Chuyện tình “em yêu chị” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(PLO) - Anh bất ngờ tỏ tình trịnh trọng theo “cách” của Trưởng lớp chính trị và chị đón nhận với những lời nghiêm túc: “Tôi tán thành ý kiến của anh”. Anh kém chị 8 tuổi nhưng tình yêu mãnh liệt đã tiếp thêm sức mạnh để họ vượt mọi nguy nan trong chiến tranh khốc liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chiến sỹ Điện Biên, rồi sum họp trong hạnh phúc vô bờ…

Ảnh cưới của ông bà Nguyễn Văn Vượng -Nguyễn Thị Ngọc Bích .
Ảnh cưới của ông bà Nguyễn Văn Vượng -Nguyễn Thị Ngọc Bích . 
Được xem là Natasa và Ivanốp của Việt Nam, vợ chồng cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Bích và cụ ông Nguyễn Văn Vượng ở Tây Hồ (Hà Nội) quen nhau trong kháng chiến và cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ khác nhau vì bảo vệ bí mật, thậm chí thư từ cũng không dám viết địa chỉ của nhau.
Vượt mọi rào cản để cưới “chị”
Cho tới bây giờ, hơn 60 năm đã trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Vượng vẫn nhớ như in “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cùng là thanh niên Hà Nội đi kháng chiến, họ quen nhau tại lớp học chính trị 24 ngày ở Thái Nguyên do ông làm lớp trưởng. Gần tới ngày kết thúc khóa học, chàng trai nói rất “trịnh trọng”: “Chị Bích chờ tôi có chút việc”. Và rồi lời tỏ tình cũng “nghiêm túc” không kém: “Trong học tập, tôi thấy chị có nhiều điểm đáng mến nên tôi muốn đặt vấn đề tìm hiểu, chị thấy thế nào?”. 
Cô gái đáp lời: “Vâng, tôi thấy anh cũng có nhiều điểm mến. Tôi tán thành ý kiến của anh”. Thế rồi, ngày “tình yêu” ấy, máy bay quần đảo khắp đơn vị, hai người mãi tới khuya mới chong đèn dầu giữa bàn để tâm sự, tìm hiểu về gia đình nhau.
Mãi sau này, cô gái mới tâm sự thật lòng, thực ra ngay lần đầu tiên gặp chàng trai đồng hương Hà Nội, cô đã thấy tình yêu sét đánh, cô thầm nhủ: “Một nửa của mình đây rồi. Mình sẽ kiên quyết bên anh và bảo vệ tình yêu này”. Thế nhưng, ngay sau đó tình yêu của hai người gặp cản trở từ gia đình cô gái. Bởi cô hơn chàng trai tận… 8 tuổi nên ngay lập tức, anh trai cô đã tới “nói chuyện” không cho hai người tiếp tục tìm hiểu nữa. Tuy nhiên, anh Vượng khi ấy dù mới ngoài 20 tuổi đã khẳng định rằng tình yêu không phụ thuộc vào tuổi tác.
Trên đường ra trận, hai người xác định bao giờ hòa bình mới làm đám cưới, nhưng lãnh đạo hai cơ quan đều khuyên họ nên làm lễ thành hôn. Trước khi cưới nhau một tháng, xem bộ phim Xô Viết “Công phá Béc-lin”, họ như gặp chính mình ở đó. Tình yêu đang ở độ thắm, I-va-nốp và Na-ta-sa đã phải chia xa, tham gia cùng đoàn quân Xô Viết đánh phát xít Đức. Một là y tá, một là chiến sĩ bộ binh, cả hai tâm nguyện cùng dành tâm huyết cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng…
Thế là ngày 3/3/1953, một hôn lễ đơn giản, thanh bạch thời chiến đã được tổ chức để hai người nên duyên chồng vợ. Ngày ấy, chàng trai đã phát biểu trong lễ cưới của mình rằng: “Tình yêu là ngọn lửa hồng. Chúng tôi sẽ dùng ngọn lửa hồng ấy nâng cao lòng yêu nước, đun sôi chí căm thù…”.
Hai người nghỉ phép 10 ngày, nhưng đến ngày thứ 6 ông được triệu tập lên cơ quan và hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ. Ông bà chia tay và hẹn gặp lại giống như chàng trai I-va-nốp và cô gái Na-ta-sa…
Ông cùng đoàn cán bộ hành quân sang nước bạn Trung Quốc học, rồi về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình của Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Khi ông đi vài tuần, bà cũng theo học lớp y tá phục vụ cho nhiệm vụ đánh lớn. Tháng 11/1953, tốt nghiệp lớp đào tạo y tá, bà được điều về Đội điều trị 2 thuộc Cục Quân y. 
Do phải tuyệt đối giữ bí mật nên họ viết thư cho nhau cũng không nói rõ đang ở đâu. Trên đường ra trận, bà Bích hỏi dò thì biết chồng mình ở một đơn vị pháo cao xạ, nhưng cũng không rõ anh chiến đấu ở mặt trận nào…
Động lực cho những chiến công
Bước vào chiến dịch, Đội Điều trị 2 của bà Bích hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên mất hơn một tháng ròng rã. Đơn vị bà Bích chỉ cách trận địa vài trăm mét, cứu chữa thương binh tại hỏa tuyến. Những thương binh nặng nhất thuộc phần trách nhiệm của tiểu đội bà... 
Người vợ trẻ dồn nỗi nhớ thương chồng vào việc chăm sóc, cấp cứu thương, bệnh binh. Bà cứ nghĩ chồng mình nếu tham gia chiến dịch thì chuyện thương vong là lẽ thường nên bà đã chăm sóc anh em thương binh giống như đang chăm sóc chồng vậy. 
Chứng kiến cảnh anh em được đưa về đội, người mất chân tay, người thủng ngực, người chấn thương sọ não nặng, tim bà lại quặn đau. Có đồng chí bị thương ở ngực, sau khi gắp đạn ra vẫn bị khó thở, không thể nằm ngủ được, mấy chị em quân y phải ngồi trên sàn nứa cho chiến sĩ ấy ngồi dựa lưng… 
Nhiều thương binh không tự di chuyển được, bà và đồng đội phải đi cắt ống tre để thay bô cho anh em. Có lần, một thương binh bị thương cả hai tay nhờ một cô dân công cho anh đi tiểu. Khổ nỗi, cô dân công ấy trẻ quá nên xấu hổ, lật đật mãi mà không giúp được anh thương binh... 
Lúc ấy, bà Bích đến giúp anh và động viên cô dân công: “Em cứ nghĩ anh ấy như anh ruột mình, giờ không tự chăm sóc được bản thân thì mình chăm sóc, đừng ngượng”.
Bà đã được Đội điều trị số 2 và anh em thương binh bầu là Chiến sĩ thi đua và ngày 1/5/1954 được Bộ Tổng tư lệnh tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tháng 7/1954, ông Vượng ở đơn vị, ba lô đã sẵn sàng trên vai chuẩn bị đi công tác thì được tin tổ chức tạo điều kiện cho về gặp vợ đang đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Tổng cục Cung cấp. Sau đại hội, hai người được về thăm nhà. Về quê trong những ngày đầu hòa bình lập lại, niềm vui chung và tình cảm riêng như được nhân lên bội phần. Họ lại như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ mới… 
Đại gia đình ông bà và con, cháu chắt thành đạt.
 Đại gia đình ông bà và con, cháu chắt thành đạt. 
Ông Vượng về hưu năm 1991 khi đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với 44 năm tuổi quân. Tháng 3/2009, tại một hội nghị điển hình toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ông lại “lập chiến công” khi được tôn vinh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu. Ông đã góp phần đòi lại cho Nhà nước gần 3.000m2 đất tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị giao cho tư nhân sử dụng trái phép. 
Giờ đây ở tuổi 84, sức khỏe đã yếu nhiều, người vợ thân yêu đã không còn bên ông theo lẽ thường của tự nhiên, nhưng ông vẫn luôn kể về bà với tất cả thương yêu và niềm tự hào về tình yêu vẹn nguyên, như chuyện mới hôm qua…

Đọc thêm