Chuyện về Jeanne d’Arc - từ Thánh nữ tới nữ phù thủy bị hỏa thiêu

(PLVN) - Từng giúp nước Pháp đòi lại những vùng đất mà quân Anh chiếm đóng trước đó, Jeanne d’Arc còn khiến quân Anh kinh hồn bạt vía vì sự dũng cảm, mưu trí. Vậy nhưng người nữ anh hùng của nước Pháp thế kỷ XV lại nhanh chóng bị quy là “nữ phù thủy” mang lại những tai họa. Cuộc đời của vị nữ anh hùng kết thúc trong bi kịch. Mãi đến thế kỷ XX, Jeanne d’Arc mới được minh oan..
Hình ảnh thánh nữ Jeanne d’Arc trong chiến đấu.

Cuộc chiến tranh trăm năm 

Lịch sử nhân loại có một cuộc chiến tranh kéo dài tới 116 năm. Đó là cuộc “Chiến tranh trăm năm Anh - Pháp” (kéo dài từ năm 1337 đến 1453). Từ thập niên 30 thế kỉ XIV do hai vương triều có chuyện thù oán nên hai nước Anh Pháp đối chọi nhau rất quyết liệt.

Năm 1328, nhà vua thuộc vương triều Capet Pháp tuyệt tự, Philippe VI có họ hàng với vua được kế vị. Hoàng đế Anh Edward III có quan hệ họ hàng với vương triều Capet không hài lòng. Ông lấy tư cách là cháu ngoại của Philippe VI của Pháp đòi quyền kế vị.

Năm 1337, ông tự xưng là vua Pháp. Philippe VI bực tức thu hồi toàn bộ lãnh địa của Anh tại Pháp và đưa quân tiến chiếm Gin làm bùng nổ cuộc chiến tranh giữa hai nước.  Tháng 11/1337, Edward xua quân tiến công nước Pháp. Quân Pháp thất bại liên tiếp hết trận này đến trận khác.

Tháng 6/1340, quân Anh đánh thắng Pháp trong trận hải chiến ở biển Manche, chiếm được quyền khống chế trên biển. Tháng 8/1346 quân Anh lại đánh thắng quân Pháp trong trận Crecy. Sau trận này quân Anh thừa thắng tiến lên phía Bắc. 

Năm 1347, Anh chiếm được căn cứ quân sự quan trọng ở thành Calais. Sau đó hai bên đình chiến khoảng 10 năm. Đến tháng 9/1356 hai bên lại tiếp tục cuộc chiến. Quân Anh do “Thái tử Đen” chỉ huy đại thắng quân Pháp ở Poitiers, bắt sống được vua Pháp Jean II cùng nhiều nhà quý tộc. Anh đòi Pháp phải dùng một số tiền lớn để chuộc về. 

Tượng Jeanne d’Arc như một nữ thần.

Do bị thất bại trong chiến tranh, công nợ chồng chất, kinh tế suy thoái, nhân dân bất bình phẫn nộ, nước Pháp đã rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Năm 1360, Pháp buộc phải kí hiệp định đình chiến nhục nhã, nhượng Calais và Aquilaine cho quân Anh chiếm giữ. Phía Anh đồng ý bỏ yêu cầu đòi quyền kế vị ngôi vua ở Pháp, kết thúc giai đoạn 1 chiến tranh.  Năm 1364, vua Pháp Jean II chết trong khi bị cầm tù ở London.

Charles được kế vị làm Hoàng đế. Ông đã lợi dụng cơ hội nghỉ xả hơi sau hiệp định đình chiến, áp dụng nhiều biện pháp chấn chỉnh tài chính và quân sự. Năm 1369, quân Pháp mở cuộc tiến công mới, kết hợp với chiến tranh du kích, buộc quân Anh phải rút lui khỏi nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pháp. Năm 1380, vua Charles V tạ thế, Charles VI lên kế vị nhưng lại mắc bệnh tâm thần không điều hành được đại sự quốc gia.  Nước Pháp rơi vào tình trạng rối ren.

Các phe phái đại quý tộc Pháp tranh nhau quyền lực. Hai phái lớn nhất do Louis I (em trai Charles VI) và Philippe II (con trai Jean II) cầm đầu đánh nhau trong khi giặc ngoại xâm đang rập rình cửa ngõ nước Pháp. Cũng may lúc đó tại nước Anh nổ ra cuộc khởi nghĩa quy mô lớn của nông dân nên nước Pháp đã không bị tiêu diệt.   

Năm 1396, Anh Pháp kí hiệp định đình chiến 20 năm.  Năm 1415, Anh liên minh với công tước xứ Bourgogne là Jean San Peur, lại được lệnh của Henrry V đổ bộ lên Normandie. Ngày 25/10/1415, quân Anh đánh mất một trận tao ngộ chiến với quân của công tước xứ Orleans tại Azincourt. Quân Pháp tuy chiếm uy thế về binh lực nhưng vẫn bị thất bại. Sau đó quân Anh chiếm kinh đô Paris và toàn bộ miền Bắc nước Pháp. Quân Pháp buộc phải rút về vùng lưu vực sông Lovie ở phía Nam, tạm ổn định cục diện.

Năm 1420, Pháp buộc phải kí một hiệp định nhục nhã khác, công nhận vua Anh Henrry V có quyền kế vị ngôi vua Pháp Charles VI tại Troyes (tức hiệp định Troyes kí ngày 21/5/1420).  Năm 1422, vua Anh Herry V và vua Pháp Charles VI lần lượt qua đời. Nước Anh tuyên bố chú bé Henrry VI (chưa đầy 1 tuổi) được quyền kế vị làm vua nước Pháp. Tuy nhiên lúc đó Thái tử Charles con trai Charles VI vẫn đang kiểm soát miền Trung và miền Nam nước Pháp, chờ ngày khôi phục Paris. 

Cô thôn nữ Orleans

Do thất bại liên tiếp trước quân Anh, nước Pháp rơi vào thời kì đen tối nhất trong lịch sử. Cuộc chiến tranh kéo dài không những mang lại nhiều khổ đau cho nhân dân mà nước Pháp còn bị mất một phần lãnh thổ rộng lớn cho người Anh. Đến năm 1428, toàn bộ miền Bắc và một bộ phận ở miền Tây Nam nước Pháp bị quân Anh chiếm đóng.

Người Anh khống chế Paris, nắm giữ cả địa điểm có ý nghĩa chính trị quan trọng với Pháp là Reims (nơi nhà vua Pháp chọn tổ chức lễ đăng quang và lễ thánh). Từ khi xảy ra chiến tranh với Anh, nhà vua Pháp không được làm lễ đăng quang tại đó. 

Lòng dũng cảm tuyệt vời và tài năng thần bí của Jeanne d’Arc khiến cô bị coi là phù thủy và đưa lên giàn thiêu. 

Tháng 10/1428, để hoàn toàn đánh bại Pháp, quân Anh tiến đánh Orleans, một thành phố quan trọng trên đường đến miền Nam nước Pháp. Orleans ở phía Nam Paris, cũng là cửa ngõ tiến về khu vực do Thái tử Charles thống trị. Khi quân Anh mở cuộc tiến công vào Orleans, vương triều Pháp có nguy cơ tiêu vong.  Ngày 6/3/1429, có thể coi là ngày làm thay đổi vận mệnh nước Pháp.

Thái tử Charles theo thường lệ mượn chén rượu giải sầu tại Đại bản doanh thì đột nhiên vệ sĩ vào báo cáo có một cô gái nông thôn đứng ở ngoài cổng xin được yết kiến. Cô ta nói bản thân có thể cầm quân đánh thắng quân Anh. Thái tử lấy làm lạ, cho phép cô gái vào.  Đó là một cô gái tướng mạo bình thường, thái độ điềm tĩnh nhưng ánh mắt thì lại tinh nhanh lạ thường. Sau khi nghe cô kể thân thế và ý định của mình, Thái tử bắt đầu thấy nể trọng. Đó chính là Jeanne d’Arc, người nữ anh hùng cứu cả dân tộc Pháp.

Cô sinh năm 1412 tại một vùng nông thôn hẻo lánh, bố là một nông dân nghèo khổ. Cô làm ruộng từ nhỏ, không được học hành tử tế như nhiều bạn cùng trang lứa... Cô lớn lên trong thời gian nước Pháp liên tục thua trận trước người Anh. Ở quê hương cô tự nhiên lan truyền một câu chuyện nói vùng này sẽ xuất hiện một nữ anh hùng cứu quốc. Không ai ngờ vị nữ anh hùng đó lại là cô gái Jẹanne d’Arc bình dị. 

Năm 14 tuổi, cô đi làm ở ngoài đồng về đúng lúc quân Anh đang lùng sục làng xóm quê hương. Cô nấp vội vào tủ may mắn thoát nạn nhưng đã trực tiếp chứng kiến cảnh người chị gái 18 tuổi của mình bị quân Anh giết hại. Sau tấn bi kịch đó, cô sang làng bên cạnh ở với gia đình chú. Từ đó ngày càng căm thù quân xâm lược, cô gái quyết chí tìm cách cứu nước, đánh đuổi kẻ thù của dân tộc. Không lâu sau, một sự việc thần kì đã xảy ra...  

(Đón đọc kỳ tới: Bi kịch của thánh nữ) 

Đọc thêm