Vua Gia Long là vị vua khai sáng ra triều Nguyễn. Đến nay, những luận bàn, đánh giá về ông vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Dù thế nào, thì ông vẫn là một trong những nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến xã hội phong kiến nước ta.
Vua Gia Long sinh năm 1762, mất năm 1820, tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, hay còn gọi là Nguyễn Ánh. Ông là người sáng lập ra triều Nguyễn, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ. Ông trị vì đất nước từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Nguyễn Ánh được sinh ra trong dòng dõi nhà chúa. Ông là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, ở Đàng Trong. Ông cũng là người sử dụng quốc hiệu Việt Nam. Cuộc đời vua Gia Long đã phải trải qua nhiều thăng trầm.
Đánh giá về vị vua sáng lập triều Nguyễn, có nhiều ý kiến khác nhau. Trần Cao Sơn viết: “Nguyễn Ánh đã trải qua những nguy hiểm tày núi, cái chết cận kề, thế rồi ông vẫn thoát. Cái may mắn có được của ông là cái rất hiếm hoi mà người đời khó bắt gặp...
Những truyền thuyết dân gian như Nguyễn Ánh có trời giúp, nổi phong ba ngăn chặn Tây Sơn; hay rắn thần xuất hiện đưa ông đến nơi an toàn trong lúc lâm nguy trên đảo Thổ Châu... được lưu truyền tận về sau cũng xuất phát từ những sự thật kỳ diệu đến mức khó tin này...
Đáng tiếc, sau khi nắm toàn bộ quyền binh trong tay, ông lại thực hiện những cuộc báo thù man rợ, ít có trong lịch sử đối với một Hoàng đế; lo thu vén quyền binh và bổng lộc cho cá nhân và dòng tộc. Ông không biết phát huy những quy luật phát triển mới của thời đại, lại đưa đất nước trở lại con đường mòn cố hữu lạc hậu của lịch sử”.
Trần Trọng Kim thì nhận định: “Vua Thể tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục. Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy”.
Qua hai nhận xét trên, ta thấy vua Gia Long là người có tài trí, khôn ngoan, cũng như gặp được nhiều may mắn. Vua Gia Long đến nay còn gây ra nhiều tranh cãi trong giới sử học. Nên khi viết, hay đánh giá về ông, thật khó đưa ra những kết luận cuối cùng.
Trong Vũ trung tuỳ bút, ta thấy Phạm Đình Hổ không hay nhắc về vua Gia Long. Mặc dù Phạm Đình Hổ là người sống cùng thời với vua Gia Long, từng đi thi Hương ba lần, nhưng không đỗ. Năm 1820, ông được triệu vào Huế, nhưng do ốm nên không đi được. Đến đời vua Minh Mệnh, Phạm Đình Hổ giữ chức Hành tẩu Viện Hàn lâm.
Về vua Gia Long, hầu như không thấy Phạm Đình Hổ đánh giá gì trong Vũ trung tuỳ bút, ông chỉ đưa ra một câu chuyện, nhưng câu chuyện đó lại viết về một người dị tật: “Mùa thu năm Ất Sửu (1805) đời Gia Long, ở Sơn Nam, huyện Tiên Lữ, có một người đàn bà sinh ra một đứa con trai hai đầu, từ rốn trở lên chia ra hai thân thể có ngấn liền nhau.
Khoảng giữa hai cổ lại mọc ra một bàn tay tám ngón, còn thì hai tay hai chân cũng giống như người thường, không có gì khác. Hai đầu thì một đầu không ăn được, một đầu chỉ lấy sữa nhỏ vào cho, được vài ngày thì đứa bé ấy chết. Quan địa phương có vẽ hình chuyển tư lên quan trấn Bắc Thành. Không biết là điềm quái gở gì”.