Sáng lập ngân hàng đầu tiên của người Việt
“Tứ Trạch” là Trần Trinh Trạch (1872-1942) hay thường gọi là Hội đồng Trạch, nguyên là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil Privé). Dân gian còn gọi là Hội đồng Trạch, nguyên Chánh Hội trưởng và đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam – ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành.
Trần Trinh Trạch gốc người Minh Hương sinh ra trong gia đình nghèo từ miệt Biên Hòa, Đồng Nai trôi dạt về Bạc Liêu khai khẩn đất hoang. Khi mới 12-13 tuổi, ông phải đi làm mướn cho một điền chủ quốc tịch Pháp. Theo lệ thực dân thời ấy, lẽ ra con của gia đình đó phải học tiếng Pháp, nhưng cậu chủ lại lười không chịu đi học, cho nên họ nhờ ông Trạch đi học thế. Cũng chính nhờ vậy, ông biết tiếng Pháp để sau này ông đi làm viên chức cho Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1895, trong thời gian làm thư ký điền địa ở Tòa bố (Tòa hành chính) tỉnh Bạc Liêu, ông cưới Bà Phan Thị Muồi là con gái thứ tư của Bá hộ Bì (Phan Hộ Biết), người có đất ruộng nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu, nổi danh là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”. Bá hộ Bì cho vợ chồng ông một sở đất ở riêng. Thầy ký Trạch thôi làm công chức, chuyển sang làm điền chủ. Ngoài ra, đất ruộng Bá hộ Bì tách bộ (địa bạ) chia cho các con đều lần lượt lọt vào tay chàng rể thứ tư vì các con và rể khác của ông Bì mê cờ bạc, lần lượt đem cầm cố cho ông Trạch, không chuộc được, đành mất luôn.
Chính nhờ vốn kiến thức, hiểu biết rõ về luật pháp đất đai, cộng với vốn liếng cha vợ giúp đỡ, ông tích tụ ruộng đất bằng cách thu mua đất đai của những địa chủ thất cơ lỡ vận, trong đó có cả chính anh em nhà vợ.Có lời đồn rằng, ông Trạch mau giàu lớn nhờ tài đánh bạc, thường tổ chức bài bạc trong nhà, cho con bạc vay tiền rồi về sau làm chủ luôn tài sản của các con bạc thiếu nợ.Từ ruộng đất, ông mở mang sang lĩnh vực làm muối và trở thành nhà cung cấp chi phối muối cho cả Nam Kỳ, nhờ đó ông đã phất lên nhanh, được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam.
Chân dung vợ chồng ông Trần Trinh Trạch. |
Tại Nam Kỳ thập niên 1930, giới điền chủ lớn chiếm hơn 01 triệu ha ruộng đất thì riêng Hội đồng Trạch đã chiếm 145 nghìn ha, trong khi toàn bộ 04 triệu nông dân tại Nam Kỳ chỉ có 500 nghìn ha ruộng đất. Ông Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110 nghìn ha đất trồng lúa, gần 100 nghìn ha ruộng muối. Tương truyền, bấy giờ toàn tỉnh Bạc Liêu (gồm bốn quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là tài sản ông Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường.
Ngoài hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu và một dãy phố lầu ở đường La Grandière ở Sài Gòn (sau là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng). Ông thu dụng khoảng 90 từng khạo để thay mặt ông đi thu tô tức. Do đất đai mênh mông, không bị chia khoảnh vụn vặt nên Công tử Bạc Liêu(con thứ hai của ông Trạch) có thể dùng ca-nô đi thăm ruộng).
Năm 1927, Trần Trinh Trạch đồng sáng lập và điều hànhNgân hàng Việt Nam – ngân hàng đầu tiên của người Việt Nam, trụ sở đặt tại Sài Gòn. Ông Trần Trinh Trạch làm Chánh Hội trưởng - tương đương với chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ngày nay. Ông Huỳnh Đình Khiêm, nghiệp chủ ở Gò Công, làm Hội trưởng danh dự. Ông Nguyễn Tân Văn, nghị viên Hội đồng thành phố làm Phó H ội trưởng. Ông Nguyễn Văn Của, chủ nhà in, làm quản lý- tương đương chức Giám đốc ngân hàng ngày nay.
Kết buồn của dòng tộc chưa kịp giàu ba đời
Năm 1942, đến cuối đời, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn một tháng, ông Trạch nói với Trần Trinh Huy (Ba Huy hay Hắc công tử) đưa xuống Sài Gòn đổi gió. Thấy cha muốn đi nghỉ ngơi, Ba Huy đã đồng ý đưa ông đi. Xuống Sài Gòn, cậu bắt đầu cho cha đi du lịch. Sau khi đi biển Long Hải, Vũng Tàu về, vì tắm biển lâu nên ông Trạch bị cảm lạnh. Cậu Ba Huy đã mời bác sĩ về nhà nhưng cảm lạnh bị biến chứng sâu, do tuổi cao, sức đề kháng kém nên Hội đồng Trạch đã tắt thở ở Sài Gòn.
Cậu Huy sợ anh chị em, gia tộc trách mắng vì cái chết bất đắc kỳ tử của ông Hội đồng nên đã lái xe đưa ông Trạch về Bạc Liêu ngay trong đêm hôm đó. Quãng đường 300 km từ Sài Gòn về Bạc Liêu, cậu Huy chèn gối đặt ông Trạch ngồi ngay ngắn, không ai biết ông đã chết. Chỉ đến khi về đến dinh thự, mọi chuyện rối ren, người ta mới hay ông Trạch đã qua đời. Linh cữu ông Trạch quàn ở dinh thự bên sông Bạc Liêu (xây năm 1919 - nay là khách sạn Bạc Liêu). Với những người dân Bạc Liêu, đám tang của cha Công tử Bạc Liêu có đến mấy nghìn người đưa tiễn. Khi xe tang đã đến nghĩa trang gia tộc cách thị xãBạc Liêu 5 km nhưng đoàn người lúc đó vẫn nối dài nhau.
Vợ chồng Hội đồng Trạch sống rất chuẩn mực, cần kiệm. Trần Trinh Trạch sống chí thú làm giàu và chung thủy với vợ, không phải là hạng người bướm ong, trăng gió. Trái với bố mẹ, ba con trai trong số bảy người con của ông Trạch sẵn gia sản kếch sù của cha, đều mặc sức phung phá tiền của. Trong đó, Trần Trinh Huy là người mà ông kỳ vọng nhất thì lại là một cậu ấm ăn chơi khét tiếng cả Nam Kỳ, đến nỗi danh xưng Công tử Bạc Liêu gần như gán cho riêng Ba Huy.
Sau khi ông Trạch mất, tài sản được chia cho các con trai của ông, nhưng những ông này không có tài làm ăn như cha mà chỉ quen tiêu pha nên gia sản cứ hao hụt dần. Trong thập niên 1960, hai cuộc cải cách ruộng đất với chủ trương thu đất của đại địa chủ cũng khiến hầu hết ruộng đất của gia đình này bị mất đi. Không còn hoa lợi từ ruộng đất, không biết chuyển hướng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như công nghiệp - dịch vụ, lại quen tiêu xài phung phí nên gia sản của Ba Huy hao hụt nhanh chóng.
Ba Huy mất vào tháng 1/1974 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ba Huy có 8 người con, các con cũng tiêu xài phung phí giống cha mình nên nhà cửa cứ bán dần. Đến cuối thập niên 1970, các con của Ba Huy quyết định bán căn nhà cuối cùng ở đường Nhất Linh với giá 28 lượng vàng, mỗi người chia nhau một phần rồi ly tán, tự tìm đường làm ăn riêng.
Các con Ba Huy làm ăn không thuận lợi, người con Trần Trinh Đức ban đầu cũng khá giả nhưng con cái ham mê cờ bạcnên mắc nợ, tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt ra đi, Trần Trinh Đức về sau phải chạy xe ômkiếm sống. Đến đây thì chính thức kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc Hội đồng Trần Trinh Trạch.
Số mệnh giàu sang và suy tàn của dòng tộc Hội đồng Trần Trinh Trạch để lại nhiều bài học về triết lý “Có vay có trả, của Thiên trả Địa” của luật nhân – quả: Ông Trạch phất lên nhờ gia sản của cha vợ và việc cho dân cờ bạc vay nặng lãi, nhưng đời con cháu ông thì lại làm tán gia bại sản cơ nghiệp của cha ông mình, cũng chỉ vì tiêu xài phung phí và ham mê cờ bạc.