Chuyện về cự phú Sài Gòn khởi nghiệp từ tiệm cầm đồ, phất lên nhờ buôn đất

(PLVN) - Dân gian có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” để nói về bốn người giàu nhất Việt Nam thời trước. Tuy nhiên, trong “tứ đại phú hộ”, ngoài “tứ Hỏa” – nhân vật sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn, còn có ba nhân vật khác cũng được xếp vào vị trí thứ tư. Trong bài viết này, trước tiên chúng tôi xin giới thiệu về cự phú “tứ Định”.
Một dãy phố ở Chợ Lớn tương truyền trước kia là của Bá hộ Định.
Một dãy phố ở Chợ Lớn tương truyền trước kia là của Bá hộ Định.

Thông tin ít ỏi vì bị con cháu tiêu tán tài sản

Sở dĩ gọi ông là cự phú ẩn danh vì thông tin về “tứ Định” không nhiều, ít được lưu lại trong sách vở và tài sản bị con cháu tiêu tán hết.Nhưng qua ghi chép của một số học giả, “tứ Định” tên thật là Trần Hữu Định.Ông làm giàu bằng nghề mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Sau ông được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định). Vì vậy, cũng như Bá hộ Xường (“tam Xường”), danh xưng Bá hộ Định hay Hộ Định là do dân Chợ Lớn gọi mà ra. 

Ông giàu lên nhanh chóng vì biết nắm lấy thời cơ những lúc hàng hóa khan hiếm. Trần Hữu Định có biệt thự ở nhiều nơi nhưng tiếc làkhi ông chết đi, con cháu không biết giữ của đã tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này, tương tự hoàn cảnh của “tam Xường”.

Năm 1960, trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển mô tả cơ ngơi của Trần Hữu Định như sau: “Bá hộ Định họ Trần, làm Hộ trưởng ở Chợ Lớn, nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu (nay là chợ Bình Tây).

Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh.

Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hỏa mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”.

Tác giả Huy Thịnh thì quyết định đi tìm tung tích chi tiết hơn vềBá hộ Định, người giàu thứ tư của Sài Gòn xưa và cả Nam kỳ lục tỉnh từ những thông tin ít ỏi mà học giả Vương Hồng Sển đã viết trong cuốn biên khảo “Sài Gòn năm xưa”. Huy Thịnh hỏi chuyện người bạn đang làm việc ở Sở Giao thông Vận tải TP HCM, anh thú nhận không biết con đường Trần Thanh Cần trước giải phóng nằm ở đâu, nhưng cầu Palikao thì được làm từ thời Pháp vắt qua con kênh Hàng Bàng (quận 6).Kênh Hàng Bàng vừa được nạo vét, trả lại hiện trạng cũ. Nước kênh trong xanh nhưng không còn cây cầu nào soi bóng. 

Theo ông Nguyễn Văn Bảy cư trú tại địa phương thì ngày trước có ba cây cầu bắc qua kênh Hàng Bàng gồm cầu Ba Cẳng, cầu Palikao... Cầu Palikao được người Pháp đặt tên bởi hình dáng của nó gợi nhớ hình ảnh cầu Bát Lý Kiều bên Trung Quốc. Cầu bị tháo dỡ năm 2003 sau khi con kênh bị lấp, vị trí cầu cũ nay là đường Ngô Nhân Tịnh, đoạn từ đường Bãi Sậy đến đường Phan Văn Khỏe.

Nếu đúng như cụ Vương Hồng Sển mô tả thì căn nhà cũ của Bá hộ Định nằm ở vị trí mặt tiền đường Phan Văn Khỏe, đoạn từ đường Ngô Nhân Tịnh đến đường Chu Văn An vì trước năm 1975 Rạch Bãi Sậy (tức kênh Hàng Bàng) chạy từ rạch Lò Gốm (phía bên trái) ngang qua chợ Bình Tây. Sau này, đoạn kênh bị lấp để làm đường.Hơn 100 năm dâu bể, vật đổi sao dời, phố xá bây giờ đã đổi khác, sầm uất và nhộp nhịp hơn.

Các dãy phố lầu, nhà kiến trúc cổ mai một dần, nhường chỗ cho những căn nhà ống. Hỏi thăm nhiều cụ cao niên sinh sống ở Chợ Lớn từ trước năm 1975, không mấy ai biết đích xác ngôi nhà 5 căn trước kia từng là đại bản doanh của Bá hộ Định ở đâu. Đơn giản là vì vị đệ tứ hào phú Sài Gòn lúc sinh thời sở hữu hàng nghìn căn nhà, chủ yếu là ở khu Chợ Lớn. Sau này con cháu bán hết, kể cả căn nhà hương hỏa.

Cuộc chiến với ông chủ Quách Đàm

Vẫn theo tác giả Huy Thịnh, Chợ Lớn hồi ấy là một tỉnh, được Pháp chia thành 20 hộ để dễ quản lý. Là một nhân vật có “máu mặt” ở địa phương, Bá hộ Định được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng. Danh xưng Bá hộ Định là do người dân thấy ông giàu có nên gọi trại ra như vậy.

Bá hộ Định khởi nghiệp từ một tiệm cầm đồ nhỏ ở Chợ Lớn và phất lên như diều nhờ mua lại điền sản và nhà đất giá rẻ của những người vay mượn, cầm cố nhưng mất khả năng trả nợ. Cũng như nhiều hào phú ở Sài Gòn, có nhà đất trong tay, Bá hộ Định chuyển sang kinh doanh đất đai. Ông vung tiền mua hàng nghìn mẫu đất hoang hóa dọc kênh Tàu Hũ, Lò Gốm (nay thuộc các quận 5, 6, 8) đóng thuế cho chính quyền để làm giấy tờ rồi cất nhà phố cho thuê. 

Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán sầm uất nên giá thuê cao hơn những nơi khác. Trong khi đó, Quách Đàm cũng là một đại hào phú khét tiếng ở Sài Gòn, nhiều mưu mẹo và giàu không kém Bá hộ Định. “Một rừng hai con hổ”, tránh sao khỏi những trận “huyếtchiến”. 

Nhiều giai thoại lưu truyền đến ngày nay trong giới kinh doanh ở Chợ Lớn kể lại rằng có lần Bá hộ Định và Quách Đàm tranh mua khu nhà đất rộng hàng chục mẫu gần nhà đèn chợ Quán của một thương gia xuất nhập khẩu. Là người đến trước, nhận thấy món hời trước mắt, Quách Đàm nhanh chóng đặt cọc, đến lúc hai bên ra chính quyền làm giấy thì thương gia nọ bất ngờ hủy bán, đồng ý đền tiền cọc.   

Sau này, Quách Đàm cay đắng biết được kẻ phá bĩnh phi vụ làm ăn của ông chính là Bá hộ Định. Ông Định bày mưu cho thương gia nọ vay tiền trả nợ, đền cho Đàm và khôi phục kinh doanh. Đương nhiên, để vay được tiền, vị thương gia phải cầm cố khu đất cho Định làm tài sản đảm bảo. Mấy năm sau, khu đất trên về tay Định vì thương gia nọ không còn khả năng hồi phục sau khủng hoảng.

Có nhiều nhà đất ven sông rạch, tận dụng lợi thế giao thông thủy và hoạt động mua bán “trên bến, dưới thuyền”, Bá hộ Định lấn sang lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu mà mặt hàng chủ lực là vải sợi. Ông thuê tàu biển ra Hải Phòng, Hội An và sang tận Trung Quốc gom hàng đưa về Nam Kỳ lục tỉnh và Sài Gòn bỏ mối cho các cửa hiệu lớn. 

Nhiều giai thoại còn cho rằng bá hộ Định là người phát triển nghề làm lu, làm gốm truyền thống ở Sài Gòn với nhiều địa danh còn lưu truyền đến hôm nay như rạch Lò Lu, kênh Lò Gốm, Lò Siêu... Cái tên Phú Định được đặt cho một con đường và cảng sông ở quận 8. Tuy nhiên, Phú Định có phải là bá hộ Định hay không thì đến nay chưa có cơ sở khẳng định. 

Cũng theo một số giai thoại, gần cuối đời, cơ nghiệp của Bá hộ Định bắt đầu sa sút do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Người xưa nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” quả không sai. Vận rủi ập đến khi chiếc tàu chở đầy hàng hóa đang trên đường từ Trung Quốc về Việt Nam gặp trận bão lớn đánh chìm.

Bá hộ Định phải bán nhà, bán đất trả nợ và cấp tiền nuôi dưỡng cha mẹ những người bỏ mạng ngoài biển. Nghe nói sau cú sốc này, Bá hộ Định quyết định giải nghệ, phó mặc chuyện kinh doanh cho con cháu. Sau khi ông mất, con cháu không biết làm ăn, cơ nghiệp to lớn tiêu tan.

Đọc thêm