Chuyện về đại đệ tử có “thiên nhãn đệ nhất” của đức Phật

(PLVN) - Tôn giả A Na Luật sinh ra trong dòng dõi vua chúa. Khi tuổi còn nhỏ, A Na Luật có thiên tư hoạt bát và rất thông minh mẫn tiệp. Trong hàng đệ tử Ngài là Đệ Nhất Thiên Nhãn. Sau khi Đức Phật nhập diệt thì tôn giả cùng với 500 vị đại A La Hán lo kết tập kinh điển trong núi Kỳ Xà Quật.
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Thiên nhãn đệ nhất

Tôn giả A Na Luật sinh ra trong dòng dõi vua chúa. Ông là em họ của Thái tử Tất Đạt Đa. Khi Đức Phật thành đạo thì Ngài trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp giáo hóa dòng họ Thích Ca. Về sau A Na Luật cùng với sáu vị vương tử khác là Bạt Đề, A Nan, Đề Bà Đạt Đa, Kiếp Tân Na, Bà Sa và Nan Đề cùng xuất gia quy y theo Phật. 

Sống trong tăng đoàn, đạo tâm A Na Luật rất kiên cố cho dù gặp sắc đẹp cũng không hề xao động. Một hôm, trong lúc Thế Tôn đang thuyết pháp, A Na Luật ngủ gục nên bị Phật quở trách. Ông hổ thẹn và quyết tâm không ngủ đến nỗi đôi mắt bị mù. Chính Đức Phật đã dạy môn “Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội” và chẳng bao lâu A Na Luật đạt được Thiên nhãn thông và chứng quả A La Hán. A Na Luật mất nhục nhãn mà được thiên nhãn làm tất cả chúng tăng hết lòng ái mộ và kính trọng. 

Vì tôn giả có thể thấy được tam thiên đại thiên thế giới nên Đức Phật khen tặng ông là đệ nhất Thiên nhãn trong hàng Thanh văn. Nhờ có thiên nhãn nên ngài thấy rõ ba ngàn đại thiên thế giới, thấy cõi Tam thiên Đại thiên thế giới của Đức Phật Thích Ca như xem trái quít trên bàn tay. Một tiểu thiên thế giới có 1,000 thế giới tức là 1,000 trái đất chúng ta đang ở.

 

Trung thiên thế giới có 1,000 tiểu thế giới tức là một triệu trái đất. Đại thiên thế giới có 1,000 trung thiên hay một tỷ trái đất. Do đó mỗi cõi của một Đức Phật giáo hóa chẳng hạn như cõi Ta bà của Đức Phật Thích Ca gồm có một tỷ trái đất.

Trong thế gian nầy có năm loại mắt khác nhau, đó là: Nhục nhãn, là mắt thịt của chúng sinh, chỉ nhìn gần chớ không nhìn xa được. Thiên nhãn, là mắt của các vị Trời ở cõi Sắc giới và của những người tu thiền định đắc quả. Loại mắt nầy thì thấy gần, thấy xa, thấy trong, thấy ngoài và sáng tối đều thấy được cả.

Huệ nhãn, là mắt của các vị A La Hán hay Bích Chi Phật để thấy rõ vạn pháp là vô thường, vô ngã, khổ. Pháp nhãn: là mắt sáng suốt của chư Bồ tát vì đã thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật để thấy rõ căn cơ của chúng sinh mà tùy duyên hóa độ. Bồ tát thì có vô trụ xứ Niết bàn tức là bất cứ ở đâu cũng có an vui tịch diệt cả. Phật nhãn, là mắt của Phật. Vì thường ở trong Chánh định nên tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không bị ngăn ngại nên Phật thấy rõ tất cả và đầy đủ chẳng những tam thiên đại thiên thế giới mà còn tất cả các cõi Phật khác nữa.

Cảm hóa đạo tặc

Sau khi chứng Thiên nhãn, tôn giả A Na Luật không phải hoàn toàn ở trong chốn rừng núi lo tu tập phận mình, trong tâm Tôn giả thường nghĩ rằng: Hôm nay ta được niềm vui này đều nhờ ân đức của Phật, muốn báo đáp ân ấy ta nên hoằng pháp lợi sanh, ta nên đi hóa đạo những nơi chưa có người bố giáo.

A Na Luật bề ngoài có vẻ lạnh lùng, nhưng trong tâm nhiệt tình vô hạn. Từ hoàng cung của vua chúa, đến phủ đệ của trưởng giả đều lưu dấu vết giáo hóa của A Na Luật. Núi sâu, thôn trang cũng thấy bóng hình của Tôn giả. Xóm Ma Na Đề Đa ở nước Chiêm Bà (Campa) có người đau nặng, nghe tôn giả A Na Luật thuyết pháp liền dứt hết lo buồn phiền não, tự nhiên mạnh hẳn. Đối với người bệnh, Tôn giả thuyết pháp an ủi, thường rất có hiệu quả. Tôn giả cũng thích thăm viếng người bệnh luôn.

Trừ việc đem lại niềm vui cho bệnh nhân, đối với việc cảm hóa kẻ hung ác hồi đầu, tôn giả A Na Luật cũng có nhiều biện pháp. Như trước đây, khi A Na Luật ngủ đêm tại nhà một thường dân, đã bị thiếu nữ trong nhà dụ dỗ lôi kéo. Từ đó, Tôn giả phát nguyện không ghé nhà ai ban đêm. Điều ấy đối với một vị tỳ kheo đi hóa đạo thật có nhiều việc bất tiện, nhưng A Na Luật đã quen với nếp sống đơn giản, ngày ăn một bữa, dưới cây ngủ một đêm, đó là chuyện thường.

 

Một hôm, A Na Luật đang du hóa tại một làng quê, chiều tối thì đi ra khu rừng kế cận tọa thiền. Hôm ấy, trên không trăng soi mờ nhạt, mặt đất in bóng cây lưa thưa, một vài ngôi sao băng qua bầu trời, gió thổi lao xao, Tôn giả khép mắt ngồi yên, đợi trời rạng đông.

Đêm càng sâu càng vắng, hình dáng tôn giả chìm lẫn trong rừng cây, im phăng phắt. Bỗng từ xa có tiếng người xì xào bước về phía Tôn giả. Tôn giả khẽ đằng hắng, cả bọn đều dừng lại cách Ngài không xa, Tôn giả chú ý nhìn xem họ là ai. Té ra đây là một bọn cường đạo vừa đi ăn hàng về, định tụ tập trong khu rừng này chia chác với nhau. A Na Luật thở dài một tiếng. Bọn cường đạo biết có người, một tên trong bọn lên tiếng:

Các bạn! Chúng ta bị lộ rồi, thiệt xúi quẩy, phải giết ngay tên ấy mới được. Cả bọn rút phắt dao ra, cầm lăm lăm trên tay sáng giới. A Na Luật nói lớn: Các ngươi muốn giết ta, hãy đến giết đi. Nhưng ta chết rồi, mấy người cũng không toàn mạng! Bọn cướp nghe nói kinh hãi, đưa mắt nhìn nhau, chẳng biết đối phó ra sao. Tên đầu đảng xem xét hồi lâu mới nói: Ông là ai? Lại chen vào phá hoại việc làm ăn của chúng tôi đêm nay!

A Na Luật trang nghiêm trả lời: Ta là sa môn đang tịnh tọa tại chỗ này, bảo rằng ta thấy các ngươi làm quấy thì được, còn nói ta phá hoại việc của các ngươi thì không đúng. Ông sẽ đi tố cáo chúng tôi phải chăng? Ta chẳng cần đến quan phủ tố cáo làm gì. Tuy ta không báo cáo các ngươi, quan trên không biết được hành động của các ngươi, nhưng nhân quả báo ứng chẳng tha cho các ngươi bao giờ. Ta xót thương cho các ngươi sau này chịu nhiều quả khổ bi thảm, đáng tiếc thay!

Lời nói của Tôn giả đánh thức lương tâm của bọn cướp. Chúng liền vứt khí giới, bỏ lòng hung ác, bản chất thuần thiện hiện bày. Bọn họ sám hối sửa đổi, và lãnh thọ lời chỉ dạy của Tôn giả, đều phát nguyện quy y Phật, thay lòng đổi mặt để làm người tử tế. Sáng hôm sau, A Na Luật bảo bọn cướp đem hết tài bảo trả lại cho dân chúng. Những gia đình bị mất cướp đều cảm tạ Tôn giả, cũng nguyện quy y Phật, vâng làm theo lời Phật.

Sau khi đức Phật nhập Niết bàn, trong số năm trăm vị đại A La Hán kết tập kinh điển trong núi Kỳ Xà Quật nhất định có tôn giả A Na Luật. Nhưng nói đến sự tích của Tôn giả về sau không thấy lưu truyền, thật là một điều đáng tiếc! Tôn giả A Na Luật có ý chí kiên cường, không lay chuyển.

Nhân một buổi thùy miên mà nghe lời răn dạy, từ đó cho đến khi mắt mù không hề thối tâm, sức tinh tấn của Tôn giả đến như thế, thật là cao vòi vọi khiến người cảm thán không thôi! Mất nhục nhãn mà được thiên nhãn, tu hành an tường tự tại, truyền đạo an tường tự tại, thật không hổ là vị thượng thủ trong giáo đoàn.

Đọc thêm