Chuyện về ngôi nhà số 5D phố Hàm Long

(PLVN) - Nằm ẩn mình trong con phố nhỏ, rợp bóng cây của Hà Nội, ngôi nhà 5D phố Hàm Long như vẫn đang thì thầm kể lại câu chuyện của mình với hậu thế. Nơi đây chính là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam vào tháng 3/1929 và từng in dấu chân những người con anh hùng đất Việt như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh…
Di tích 5D Hàm Long hiện tu bổ, cố gắng khôi phục như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên
Di tích 5D Hàm Long hiện tu bổ, cố gắng khôi phục như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên

Về thăm nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên

Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từ cuối năm 1928, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lên cao, sự giác ngộ giai cấp của hội viên và quần chúng được nâng cao, xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt.

Trước tình hình đó, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng không còn đủ khả năng lãnh đạo, cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, có cương lĩnh rõ ràng, có phương pháp hoạt động đúng đắn với cơ sở quần chúng rộng rãi hơn mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi của phong trào, lãnh đạo phong trào đi lên theo con đường cách mạng vô sản.

Những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội nhận thức rõ những bức xúc của lịch sử và xu hướng tất yếu của phong trào cách mạng Việt Nam đã bí mật họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. 

Đó là một đêm cuối tháng 3/1929, 7 người đã họp và quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Chi bộ này gồm 8 người: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc vì có công tác đột xuất nên vắng mặt, đồng chí đã tuyên bố tán thành nghị quyết của cuộc họp nên được công nhận là thành viên chính thức của chi bộ. Đồng chí Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh) được cử làm Bí thư chi bộ.

Tại hội nghị này, chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ trước hết là tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, việc phát triển tổ chức công hội, nông hội, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng.

Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản – Chi bộ 5D Hàm Long, Hà Nội là một hạt nhân tạo nên sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để tiến tới thành lập và hợp nhất 3 tổ chức Đảng là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam; chấm dứt thời kỳ cách mạng trong tình trạng bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước; là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam…

Năm 1959, nhà số 5D Hàm Long được khôi phục thành nhà lưu niệm, trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1964, Nhà số 5D Hàm Long được công nhận là Di tích cách mạng Hà Nội. 

Năm 2000, nhà 5D Hàm Long được tu bổ, cố gắng khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929). Không gian ngôi nhà cũng như nhiều hiện vật được Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội trân trọng gìn giữ nguyên vẹn như năm nào, từ bộ tràng kỷ khi các bậc tiền bối cách mạng dùng họp bàn công việc hệ trọng, cho đến tủ tài liệu hay chiếc giường các đồng chí từng sử dụng… 

Kết nối các di tích để giáo dục lịch sử

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 300 di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển. Ngoài những di tích như Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm - nơi Tổng Bí thư Trần Phú dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng, Nhà số 48 phố Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quảng trường Cách mạng tháng Tám…, còn phải kể đến di tích nhà số 312 phố Khâm Thiên (quận Ðống Ða) là nơi diễn ra hội nghị thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng; di tích chùa Hương Tuyết (ngõ 205 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) là cơ sở hoạt động, hội họp của các đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, Ðỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc…; nhà số 15 phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm) là nơi Ðại hội đại biểu công nhân Bắc kỳ lần thứ nhất họp, quyết định thành lập Công hội Ðỏ Bắc Kỳ - tổ chức công đoàn đầu tiên tại Hà Nội năm 1929….

Có thể nói, Di tích 5D Hàm Long cùng với các di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển ở Hà Nội đã tô thêm cho trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam. Theo Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội thì những năm qua, rất nhiều cơ quan, trường học, khách tham quan đến các di tích này để tìm hiểu những bài học lịch sử. 

Vì thế đã có ý kiến đề xuất rằng, nên chăng kết nối di tích trên địa bàn Hà Nội trở thành một tour tham quan các di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến để giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống cách mạng của ông cha. 

Trao đổi với truyền thông về quan điểm này, PGS.TS Phạm Mai Hùng - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, có thể học tập kinh nghiệm của di tích Nhà 74, 76 phố Nam (thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) - nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhờ công tác truyền thông được thực hiện bài bản nên ngôi nhà lịch sử này luôn đầy ắp người tham quan hằng ngày. 

Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, bên cạnh việc bảo tồn di tích một cách nguyên vẹn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích, phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố để đưa di tích này trở thành một trong những điểm tham quan cần có trong chương trình ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết lịch sử và niềm tự hào về đất nước mình. 

Đọc thêm