Chuyện về cặp dã hương nước Việt thuộc hàng "đại mộc tinh" độc nhất vô nhị thế giới

(PLVN) - Cây dã hương ngàn tuổi tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã được phong là di sản quốc gia và từng được coi là cây dã hương cổ thụ độc nhất vô nhị trên thế giới. Nhưng, chỉ sau đó không lâu, cây dã hương với tuổi đời hơn 600 năm được phát hiện tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã khiến giới khoa học Việt Nam và thế giới đầy bất ngờ.
“Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương” ở xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).
“Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương” ở xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).

“Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương” 

Theo lời kể của các cụ bô lão cũng như người dân tại thôn Giữa (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) họ không biết chính xác “cụ” dã hương cổ thụ này được trồng từ bao giờ. Họ chỉ biết, từ nhiều đời trước các cụ đã thấy cây to lớn và tỏa bóng mát kỳ vĩ như bây giờ. 

Cây có chiều cao khoảng 36m, điểm to nhất của thân cây là 17,4m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m, có đường kính trên 2,5m phải 8 người lớn dang tay ôm mới suể. Tán cây che phủ gần 800m2 đất. Lớp vỏ cây có độ dày trung bình khoảng 15cm. Trải qua cả trăm năm, thân chính của cây đã bị mục, rỗng bên trong nhưng cả cây vẫn vững chắc. 

Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có tài liệu nào ghi chính xác tuổi đời của “cụ” dã hương này, nhưng theo người dân trong thôn cụ đã có tuổi đời cả ngàn năm. Nhưng theo các vị bô lão trước đây, trong ngọc phả của thôn còn ghi lại câu chuyện vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) trong một lần vi hành ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp, hiếm có đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước). 

Cây dã hương ngàn tuổi ở Bắc Giang chụp từ trên cao.
Cây dã hương ngàn tuổi ở Bắc Giang chụp từ trên cao.  

Còn tại cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học tổ chức năm 2011, các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố rằng, cây dã hương này đã tồn tại khoảng 1000 năm. Và thời điểm đó, các nhà khoa học khẳng định, trên thế giới chỉ có hai cây dã hương quý như thế là tại Việt Nam và một cây đã chết ở Châu Phi. 

Cây dã hương này đã gắn bó với lớp lớp người dân thôn Giữa, bởi vậy “cụ” trở thành một biểu tượng hết sức thân thương và thiêng liêng đối với người dân nơi đây. Bởi vậy cả ngàn đời nay, nhân dân nơi đây vẫn lưu truyền những câu chuyện đầy sự tự hào về “cụ” dã hương của quê hương mình. 

Dân làng nơi đây nhiều đời qua vẫn lưu truyền, “cụ” dã hương của họ từng được một vị quan chặt một đoạn rễ mang về kinh thành Huế dùng để tiến vua. Vào năm 1905, toàn quyền Đu – me đã cho người cưa một cành dã hương ở đây rồi cho làm thành hai cây thánh giá làm món quà lưu niệm. Và sau gần 30 năm, ảnh cây dã hương đã được trưng bày ở Hội chợ Mác – Xây Pháp năm 1932. 

Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây Dã Hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây Dã Hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa...). Trải qua gần một thiên niên kỷ, người dân nơi đây luôn coi cây dã hương như một linh vật

Bất ngờ "đại mộc tinh" ở đất Nam Định

Có tuổi đời gần 600 năm, nhưng cây dã hương ở làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chỉ mới được biết đến hơn 10 năm nay. Được coi là “người em song sinh” của “cụ” dã hương đất Tiên Lục nhưng cây dã hương Nam Định lại có số phận thăng trầm hơn rất nhiều. 

Trải qua hàng trăm năm, người dân Dương Phạm chỉ biết giữa làng mình có cây xoan dã (tên gọi khác của cây dã hương). Họ không hề hay biết đây là một loại cây quý và với tuổi thọ, kích thước của cây dã hương nơi đây được xếp vào hàng xưa nay hiếm. 

Phải đến năm 2007, khi ông Nguyễn Trung Kiên – một người con của thôn Dương Phạm – làm thủ nhang quần thế di tích miếu Vua Bà và cay dã hương đọc được một bài viết trên tạp chí của hội sinh vậy cảnh, thấy có bài viết về cây dã hương ở Tiên Lục – Bắc Giang. Ông thấy người ta viết rằng đó là một trong hai cây dã hương đại thụ quý hiếm sót lại trên thế giới. 

Cây dã hương sống qua 7 thế kỷ ở Ý Yên (Nam Định).
Cây dã hương sống qua 7 thế kỷ ở Ý Yên (Nam Định). 

Nhưng khi nhìn ảnh chụp, ông thấy cây dã hương giống cây xoan dã bao đời nay của quê mình. Để giải đáp thắc mắc, ông Kiên đã không ngần ngại mang đủ các bộ phận của cây xoan dã gồm: cành, lá, hoa, quả, rễ tìm đường lên tận thôn Giữa, Tiên Lục, Bắc Giang để so sánh. 

Thế rồi, chẳng phụ công ông, khi bài báo đầu tiên về cây dã hương ở Nam Định được in trên báo An ninh Thế giới do ông Kiên biết đã gây chấn động giới sinh vật học Việt Nam và thế giới. 

Tháng 8/2012, tổ chức Guinness Việt Nam về thăm và đo được đường kính gốc phần lớn nhất của cây là 16m. Và tới ngày 25/4/2018 cây dã hương làng Dương Phạm đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh là cây di sản. 

Cụ cây gắn với truyền thuyết miếu Vua Bà

Bao đời nay, người dân thôn Dương Phạm yêu quý, coi cây dã hương như một vị thần không chỉ vì tuổi đời cả trăm năm của “cụ” mà còn bởi những câu chuyện nhuốm màu liêu trai liên quan đến ngôi miếu Vua Bà nằm cạnh đó. 

Theo lời ông Nguyễn Văn Kiên, ngôi miếu Vua Bà ngay cạnh cây dã hương là thờ bà Nhị đời Vua Lê Thánh Tông. Bà Nhị phi lúc sinh thời tên là Ngô Nữ Thị Hoằng. Bà sinh năm 1449, tại thôn Dương Phạm. Thân sinh ra bà là cụ Ngô Công Tước và cụ Nguyễn Thị Thái Hằng. Tương truyền rằng, dù sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng con người bà có được cả 4 phẩm chất “Công – Dung – Ngôn - Hạnh” 

Dù phải vất vả mò cua, bắt ốc để chăm lo cho bố mẹ giả nhưng bà nổi tiếng khắp vùng bởi tài trí và sắc đẹp hơn người. Năm 1468, vào một buổi trưa hè, khi Vua Lê Thánh Tông lần đầu tiên về Dương Phạm để thị sát công trình làm đê Hồng Đức.

Khi đi dọc bờ sông, nhà Vua bỗng nghe thấy tiếng hát trầm bổng nơi bến nước liền cho thuyền rồng ghéđến xem. Khi đó, Vua đã rất bất ngờ khi thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đang tắm ở rìa sông, trên đầu có đám mây che… Khi Vua hỏi chuyện thì thấy thiếu nữ đối đáp thông minh, lanh lợi, khí phách nên đem lòng yêu mến. 

Chẳng lâu sau, nhà Vua cho người về đón Ngô Nữ Thị Hoằng vào cung. Bà được phong làm Nhị phi cung tần, chuyên lo việc hậu cần trong cung cấm. Lúc đương thời, bà được nhà Vua vô cùng sủng ái nhưng đáng tiếc chỉ 3 năm sau bà mắc bạo bệnh và mất vào năm 1471. Lúc lâm chung, ước nguyện cuối cùng của bà là được bà có ước nguyện được an tang tại quê nhà. 

Đáp ứng ước nguyện của bà, sau khi Nhị phi qua đời, nhà Vua đã sai người làm 9 cỗ săng (quan tài) bằng đồng. 9 cỗ săng này được trở trên 9 con thuyền xuôi theo sông Hồng chở thi hài của bà cùng đồ tùy táng và đá ngũ sắc để xây mộ. Bà Nhị Phi mất vào ngày 10/6 âm lịch – đúng mùa mưa ở đồng bằng Bắc Bộ nên quân lính cứ đào huyệt đến đâu thì đất lở đến đó. 

Khi đó, dân làng Dương Phạm đành phải làm một cái nhà quàn tạm 9 cỗ quan tài để hương khói. Đến khi trời tạnh, quân tướng và nhân dân mới phát hiện mối đùn lấp một số quan tài. Cho rằng đây là điềm lành báo hiệu mảnh đất đẹp nên người dân đã chôn cả 9 cỗ săng xuống rồi đổ đá lên đắp mộ. Sau khi chôn xong, người dân xây miếu thờ bà và làm chùa Phúc Linh Tự thờ Phật. Bên miếu, họ trồng một cây mộc hương, còn bên chùa thì trồng hai cây thị (đến nay cũng gần 600 năm tuổi). 

Hiện nay, cả hai cây dã hương ở Bắc Giang và Nam Định đều đã được nhà nước coi là di sản quốc gia, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi. Hai cây dã hương không chỉ lưu giữ niềm tự hào, văn hóa làng quê Việt Nam. Mà trên hết, những câu chuyện kỳ bí, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đều mang nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc về lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn và tượng trưng cho sức sống trường tồn của dân tộc ta.

Đọc thêm