Châu Phi căng thẳng giữa đại dịch
Tại Nam Sudan, tình hình trở nên nghiêm trọng khi Tổng thống, phu nhân Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 15 lãnh đạo cao cấp, 42 tướng lĩnh khác của quân đội của nước này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đến ngày 16/10, tại Nam Sudan đã có 2.798 người nhiễm bệnh, trong đó 55 người đã tử vong.
Tương tự, ở Trung Phi mỗi ngày có hàng trăm ca nhiễm mới. Theo số liệu cập nhật của Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam, ngày 16/10, nước này đã có tới 4.885 ca nhiễm và vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, cả Trung Phi và Nam Sudan đều có hệ thống trang bị y tế yếu kém, chi phí hạn hẹp, ít bệnh viện nên việc xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch rất hạn chế.
Đóng gói vật tư, thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch vận chuyển sang Nam Sudan. |
Dữ liệu từ Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) cho thấy Nam Sudan chỉ có 4 máy thở và 24 giường chăm sóc đặc biệt cho dân số 12 triệu người.Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế ở Nam Sudan sẽ chỉ cho tối đa 4 bệnh nhân Covid-19 sử dụng máy thở cùng lúc nếu họ không may nhiễm virus SARS-CoV-2. Nỗi lo lớn hơn nữa của các chính quyền địa phương, lực lượng Liên Hợp quốc nói chung và lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam nói riêng là cả hai nước này đều không có nhiều và đủ bộ kit xét nghiệm cho những người nghi nhiễm.
Dù vậy, các chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế mà Liên Hợp quốc giao phó, đồng thời phải phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.
Cùng chống đại dịch
Dự kiến sắp tới sẽ là thời gian hết sức khó khăn tại Nam Sudan khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh từng ngày, vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền nước sở tại. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Nam Sudan là một trong 5 nước châu Phi có tỷ lệ người mắc Covid-19 tăng nhanh nhất và là một trong những nước đứng đầu về mức độ nguy hiểm trong đại dịch.
Dù vậy, tính đến ngày 10/6, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Bentiu, Nam Sudan đã tiếp nhận, thu dung và điều trị cho 927 bệnh nhân, trong đó có 4 ca vận chuyển đường không và 20 ca phẫu thuật. Các bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều bày tỏ sự ấn tượng, hoàn toàn hài lòng với thái độ ân cần, trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ của cán bộ nhân viên y tế của Bệnh viện.
Dung dịch sát khuẩn trong số vật tư, thiết bị y tế chuyển sang chi viện. |
Vào giữa tháng 7/2020, 13 sĩ quan thuộc lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đã trở lại Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp quốc ở Cộng hòa Nam Sudan để trả phép sau hơn 3 tháng kẹt lại vì đại dịch Covid-19.Khác với những đợt trả phép thông thường, lần này nhiệm vụ của họ đặc biệt hơn với hành trang gồm nhiều vật tư, thiết bị y tế hỗ trợ phòng, chống dịch cho lực lượng của ta và người dân nước sở tại đang ở “điểm nóng” của dịch.
Những vật tư, thiết bị y tế cấp thiết được các chiến sĩ Việt Nam mang theo sang Nam Sudan gồm: Khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, kính chống giọt bắn, một số thực phẩm chức năng, thuốc men hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và hệ hô hấp...
Còn lại 1,8 tấn vật tư, thiết bị y tế còn lại được đóng gói để gửi theo đường chuyển phát nhanh kịp tới địa bàn cung cấp bổ sung cho Bệnh viện dã chiến 2.2 tại địa bàn Bentiu (Cộng Hòa Nam Sudan). Sau khi khoản kinh phí 2 tỷ đồng được Bộ Quốc phòng phê duyệt nhằm hỗ trợ lực lượng mũ nồi xanh tại địa bàn phái bộ ứng phó với đại dịch Covid-19, các cơ quan Cục Quân y, Học viện Quân y được giao nhiệm vụ đã khẩn trương chuẩn bị số vật tư, thiết bị và thuốc cần thiết này để vận chuyển sang địa bàn trong thời gian sớm nhất có thể.
Khu cách ly tại BVDC 2.2 của Việt Nam tại Nam Sudan. |
Trong khi đó, Trung tá Võ Văn Hiển (Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.2) cho biết, ngay từ khi đại dịch bùng phát, Bệnh viện đã có sự chuẩn bị về các trang thiết bị và vật tư tiêu hao phục vụ phòng, chống dịch bệnh cũng như các hoạt động y tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 9 tháng, mặc dù sử dụng rất tiết kiệm nhưng các trang thiết bị, vật tư y tế của Bệnh viện phục vụ việc phòng, chống dịch đang dần cạn kiệt. Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân và số ca lây nhiễm tại khu vực tiếp tục tăng lên sẽ là điều khó khăn cho Bệnh viện.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, chính quyền Nam Sudan và phái bộ Liên Hợp quốc đã đóng cửa các đường bay quốc tế và ngừng các chuyến bay của Liên Hợp quốc tại địa bàn. Do đó, việc vận chuyển, cung cấp hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế từ Việt Nam không thể thực hiện được.
Bởi vậy, đợt cung cấp hàng hóa lần này của các cán bộ, nhân viên bệnh viện trả phép mang sang và bằng đường truyền phát nhanh có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp bệnh viện làm tốt công tác điều trị, dự phòng lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên cũng như bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện.
Trung tá Võ Văn Hiển cho biết thêm, khi đại dịch bùng phát, Bệnh viện đã nhanh chóng đưa vào sử dụng, cung cấp vật tư, thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên, tặng cho các đơn vị bạn và bệnh viện địa phương để phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, với đợt hàng hóa được cung ứng bổ sung, Bệnh viện dã chiến 2.2 đã sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ đơn vị bạn và Bệnh viện địa phương trong khả năng cho phép nếu được yêu cầu.