Với mẫu người yêu mạo hiểm như Marita Lorenz, cố lãnh tụ Cuba-Fidel trong dáng vẻ cao lớn, anh tuấn đã lọt vào mắt xanh và trở thành người tình của bà.
Và trong bối cảnh thời Chiến tranh lạnh, bà được người Mỹ chiêu mộ thành một gián điệp, một sát thủ hẳn hoi, những tin tức này đã được tờ Sunday People tiết lộ mới đây. Một điệp viên CIA đã lợi dụng hoàn cảnh của Marita để trao cho bà một thứ công việc mà họ nói rằng đó là cách giải thoát bà khỏi “một bạo chúa”.
Tình yêu sét đánh
Marita Lorenz nhớ lại những tháng ngày xưa ấy trong quyển sách mới nhất do chính tay bà chấp bút, mang tựa đề “Người điệp viên yêu Castro” – và giờ đây nó đang là tâm điểm của một bộ phim sắp công chiếu do nữ diễn viên tài danh Hollywood Jennifer Lawrence thủ vai nữ chính.
Nữ tác giả Marita viết: “Ông ta (điệp viên CIA) mở một cái hộp, bên trong có 2 viên thuốc, và nói ngắn gọn: “Cô lấy nó đi, nó sẽ làm thay đổi lịch sử”. Họ (CIA) đã trao tôi những thứ vũ khí để biến bản thân tôi thành một “thích khách”.
Nó đã đánh dấu cuộc đời tôi cũng như tự đánh dấu chính bản thân lịch sử. Tôi không quan tâm việc Fidel là phần còn lại của thế giới, hay về lĩnh vực chính trị. Tôi chỉ luôn quan tâm tới anh ấy, người đàn ông trong đời tôi. Tôi ngờ vực hỏi người đàn ông: “Tại sao tôi phải làm vậy?”. “Cô đã biết, ông ta đã phá hỏng đời cô”, người đàn ông đó đáp”.
Fidel Castro đọc một bài báo về âm mưu ám sát ông |
Marita Lorenz tình cờ gặp Fidel Castro lần đầu tiên, ngày 2/2/1959 ngay trên boong chiếc tàu du lịch do chính cha cô – ông Heinrich Lorenz, một người Đức – làm thuyền trưởng. Khi tàu cập cảng ở thủ đô Havana (Cuba), Castro sửa soạn để lên đất liền, quây bọc quanh ông là khoảng 25 người đàn ông được trang bị vũ trang. Marita cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Cuba trên cầu tàu.
Bà Marita xúc động nhớ lại: “Tôi chẳng thể nào quên thời khắc đó, một gương mặt bảnh trai, nam tính, nụ cười quyến rũ chết người. Anh ấy (Fidel) tự giới thiệu bằng tiếng Anh: “Tôi là bác sĩ Castro, Fidel. Tôi là người Cuba”.
Tôi giới thiệu con tàu cho Fidel. Tay Fidel chạm vào tay tôi, tôi có cảm giác như có một luồng điện mạnh từ anh ấy truyền khắp cơ thể tôi. Tôi chỉ cho anh khoang ngủ của tôi. Tôi mở cửa, anh ấy nắm tay tôi trong bàn tay chắc nịch và đẩy tôi vào bên trong. Không có nghi lễ nào, anh ấy ôm chầm lấy tôi và hôn tôi say đắm. Tôi như rơi vào trong mật ngọt tình yêu”.
Sau một thời thơ ấu khốn khổ, Marita Lorenz quyết định tự mình đi tìm cuộc sống mới. Lớn lên trong thời Đại chiến thế giới thứ hai, Marita và mẹ đẻ người gốc Mỹ-Alice đã bị quân Đức Quốc Xã bắt giam ngay trong tại tập trung Bergen-Belsen (miền Bắc nước Đức). May sao hai mẹ con vẫn còn sống sót, nhưng cha mẹ lại ly dị chỉ vài năm sau đó.
Khi Marita tới sống với Fidel Castro ở Cuba vào tháng 3/1959, lúc đó bà đang là một nữ sinh 19 tuổi, còn Fidel ở tuổi 32. Họ đã yêu nhau ngay trong cái ngày con tàu du lịch cập cảng. “Khi đó, tôi cảm giác mình như nữ hoàng”.
Nữ minh tinh màn bạc Hollywood-Jennifer Lawrence sẽ thủ vai Marita Lorenz trong một bộ phim diễn tả lại cuộc đời bà |
Fidel Castro và người đồng chí cách mạng Che Guevara đã lật đổ chế độ độc tài của Fulgencio Batista (1901-1973). Cuộc cách mạng đã kết thúc chỉ một tháng trước khi Marita Lorenz đặt chân lên bến cảng Havana.
Âm mưu ám sát bất thành
Marita kể lại trong sách: “Khoảng tháng 5/1959, tôi khám phá ra rằng mình mang thai. Khi tôi nói với Fidel về tin mừng này, ông ấy mở to mắt và trở nên trầm tư”. Rồi một ngày sau đó ngay trong mùa thu năm 1959, trong thời kỳ thai nghén mạnh, Marita đã uống một ly sữa mà sau đó bà nhận ra rằng có cái gì đó hơi khác thường.
Marita rầu rĩ nhớ lại: “Tôi cảm thấy người lừ đừ, mê man. Tai tôi vang lên các giọng nói. Tôi mang máng nhớ ra rằng mình nằm trên một cái cáng và nước mắt đầm đìa – tôi nhớ mình đã khóc rấm rức. Theo một số câu chuyện mà sau đó tôi nghe được, thì tôi là đề tài của việc phá thai, những người khác nói rằng đứa bé đã bị lấy cắp. Tôi không biết đích xác rằng chuyện gì đã xảy ra”.
Mật vụ Mỹ nhanh chóng “đánh hơi” chuyện buồn của Marita và bà nhanh chóng được mời đến một khách sạn bởi Frank Fiorini, người điều hành mạng lưới điệp viên CIA ở Cuba. Fiorini nói với Marita: “Chúng tôi biết bà là bạn gái của ông Fidel. Nếu bà cần ai đó giúp đỡ, thì chúng tôi có thể giúp một tay. Chúng tôi sẽ đưa bà đi khỏi đây. Tôi là người Mỹ”.
Bà Marita nhớ lại: “Cả CIA và FBI đều muốn moi thông tin về Fidel. Tôi bắt đầu mang tài liệu về Fidel cho người Mỹ. Fiorini cũng hỏi tôi về các phương án hành động của Fidel”. Rồi thì bà Marita đến Mỹ để điều trị y tế khẩn cấp, tin rằng mật vụ Mỹ cũng theo dõi mọi đường đi nước bước của mình. Marita tuyên bố chính CIA đã bí mật đưa thuốc cho bà nhằm “tẩy não tôi, CIA muốn lạm dụng thể chất yếu ớt của tôi để phục vụ cho các kế hoạch tình báo của họ”.
Năm 32 tuổi, Fidel Castro đã yêu say đắm cô thiếu nữ Marita Lorenz |
Vô tình Marita trở thành “món quà đắt giá” của mật vụ Mỹ và những người Cuba sống lưu vong ở Mỹ chống Castro. Bị tổn thương tình cảm, lòng tràn đầy thù hận, giận dữ, năm 1960, Marita Lorenz tham gia một âm mưu của CIA nhằm chống lại Fidel. CIA lập mưu thủ tiêu Fidel Castro: Năm 1961, họ thuyết phục Marita về kế hoạch này.
Bà Marita nhớ lại: “Họ thuyết phục tôi sử dụng 2 viên thuốc độc, một kế hoạch ám sát mà họ nói là nó “thích hợp cho một phụ nữ”. Nhiệm vụ mà họ giao cho tôi là cố gắng cho viên thuốc độc vào trong thức ăn hay đồ uống của Fidel. Tôi hết sức lo lắng vì có thể bị lục soát lúc quay trở lại Cuba, sợ bị phát giác viên thuốc độc, vì thế để qua mặt lực lượng an ninh Cuba, tôi đã để viên thuốc đó trong lọ kem dưỡng da. Người Cuba không tìm ra viên thuốc, song nó cũng đã hòa tan vào trong kem dưỡng da rồi”.
Bà Marita với người cha Đức, là thuyền trưởng tàu du lịch |
Khi Marita gặp Fidel Castro cũng là lúc nhà lãnh tụ ngờ hiểu bà quay lại Cuba để ám toán ông. Fidel còn trao cho Marita một cơ hội khác để “ám sát” mình. Bà Marita bồi hồi nhớ lại: “Ông ấy lấy khẩu súng ra khỏi bao da và đưa nó cho tôi. Tôi nhặt khẩu súng, ngó nó và chĩa súng về phía ông. Fidel nhắm mắt và nói: “Không ai giết hại tôi. Không ai có thể. Không bao giờ”. Fidel đúng. Tôi không thể mưu hại ông ấy. Tôi quẳng khẩu súng xuống đất. Dù rất giận, song tôi rất yêu Fidel”…/.