Ngôi làng không sinh được con trai
Nếu như ở nhiều nước châu Á, việc thừa nam thiếu nữ là một vấn đề vô cùng nan giải thì tại ngôi làng nhỏ Miejsce Odrzanskie ở miền Nam Ba Lan (gần biên giới Cộng hòa Séc) lại phải đối mặt với vấn đề ngược lại, đó chính là thừa nữ thiếu nam.
Ngôi làng Miejsce Odrzanskie có dân số khoảng 300 người chủ yếu là phụ nữ và người dân địa phương nói rằng chuyện này đã có từ xưa nay. Họ hầu hết là các thành viên thuộc đội cứu hỏa tự quản ở địa phương, lực lượng này cũng chủ yếu là phái yếu.
Ngôi làng này đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng giới tính” khi không có một gia đình nào trong làng sinh được con trai trong suốt 9 năm qua. Một điều kỳ lạ là cho đến nay, các chuyên gia vẫn không tìm được nguyên nhân vì sao các cặp vợ chồng ở ngôi làng miền Nam Ba Lan này chỉ sinh con gái.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với báo Ba Lan, Thị trưởng Rajmund Frischko đã tuyên bố rằng, khi xem xét sử sách và các giấy khai sinh cấp tại địa phương, anh xác nhận, người dân trong làng hiếm khi sinh con trai và tình trạng này đã diễn ra từ nhiều thập kỷ nay.
Ngôi làng Miejsce Odrzanskie |
“Chúng tôi đã xem xét kỹ mọi thứ, kể cả tất cả giấy khai sinh. Tôi cũng đã hỏi những cư dân lớn tuổi ở đây và họ cũng đã xác nhận. Đúng là có chuyện con gái liên tục được sinh ra và có ít con trai. Giải thích vấn đề này sẽ không dễ dàng”, Thị trưởng Rajmund Frischko chia sẻ.
Chính vì thế, Thị trưởng Rajmund Frischko, người hiện có 2 cô con gái, đã đề nghị trao thưởng lớn cho gia đình đầu tiên sinh được “quý tử” sau sự gia tăng đột biến bé gái này. Do đã 9 năm qua, không có bé trai nào trong làng chào đời và hiện cậu bé trai duy nhất ở đây đã 12 tuổi. Về giá trị phần thưởng trên, ngài thị Trưởng hứa hẹn đây sẽ “là một món quà vô cùng hấp dẫn” và giữ bí mật.
Trao đổi với báo giới, anh Tomasz Golasz, người sống tại làng và hiện là người đứng đầu đội lính cứu hỏa tình nguyện ở đây cho biết, đa phần đồng nghiệp của anh là phụ nữ và bản thân anh cũng muốn có một đứa con trai.
“Chuyện này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nay. Tôi đến làng từ rất lâu và cưới vợ là một cô gái địa phương sau đó sinh được 2 con gái. Tôi muốn có một cậu con trai nhưng có lẽ điều đó không khả thi. Những người hàng xóm cũng đều sinh con gái dù họ luôn ao ước và cố gắng có được một bé trai. Tôi không nghĩ phụ nữ ở ngôi làng này sinh được con trai”, anh Tomasz Golasz cho hay.
Tin tức về sự chênh lệch tỷ lệ giới tính bất thường ở ngôi làng Miejsce Odrzanskie bắt đầu lan truyền khắp Ba Lan trong tuần này và thu hút sự chú ý của Giáo sư Rafał Płoski, Trưởng khoa Di truyền y khoa thuộc Đại học Y Warsaw.
Ông Płoski tin giới khoa học cần phải đi sâu tìm hiểu về lịch sử, xem xét các số liệu thống kê sinh, phỏng vấn các gia đình, kiểm tra mối quan hệ di truyền giữa các cặp vợ chồng cũng như những điều kiện môi trường để tìm câu trả lời cho bí ẩn này.
Ông nói thêm: “Sau đó, ta phải kiểm tra xem bố mẹ của những đứa bé gái ở đây có quan hệ họ hàng gì với nhau không, kể cả là họ hàng xa. Bước tiếp theo, ta phải thực hiện một cuộc phỏng vấn với những cư dân ở đây, cũng như là kiểm tra môi trường. Chỉ có vậy ta mới có thể tìm được thêm bằng chứng”.
Hơn 200 đứa trẻ, không có bé gái nào
Những điều kỳ lạ vẫn luôn xảy ra xung quanh chúng ta. Nếu như ngôi làng Miejsce Odrzanskie ở Ba Lan chỉ toàn sinh được con gái, thì ngược lại, có tới hẳn 133 ngôi làng thuộc Uttarakhand, một bang miền Bắc Ấn Độ trong 3 tháng qua không sinh được một bé gái nào. Tỷ lệ là 216:0 (nam:nữ).
Theo sở y tế khu vực, 51 trẻ được sinh ra ở 27 ngôi làng tại Dunda đều là nam. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bhatwari với 49 trẻ mới sinh. Tất cả 47 ca sinh tại 28 ngôi làng ở Naugaun, 29 ca sinh ở 20 ngôi làng ở Mori, 23 ca sinh ở 16 ngôi làng thuộc Chinayalisaur và 17 ca khác ở 14 làng Purola đều là bé trai. Số liệu này đã gây ngạc nhiên vì hầu hết các ngôi làng đều ở khu vực xa xôi của Ấn Độ và nhiều người lo ngại tình trạng phá thai đang diễn ra.
Số liệu kỳ quái này khiến các nhà điều tra nghi ngờ, các quan chức Uttarkashi cảm thấy kỳ lạ và quyết định điều tra sâu hơn để biết được sự thật, vén màn bí ẩn hiện tượng chỉ sinh con trai. Liệu rằng có chuyện khuất tất phía sau hay không?
Một đội ngũ 26 nhân viên chuyên trách đã đến khảo sát từng nhà ở 133 ngôi làng thuộc các khu vực Dunda, Bhatwari và Naugoan. Nhiều nghi ngờ cho rằng, có lẽ do quan niệm gia trưởng, bảo thủ, các gia đình đã lựa chọn phá thai có chọn lọc giới tính, dẫn đến tình trạng này.
Một trong những quan chức, ông Ashish Chauhan cho biết: “Tỷ lệ chênh lệch giới tính của trẻ sơ sinh giữa nam và nữ là 216:0 (nam: nữ). Một tỷ lệ chênh lệch tuyệt đối, quá đáng nghi ngờ. Chắc chắn có những vụ phá thai bất hợp pháp để lựa chọn giới tính”.
Phụ nữ bang Uttarakhand, Ấn Độ, chỉ sinh được con trai. Ảnh minh họa. |
Ông Ashish Chauhan cũng tin rằng, những đứa trẻ khi siêu âm có giới tính nữ đã bị giết ngay từ trong bụng mẹ. “Chúng tôi đã xác định được những khu vực không sinh con gái, hoặc số lượng bé gái chỉ dừng ở 1 chữ số”, ông Ashish Chauhan nhấn mạnh.
Chưa dám đưa ra kết luận gì, nhưng theo Kalpana Thakur (nhà hoạt động nữ quyền tại Ấn Độ) thì những con số này chắc chắn là dấu hiệu của hành vi chọn lọc giới tính, mà cụ thể là loại bỏ con gái. “Đây không thể là trùng hợp, mà rõ ràng là hành vi chọn lọc giới tính để loại bỏ con gái ở các khu vực này, và chính quyền chẳng làm gì để ngăn chặn cả”, Thakur phẫn nộ.
Còn theo một nhà lập pháp khác, ông Gopal Ravat cho hay: “Hiện 133 ngôi làng này đã nằm trong danh sách theo dõi. Sẽ có sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành có liên quan. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết hiện tượng lạ lùng ở ngôi làng này sớm nhất có thể”.
Mặc dù chính quyền đã cấm phá thai vào năm 1994, tuy nhiên những người dân vẫn lén lút thực hiện, nhất là ở những vùng nông thôn. Việc lựa chọn giới tính thai nhi hay phá thai chọn lọc giới tính vẫn xảy ra rất phổ biến ở Ấn Độ.
Nguyên nhân cho bi kịch này nằm ở truyền thống của người Ấn Độ. Theo quan niệm của phần đông người Ấn Độ, phụ nữ được coi là gánh nặng trong gia đình vì họ không thể đóng góp làm gia của cải cho gia đình. Cụ thể là với mỗi đám cưới, họ nhà gái sẽ phải xoay xở một khoản sính lễ và tiền hồi môn cho nhà trai. Bởi vậy, con trai Ấn Độ được xem là “tài sản quý”, trong khi con gái bị coi là “của nợ”.
Chính tư tưởng lệch lạc này đã khiến nhiều khu vực của Ấn Độ phải chịu hậu quả. Hiện tại, các bang miền bắc như Punjab và Haryana đang trải qua những đợt “khủng hoảng cô dâu”, khi nhiều chàng trai đến tuổi những không tài nào kiếm được vợ.