầu lòng. Từ khi có con, anh ý thức hơn về trách nhiệm với gia đình nhỏ bé của mình. Nhiều đêm anh thức trắng đi mò cua, bắt ếch, ngày thì đi bắn chim về bán kiếm tiền giúp vợ nuôi con. “Thương anh nhưng không dám nói, khi anh sạc đèn pin để tối ra đồng, tôi bèn cắm ngược để điện không vào. Anh tức lắm, nhưng tôi bảo thôi đêm nay ở nhà với con cũng được thì anh mới thôi” - chị Vân rưng rưng nước mắt kể lại những tháng ngày khốn khó.
Khi tổ ấm của họ có thêm 3 thành viên tí hon thì bệnh “điên” của anh đã khỏi hẳn. Anh xin điều trị ngoại trú để đỡ đần vợ con. Anh chăm chỉ làm ăn cùng vợ, hai vợ chồng làm đủ mọi nghề để có thể nuôi và lo cho con cuộc sống đầy đủ. Anh chị cũng chuyển ra mua đất, xây nhà. Điều đáng nói là anh Hội đã có được một giấc ngủ bình thường như bao người khác, những hành xử bất thường cũng ít dần đi…
Chia sẻ về bí quyết để giúp anh Hội lành bệnh và xây dựng gia đình chu đáo, chị Vân chỉ nói ngắn gọn: “Tôi chỉ biết cố gắng nhường nhịn anh thôi, không làm anh buồn, anh giận, suy nghĩ, cũng không tạo áp lực gì cho anh ấy cả. Con cái luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong nhà. Nhưng tất cả vẫn là sự nỗ lực chiến thắng bệnh tật từ bản thân anh ấy”.
Sau bao năm vất vả, nỗ lực chiến thắng bệnh tật, anh Hội “điên” ngày ấy giờ đã là Chủ tịch Hội đồng Thương binh của thị trấn Ba Sao, một người ông, người cha, người chồng mẫu mực, chủ một tiệm tạp hóa lớn. Anh nói có được như ngày hôm nay nhờ tình yêu lớn của vợ con, gia đình. Và câu chuyện về anh Hội – chị Vân nơi phố núi Ba Sao mãi là câu chuyện tình cổ tích đáng ngưỡng mộ.