Nhạc sĩ đa tài
Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng (1930 - 1999), sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình có 4 anh chị em. Ông học đàn dương cầm từ nhỏ. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học ngành y theo ý muốn của cha mình. Nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học để theo âm nhạc.
Năm 1948, Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay “Ô mê ly” trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban quân nhạc. Ông thường trình diễn nhạc phẩm này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát được đông đảo người nghe đón nhận và kể từ đó tên tuổi của ông được giới yêu nhạc chú ý.
Về sau, “Ô mê ly” còn nổi tiếng cùng tiếng hát của Ban Thăng Long, với giọng hát của danh ca Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Ca sĩ Ánh Tuyết cũng thường trình diễn nhạc phẩm này những năm thập niên 2000.
Trong sự nghiệp viết nhạc, nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác trên 60 ca khúc. Trong đó, có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: “Trăng sơn cước”, “Yêu”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Suối tóc”, “Mưa”, “Tiếng dương cầm”, “Giấc mộng viễn du”, “Tình”, “Bức họa đồng quê”…
Cố nhạc sĩ Văn Phụng là một người đa tài |
Tuy được xem như là một trong số các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển phương Tây nhưng Văn Phụng cũng viết những bản nhạc mang âm hưởng dân gian và sau này trở thành những bài hát nổi tiếng như: “Trăng sáng vườn chè” (phổ thơ Nguyễn Bính), “Các anh đi” (phổ thơ Hoàng Trung Thông), “Đêm buồn” (phổ ca dao), “Nhớ bến Đà Giang”…
Nhạc sĩ Văn Phụng còn hòa âm cho nhiều cuốn băng nổi tiếng và được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn khi đó.
Danh ca Phương Dung tiết lộ, bà từng nhiều lần làm việc với nhạc sĩ Văn Phụng. Trong mắt bà, Văn Phụng là một người hài hước nhưng khi đã làm việc thì vô cùng nghiêm túc.
Những khi ở phòng thu, nhạc sĩ Văn Phụng tập nhạc cho danh ca Phương Dung rất kỹ. Đoạn nào không hài lòng, ông bắt bà hát lại cho đạt mới thôi. Cũng chính bởi sự kỹ tính đó mà các sáng tác của Văn Phụng dù mang âm hưởng đồng quê, tiền chiến hay tango thì đều là những nhạc phẩm hoàn hảo, được trau chuốt một cách kỹ lưỡng.
Câu chuyện tình “huyền thoại”
Bên cạnh tài năng nghệ thuật, cố nhạc sĩ Văn Phụng còn được nhớ đến với chuyện tình yêu đẹp, đầy trắc trở với danh ca Châu Hà. Bà là người vợ thứ hai nhưng lại là mối tình đầu của ông.
Danh ca Châu Hà từng kể, ngày xưa, ở Hải Phòng, cha của Văn Phụng mướn nhà của cha bà. Một hôm, Văn Phụng đến thăm cha bà. Lúc đó, bà ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Văn Phụng nghe thấy tiếng đàn piano ở trên lầu mới tò mò bước lên cầu thang và đứng ở ngưỡng cửa.
Châu Hà đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa nên liền quay ra thì thấy một chàng trai không quen biết. Văn Phụng cúi đầu chào và tự giới thiệu: “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thầy ở dưới nhà nhưng nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn”.
Sau đó, khi thấy tóc Châu Hà dài chấm đất, Văn Phụng buột miệng nói: “Suối tóc!”. Rồi hỏi Châu Hà đang dạo bài gì mà nghe hay đến thế. Châu Hà trả lời là của Eddy Duchin thì Văn Phụng bảo: “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?”.
“Tôi bảo: “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng, tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh nhìn bản nhạc và đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này nhưng anh ấy đàn như mưa như gió, rất hay! Đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi”, danh ca Châu Hà từng kể.
Cũng trong phút giây gặp gỡ đó, nhạc sĩ Văn Phụng bị mất hồn bởi suối tóc tơ dài như nhung của người con gái lần đầu tiên gặp mặt. Và ông đã sáng tác ngay ca khúc mang tên “Suối tóc” để kỷ niệm cho lần gặp gỡ: “Anh muốn đưa em qua miền rừng núi xanh/ Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm/ Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền/ Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em…”.
Không những thế, lần gặp đầu tiên này còn được Văn Phụng ghi lại vào trong âm nhạc, với ca khúc “Tiếng dương cầm” bất hủ: “Đi mãi tìm ai yêu đàn/ Bước chân lạc nơi đây chốn nao/ Trên lầu ai kia cất cao/ Vang tiếng dương cầm thiết tha…”.
Vợ chồng nhạc sĩ Văn Phụng và danh ca Châu Hà. |
Nhắc đến mối tình Văn Phụng - Châu Hà, biên tập Minh Đức cho biết, ngày ấy, Văn Phụng và Châu Hà yêu nhau say đắm. Tuy nhiên, vì Văn Phụng là nhạc sĩ, mà gia đình Châu Hà không thích con gái yêu người theo nghề “xướng ca vô loài” nên ra sức ngăn cản.
Phẫn uất, Châu Hà vào Nam kết hôn, còn Văn Phụng cũng lấy một người con gái Hà Thành. Vợ ông cũng là người nổi tiếng đẹp người đẹp nết, rất được cha mẹ chồng thương quý. Đến khoảng đầu thập niên 1950, vợ chồng Văn Phụng đã có 2 người con gái.
Tuy nhiên, cuộc đời có những điều bất ngờ thật khó nói trước. Văn Phụng gặp lại Châu Hà tại miền Nam khi người xưa đã trở thành ca sĩ chuyên hát ở đài phát thanh và các phòng trà cùng thời với những Mộc Lan, Linh Sơn, Ánh Tuyết…
Tình xưa nghĩa cũ, cả hai không chỉ trở thành một đôi song ca ăn ý trong làng nhạc miền Nam thời ấy mà còn bất chấp những rào cản về gia đình, dư luận để đến với nhau. Và ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” đã ra đời trong hoàn cảnh đầy những bộn bề, trái ngang đó.
Lời bài hát là những tâm sự của người đàn ông khi đã có gia đình nhưng còn vương vấn tình xưa. “Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương/ Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài mà lòng thấy u hoài/ Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, hay những đường xa/ Thường thường hai đứa nắm tay nhau tươi cười, mắt say sưa thắm mộng đời...”.
Và rồi, vượt lên tất cả, Văn Phụng - Châu Hà đã đến với nhau. Kết tinh của tình yêu ấy là một bé gái xinh xắn mà danh ca Phương Dung từng gặp gỡ. “Tôi nhiều lần đi diễn cùng Văn Phụng - Châu Hà, thấy anh chị dắt theo một bé gái rất dễ thương. Văn Phụng yêu và chiều Châu Hà lắm. Anh chăm sóc chị từng li từng tí một, khiến người xung quanh ai cũng cảm phải ngưỡng mộ”, danh ca Phương Dung cho biết.
Danh ca Châu Hà từng chia sẻ, nhạc sĩ Văn Phụng là một người suốt đời mơ mộng. Ông thích khiêu vũ, đùa vui nghịch ngợm và thích ăn ngon nhưng không thích làm bếp. Ông thích ăn những món như đậu, phở và súp với thói quen luôn xịt thêm tương ớt và maggie.
“Và đặc biệt, anh thích để vợ hớt tóc ở nhà mà không bao giờ hớt ở tiệm. Đối với vợ con, anh luôn luôn chiều chuộng. Vợ con muốn gì, anh cũng làm liền, một cách rất chu đáo. Hoặc trong nhà có gì cần sửa chữa, anh đều tự tay làm lấy”, danh ca Châu Hà từng thổ lộ.
Theo biên tập Minh Đức, vợ chồng nhạc sĩ Văn Phụng dù sống trong Nam nhưng vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn “tương kính như tân”, khiến ai gặp một lần cũng ngưỡng mộ.
“Khi đã lớn tuổi, Văn Phụng - Châu Hà vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn yêu thương và nâng cánh cho nhau suốt bao năm. Cả hai luôn dành những từ ngữ trân quý khi nói về nhau”, biên tập Minh Đức chia sẻ.