Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 10- Hiệp Tôn Giả đứng tựa gốc cây nhìn xuống Phú Na Dạ Xà chắp tay thi lễ. Tượng Hiệp Tôn Giả đứng chững chạc, các mảng căng mịn, toát ra cái thần của nhân vật đầy nghị lực và sung sức. Ở chùa Tây Phương (Hà Nội), tượng Hiệp Tôn Giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách, nhưng nhấn mạnh da thịt phốp pháp mịn bóng của tuổi đời còn sung sức, mắt tròn sáng như nhìn xoáy tâm can người đối diện, môi mím ít nói, giàu nghị lực.
Xuất gia ngộ Thiền
Tổ Hiệp Tôn Giả, sinh sau Đức Phật nhập Niết Bàn 361 năm, con của ông Hiệp Thành Huỳnh, mẹ là bà Châu Phước Truyền, ở nước Ấn Độ. Tươnhg truyền người mẹ mang thai Ngài đến 60 năm! Sau khi Ngài ra đời, gặp Tổ Phục Đà Mật Đa, Tổ hỏi: Ngươi ở trong thai mẹ chi mà lâu như thế? Ngài trả lời, con đợi đủ duyên mới đến. Tổ hỏi: Đến để làm gì? Ngài thưa: Đến để dạy người về nhà.
Tổ hỏi: Ngươi có biết đường không mà dạy người khác? Ngài thưa: Con nhờ Thầy chỉ dạy. Tổ liền xin cha mẹ Ngài cho Ngài cho Ngài xuất gia, cha mẹ Ngài bằng lòng. Khi xuất gia, Ngài rất cần mẫn lo tu học, quên ăn quên ngủ. Vì ngài tinh tiến tu hành, không hề nằm nghỉ, vị tằng hiếp ngọa nên người đương thời gọi ngài là Hiếp Tôn Giả, Hiếp Tì Khưu, Hiếp La Hán, Trưởng lão Hiếp, Cần Tì Khưu (tỉ khưu siêng năng, v.v...).
Ban đầu, Tôn Giả là một vị Phạm chí. Năm 60 tuổi ngài mới xuất gia, bị các tì khưu trẻ chê cười là già cả suy yếu, không tiến tu được, mới lạm dự vào hàng xuất gia để mưu cầu việc ăn no mà thôi. Tôn giả nghe những lời dèm pha ấy liền tự phát nguyện: Nếu không thông suốt lí Tam tạng, dứt trừ tham dục để được 6 thần thông và 8 giải thoát, thì trọn đời quyết không đặt lưng xuống chiếu (hiếp bất chí tịch).
Trải qua 3 năm, Hiệp Tôn Giả đã dứt hết tham dục trong 3 cõi, chứng được Tam minh. Vì vậy, sau mới có thơ rằng: Lưng không dính chiếu hạnh kiên cường/ Mẫu mực chân thân sáng tợ gương; Trơ lạnh bách tùng người ngưỡng mộ/ Sáng soi nhật nguyệt chúng kề nương. Thanh cao khí tiết không ai sánh/ Chí cả nguyện thâm mấy kẻ tường; Khắp chốn xưa nay đều kính trọng/ Mây lành tốt đẹp trải nghìn phương.
Pho tượng tổ Hiệp Tôn Giả tại chùa Tây Phương (Hà Nội) |
Ngài theo học với Tổ Phục Đà Mật Đa được 10 năm, một hôm Tổ hỏi: Ngươi ở trong bụng mẹ lâu, khi ra đời tu học quên ăn quên ngủ, đã lâu như vậy, nay được gì rồi? Ngài thưa với Tổ: Con không được gì hết, mà chỉ biết “Thôi”. Tổ hỏi: Biết “Thôi” là “Thôi” cái gì? Ngài thưa: Con chỉ biết “Thôi” hết, vậy con trình cái “Thôi” của con, xin Thầy kiểm nhận, Ngài liền trình bày 60 câu kệ: Ở trong vật lý Luân hồi/ Sanh rồi đến tử, tử rồi đến sanh.
Ở trong vật lý loanh quanh/ Sanh già bệnh chết, hơn tranh cái gì? Thầy dạy, con biết tức thì/ Niết bàn thanh tịnh là y cội nguồn; Con xin nghe dạy luôn luôn/ Không nằm không ngủ nhớ luôn Tánh mình. Tánh mình khi nhận lặng thinh/ Không cần tìm kiếm tự mình biết “Thôi”; Cái biết “Thôi”, ở Tánh tôi/ Thấy, Nghe, Pháp, Biết, Luân hồi, “Thôi” xen. Tánh nghe thanh tịnh không chen/ “Thôi” vào vật lý, “Thôi” hèn, “Thôi” sang; Thiền tông Phật dạy rõ ràng/ Lìa xa vật lý về an quê mình.
Ngày xưa Phật dạy núi Linh/ Là thiền Thanh tịnh tuyệt linh cõi này; Thiền tông Phật dạy như vầy/ Không dính vật lý, là đây Niết bàn. Sống được như vậy bình an/ Luân hồi sinh tử không màng đến chi; Thiền Thanh phải nhận tức thì/ Luân hồi sinh tử phiền chi đến mình. Thầy dạy con chỉ lặng thinh/ Danh đây lợi đó, con đừng dính nghe; Chỉ cần thanh tịnh mà nghe/ Nghe tiếng vật lý, không khoe với người. Trong lòng luôn được vui tươi/ Tiếp xúc người vật luôn cười mà thôi; Con luôn làm vậy được rồi/ Niết bàn sinh tử là “Thôi” tìm mình.
Tượng Hiệp Tôn Giả của nghệ nhân Đào Văn Bổi |
Ngày xưa Phật dạy núi Linh/ Chỉ cần thanh tịnh là mình được an; Đức Phật chỉ dạy rõ ràng/ Không dính vật lý là an muôn đời. Thầy dạy con đã “Thôi” rồi/ Tuyệt ý Phật đà đời hết tử sanh; Dù trong tam giới như tranh/ Chỉ “Thôi” vật chất, là “Thôi” Luân hồi. Thiền tông phải biết chữ “Thôi”/ Những thứ vật lý là “Thôi” kiếm tìm; Thiền tông đừng nói huyên thuyên/ Chỉ cần nhận liền tánh Thấy và Nghe. Tánh Nghe thăm thẳm cứ nghe/ Nghe trong thanh tịnh, không nghe Luân hồi; Thiền tông thực hiện vậy thôi Nếu tìm hay kiếm vào đời trầm luân.
Vì vậy, Đức Phật dạy “Dừng”/ Không nghe Luân hồi là Giải thoát ngay; Hôm nay con xin trình bày/ Xin Thầy thọ ký lời này cho con. Dù cho biển cạn núi mòn/ Hư không có hoại lòng con vẫn bền; Nhờ Thầy con đã vượt lên/ Sống với cái biết, vượt trên Luân hồi. Hôm nay con trình Thầy rồi/ Xin Thầy kiểm nhận, ý thời của con; Con xin giữ mãi lòng son/ Truyền đi pháp Phật hằng còn thế gian.
Nghe xong, Tổ Phục Đà Mật Đa khen: Ngươi nay đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, ta nay đã hết duyên ở thế giới này, vậy Ngươi chuẩn bị ta sẽ hành lễ truyền “Bí mật Thiền tông” cho Ngươi, để làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Mười. Ngài Hiếp Tôn Giả hết sức vui mừng và cám ơn Tổ Phục Đà Mật Đa. Đúng một tuần sau, tại chánh điện Thiền tông chùa Thiền tông Trường Ẩn lễ truyền "Bí mật Thiền tông" được tiến hành.
Chấn hưng Phật pháp
Bấy giờ ở Trung Ấn Độ có ngài Mã Minh học theo Bà La Môn có tài hùng biện, tranh luận với các vị tì khưu nhằm công kích Phật giáo, trong giới tăng sĩ không ai địch lại, nên Phật giáo ở Trung Ấn Độ rơi vào tình trạng suy đồi. Hiếp tôn giả muốn cứu vãn vận mệnh của Phật giáo, liền đến thành Hoa Thị biện luận với Mã Minh, Mã Minh bị chiết phục và xin theo Tôn giả làm đệ tử, thụ giới Cụ túc. Sau đó, Tôn giả trở về Bắc Ấn độ, còn ngài Mã Minh ở lại thành Hoa thị để hoằng dương Phật pháp.
Sau khi về đến nước Ca Thấp Di La, Hiệp Tôn Giả vâng mệnh vua Ca Nhị Sắc Ca tham gia với 500 vị Thánh hiền biên soạn luận Đại Tì Bà Sa. Khi lãnh thọ chánh pháp xong, Ngài đi vân du các nơi tùy cơ giáo hóa. Đến nước Hoa Thị, Ngài tạm nghỉ dưới cây đại thọ. Khi ấy, Ngài lấy tay chỉ xuống đất bảo chúng: Khi nào đất này biến thành màu vàng, sẽ có một thánh nhơn vào hội.
Ngài vừa nói dứt lời, đất liền biến thành màu vàng. Chốc lát có một thanh niên con nhà giàu tên Phú Na Dạ Xa đến trước Ngài đứng chắp tay, Ngài hỏi: Ngươi từ đâu đến? Thanh niên thưa: Tâm con chẳng phải đến. Ngươi dừng chỗ nào? Tâm con chẳng phải dừng. Ngươi chẳng định sao? Chư Phật cũng thế. Ngươi chẳng phải chư Phật. Chư Phật cũng chẳng phải.
Ngài nhân đó nói bài kệ: Đất này hóa sắc vàng/ Biết có thánh nhân sang/ Ngồi dưới cây bồ đề, Hoa giác nở hoàn toàn. Phú Na Dạ Xa cũng đọc bài kệ: Thầy ngồi đất sắc vàng/ Thường nói nghĩa chơn thật/ Xoay ánh sáng chiếu con/ Khiến vào nơi chánh định. Ngài biết ý Phú Na Dạ Xa lòng cầu đạo rất thiết tha, nên độ cho xuất gia và truyền giới cụ túc. Sau, Ngài truyền pháp cho đệ tử là Phú Na Dạ Xa. Truyền pháp xong, Hiệp Tôn Giả liền hiện thần biến, hóa lửa tự thiêu rồi nhập Niết Bàn. Bổn chúng sinh dùng y bọc xá lợi và khắp nơi đều xây tháp cúng dường rồi thị tịch. Vua tôi, chư phật rất thương tiếc, làm lễ trà tì, thu nhặt xá lợi xây tháp cúng dường.