Chuyện tình như mơ của đôi vợ chồng khuyết tật bán vé số

(PLO) - Hàng ngày, cứ bắt đầu từ 5 giờ sáng, trên chiếc xe lăn đã gỉ, đôi vợ chồng khuyết tật ấy lại bắt đầu một ngày mới với xấp vé số trên tay. Cả hai luôn nở nụ cười, đon đả mời khách trên những nẻo đường, góc phố Kon Tum… 
Hạnh phúc của gia đình nhỏ.
Hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Đôi vợ chồng bất hạnh ngay từ nhỏ bởi đôi chân tật nguyền của người chồng, chứng lùn bẩm sinh của cô vợ song họ đã đến với nhau, vượt qua số phận bằng nghị lực không gì ngăn bước.

Vượt qua bất hạnh nhờ tình yêu chắp cánh

Men theo con đường vào thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, sâu trong con hẻm là hình ảnh một ngôi nhà nhỏ, sạch sẽ, khang trang với những đồ dùng thô sơ cùng với bầu không khí bình yên, thân thương đến lạ của đôi vợ chồng khuyết tật trẻ tuổi. Đó là anh Thái Trần Đăng và vợ là chị Trần Thị Chanh, cùng sinh năm 1990.

Nhìn đôi vợ chồng trẻ không rời bước bên nhau, len lỏi qua những tán cây xanh trên những con đường vòng quanh bên những quán cà phê, quán nhậu hay quán phở trên phố núi Kon Tum, ít ai biết rằng họ đã phải vượt qua những thử thách để đến với bến đỗ hạnh phúc. Anh Đăng lớn lên với đôi chân tật nguyền do chứng teo cơ từ lúc mới sinh ra, chị Chanh kém may khi sinh ra với một cơ thể lùn bẩm sinh, dị dạng. 

Vợ chồng họ gặp nhau khi hai người cùng theo đoàn từ thiện đi hát cho chương trình “Trái tim cho em” tại các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội... Khi đó, cả hai đều 26 tuổi. Hai năm yêu nhau, họ gặp không ít trở ngại, bởi hai bên gia đình lo sợ hai người sẽ không thể tự kiếm sống, rồi lỡ sinh con ra cũng không được lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng cặp đôi đã không từ bỏ ý định, họ đã vượt hàng trăm cây số để được gặp nhau. Một ngày, anh Đăng quyết định từ Kon Tum anh một mình vượt hơn 1.000 cây số để đi ra tận Ninh Bình hỏi vợ cho mình, khi trong tay không tiền, không chút sính lễ. Vậy là tình yêu đích thực đã giúp họ vượt qua tất cả.

Đám cưới thật giản đơn, bình dị. Rước dâu trên chiếc xe lăn, anh “dắt” vợ về trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con hàng xóm. Sau ngày cưới, anh chị sống với nhau rất hạnh phúc, đầm ấm, họ bỏ qua tất cả những lời đàm tiếu và dị nghị của người đời. Một năm sau, hai vợ chồng đón thành viên mới là cậu con trai kháu khỉnh, khôi ngô, bé Thái Trần Khôi Nguyên, sinh năm 2012. 

Khoản thu nhập bình quân khoảng 100.000 đồng/ngày từ tiền bán vé số đủ để vợ chồng trang trải với cuộc sống vốn đã eo hẹp của mình. Năm 2014, vợ chồng anh  quyết định ra thuê nhà ở riêng.

Theo anh Đăng, vợ chồng anh không muốn tạo thêm gánh nặng cho cha mẹ, anh muốn tự lập để khẳng định chính mình “tàn nhưng không phế”. Khi ra ở riêng, cuộc sống cực kì khó khăn, cơm áo, gạo tiền ngày càng đè nặng lên đôi vai vốn dĩ còm cõi, yếu ớt của vợ chồng anh. Nhiều lúc anh tưởng chừng như không thể vực dậy, vợ vốn ốm yếu nay trông ngày một tái nhợt, xanh xao làm cho anh không thể kìm nỗi lòng bởi cảnh nước mắt chan cơm!. Thế nhưng, tất cả đã qua đi khi trong ngôi nhà nhỏ có “hai trái tim vàng”.

Họ đã tự động viên nhau vươn lên, trao cho nhau những tình cảm đặc biệt, tình yêu son sắt. Vì vậy, bà con hàng xóm ai cũng yêu mến vợ chồng anh. Năm 2016, anh chị được Ngân hàng Viettin Bank Kon Tum hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với sự giúp sức, góp công của hàng xóm, của anh chị em, vợ chồng anh đã có một ngôi nhà nhỏ tại xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum yên bình. 

Hạnh phúc tròn đầy trong ngôi nhà nhỏ

Sau những giờ làm việc vất vả, ngôi nhà nhỏ rộng khoảng chừng 100 mét vuông nằm trong con ngõ nhỏ tại thôn 3, xã Đăk Cấm luôn rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô, tiếng đọc chữ cái trầm trồ của cậu bé 5 tuổi. Hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ như được nhân đôi khi cậu con trai khôi ngô, khỏe mạnh, lành lặn và rất thông minh. Không chỉ là cô bán vé số chăm chỉ, vui vẻ, chị Chanh còn là người vợ đảm đang. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, chị luôn chỉn chu chăm bẵm việc nhà, chuẩn bị cho gia đình những bữa cơm tươm tất. Nhờ sự đồng cảm và gắn bó đó, bữa cơm gia đình của anh chị dù đạm bạc mà vẫn luôn đầy ắp tiếng cười, ấm áp yêu thương. 

Khi được hỏi về chuyện tình cảm vợ chồng, anh Đăng tươi cười, mãn nguyện: “Tôi rất cảm ơn trời Phật đã cho tôi được gặp Chanh, cho tôi được sống trong những giây phút hạnh phúc mà tưởng chừng như không thể. Tôi luôn tạo nguồn vui, sự thích thú cho cô ấy, bởi tôi rất hiểu cuộc sống xa quê lại phải chịu sự tật nguyền bất hạnh của vợ. Đặc biệt là chúng tôi đã có với nhau giọt máu chung. Với tôi, đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mình”.

Bà Nguyễn Thị Xuân - mẹ ruột chị Chanh chia sẻ: “Khi biết con gái có bầu, tôi đã chuyển hẳn vào ở chung với vợ chồng con để tiện chăm con, chăm cháu. Năm năm trời chung mái nhà với chúng nó nhưng tôi chưa bao giờ nghe một tiếng nặng nhẹ của hai vợ chồng, chúng nó yêu thương nhau, tôn trọng nhau lắm nên tôi rất mãn nguyện”.

Bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum cho biết: “Đây là một trong số những cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất trên địa bàn xã. Bản thân tôi cũng thấy rõ được sự nỗ lực, chịu khó và đặc biệt là  sự yêu thương nhau của vợ chồng cháu Đăng. Hy vọng rằng hai cháu sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và mãi hạnh phúc để trở thành tấm gương sáng cho mọi người trong xã học tập và noi theo”.

Hạnh phúc luôn bắt nguồn từ những điều giản đơn. Vợ chồng anh Đăng, chị Chanh là những bông hoa thắm, ngát hương trong khu vườn hạnh phúc; là sức mạnh, là nguồn động lực, là điểm tựa giúp người khuyết tật phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội. 

Đọc thêm