Chuyện tình lãng mạn khiến 9x cũng phải ngưỡng mộ của vợ chồng U80

(PLO) -Trong cái nắng vàng sánh và hối hả của những ngày giữa tháng 7, nhắc đến những câu chuyện tình già lãng mạn, một người đất Sơn Công quả quyết với tôi rằng, hiện ở trong vùng, hễ ai có dịp tiếp xúc dù chỉ một lần cũng đủ để mỉm cười với hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng tuổi xế chiều. Họ lãng mạn, yêu hay giận nhau đều thể hiện bằng thơ ca. 
Mỗi ngày, ông đều dành thời gian sáng tác thơ tặng bà.
Mỗi ngày, ông đều dành thời gian sáng tác thơ tặng bà.

Giữa nhịp sống hối hả thời hiện đại này, họ đã cùng nhau tạo nên một chuyện tình phu thê đầy chất nghệ sỹ. Đó là câu chuyện tình đầy chất thơ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ của ông Nguyễn Thanh Quang và bà Cao Thị Xem (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Yêu nhau từ những vần thơ

Cách trung tâm Hà Nội 40km, ven theo con sông Đáy hiền hòa, bước qua cổng làng Chùa cổ kính, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của đôi vợ chồng “thi sĩ” này. Đã bước sang tuổi 80 nhưng ông bà vẫn hạnh phúc mặn nồng với nhau nhờ những vần thơ, từ lúc quen, lúc yêu nhau và cho đến tận bây giờ.

Trong căn bếp, bà Xem đang cặm cụi nấu bữa cơm trưa cho chồng. Biết khách tới, bà mời chúng tôi lên nhà. Trên nhà, ông Quang ngồi viết lách vào cuốn sổ nhỏ rồi ngâm nga: “Tặng người thiếu nữ xinh tươi/Năm nay vừa đúng 20 tuổi tròn/ Khiến cho lòng ai yêu càng thêm ngây ngất/ Ngất ngây lòng ai đẹp bốn mùa”. Vừa dứt lời thơ, bà nhìn ông, trong ánh mắt dâng lên niềm hạnh phúc, rồi gọi nhỏ nhẹ “ông nội ơi, khách tới thăm nhà mình”. 

Vậy là chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi được nghe thơ tình của ông ngay từ những giây phút đầu tiếp xúc khiến cho câu chuyện về sau càng trở nên gần gũi, thân mật hơn. Ông Quang bảo rằng, ông bà yêu nhau qua những vần thơ.

Nhìn bà với ánh mắt đầy trìu mến, ông Quang hóm hỉnh: “Ngày còn trẻ, bà ấy xinh đẹp nhất nhì làng với nước da trắng, miệng cười duyên dáng. Chúng tôi quen nhau trong đội thanh niên, văn nghệ của làng. Một chiều tình cờ tôi chở bà về nhà, ngại ngùng chẳng nói với nhau được câu nào, bà lẳng lặng ngồi phía sau xe.

Rồi còn nhiều, nhiều những buổi chiều như thế. Yêu thầm bà, tôi làm một bài thơ tình “Gửi người con gái tuổi 20” để tặng bà ấy. Và may mắn khi nghe những vần thơ giãi bày tình cảm chân thành ấy, bà đã nguyện cùng tôi viết nên những trang thơ hạnh phúc tiếp theo”.

 Ông Quang bảo, bản thân ông nghèo, cầu hôn bà chẳng nhẫn vàng, chẳng sính lễ cao sang. Ngày cầu hôn, ông chỉ vỏn vẹn câu nói: “Tôi có sức khỏe, có tình yêu, bà có thương tôi thì ưng thuận về cùng tôi”.

Và thế, chỉ mỗi buồng cau ông bà đã bền duyên nhau đến gần trăm tuổi. Niềm vui của đôi vợ chồng càng trọn vẹn hơn khi bảy người con lần lượt ra đời. Giai đoạn túng thiếu những năm chiến tranh, cái ăn phải chật vật lo từng chút, nhưng các con đều được ông bà chăm lo học hành tử tế. “Cuộc sống đói túng, phải làm đủ nghề từ: thợ mộc, đan lát... nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không cho đứa nào nghỉ học”, bà kể lại.

Bất cứ công việc gì, ông bà cũng luôn làm cùng nhau
Bất cứ công việc gì, ông bà cũng luôn làm cùng nhau

Vẹn tình, trọn nghĩa qua 200 bài thơ

Hạnh phúc, có người bảo, cứ nhiều tiền là mua được, có quyền là ra lệnh được. Ấy thế nhưng, trong cuộc đời không hiếm người quyền cao vọng trọng, tiền bạc chẳng biết tiêu vào đâu cho hết, nhưng lại phải bi lụy, rơi nước mắt, bất lực vì nhận ra sự giả dối hàng ngày ở kề bên. Cái giả dối ấy nó đến với chính những người giả dối, không có tình yêu đích thực, ngay từ ban đầu họ đã lợi dụng nhau. 

Những thứ làm họ mờ mắt chính là tiền bạc, là chức tước, địa vị xã hội. Và suốt cuộc đời họ là kẻ nô lệ cho những thứ phù du đó. Còn với vợ chồng ông bà, hạnh phúc chỉ giản đơn là biết yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh. Những năm tháng xưa, nhà nghèo, đói khổ vợ chồng ông vẫn yêu thương, trân trọng nhau mỗi ngày. Ngay như bây giờ, ông bị lãng tai, sức khỏe yếu, trở trời hay đau ốm nhưng với bà, ông vẫn là người đàn ông hào hoa và tử tế nhất.

Cái chất “nghệ sĩ làng” hồn hậu không bị cơ chế thị trường pha trộn, khiến câu chuyện ông bà kể trở nên hồn nhiên, đáng yêu, sâu sắc và cảm phục. Nhìn cách chăm chồng nhẹ nhàng, tận tụy, hết mình của bà mới thấu hiểu hết tình cảm họ cho nhau, giống như tình cảm của đôi lứa mới yêu đầy sức mãnh liệt. Nhắc chuyện này bà bảo, nhờ có thơ mà họ hiểu được lòng nhau lúc giận hờn, khi bực tức để rồi càng ngọt ngào hơn trong hạnh phúc lứa đôi.

 “Người xưa thường nói “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Như vậy, người ta có thể nên duyên vợ chồng của nhau đều là nhờ duyên phận mà đến”, bà Xem cười bảo.

Ở cái tuổi mắt đã mờ, tay đã yếu nhưng bà vẫn ân cần chăm cho ông từng muỗng cơm, ly nước. Đôi khi, người dân trong xóm không khỏi xuýt xoa khi bắt gặp ông bà nắm tay nhau chậm rãi từng bước. Có lúc chỉ là tản bộ trước sân, có khi là đi quanh cổng làng nhưng nhìn cách ông bà chăm sóc nhau mới thấy hết cái tình cái nghĩa vợ chồng. Hàng ngày, ông bà giao tiếp với nhau bằng thơ.

Hơn 50 năm chung sống nhưng họ chưa từng cãi vã, to tiếng với nhau dù chỉ một lời. Có chăng đâu đó, chỉ phảng phất nỗi giận hờn qua những vần thơ, để rồi tất thảy chúng cũng dần qua đi. “Vui chung hưởng, khó sẻ cùng/Cùng nhau thực hiện vì ta vì người/ Hoa xuân ngan ngát hương đời/Xuân sau chắc hẳn hơn mười xuân nay” – ông Quang mượn thơ đúc kết.

Và ngay cả với con cái, ông bà cũng chỉ bảo nhẹ nhàng, không mắng chửi, gửi gắm hết mong mỏi đến con qua những vần thơ. “Con ơi, đã trưởng thành rồi/ Sống cho xứng đáng kẻo người cười chê/ Giấy rách phải giữ lấy lề/ Chưa giàu ta chớ vội chê người nghèo” (Trích trong “Mấy lời khuyên con”). Mỗi tối, ông thường đọc thơ tặng bà, có khi bà phụ ông chép thơ. Cứ như vậy, cuộc tình của họ với những thăng trầm gói gọn trong gần 200 bài thơ ông làm mà bà đều cẩn thận chép lại vào những cuốn sổ dày, bà giữ gìn nó như báu vật.

“Làm thơ đối với chúng tôi trở thành một phần máu thịt. Những vần thơ được cất lên thời mưa bom lửa đạn hay cuộc sống yên bình, dù là thơ về tình yêu hay cuộc sống thì đều là hồn, là cốt của người dân làng Chùa. Tôi nói vậy, bởi làng Chùa vốn là ngôi làng đặc biệt. Truyền thống yêu thơ và làm thơ ở làng đã có từ hàng trăm năm, tới khi 59 tuổi, tôi bắt đầu ra nhập Câu lạc bộ thơ của làng và đóng góp nhiều bài thơ trong đó”, ông Quang chia sẻ.

Vào thời hiện đại, thế hệ trẻ dường như bị cuốn vào những vòng xoáy của công việc, của mối quan hệ mới ngoài xã hội. Điều này khiến chúng ta đôi khi quên đi sự gắn kết ngay chính tại gia đình của mình, quên đi trách nhiệm mà ta cần làm đối với những người thân yêu.

Có tận mắt tiếp xúc, được nghe những vần thơ thân quen, mộc mạc, giản dị như chính cuộc sống hàng ngày của vợ chồng ông Quang, tôi mới thấy hết cái dư vị ngọt ngào của cuộc sống. Chẳng cần nhiều lời hứa hẹn, chẳng cần nhiều vật chất, chỉ vỏn vẹn buồng cau cùng những “tiếng thơ”  đã giữ trọn cái tình trăm năm.

Đọc thêm