Niềm vinh dự này cùng với cuộc đời hoạt động cách mạng được Thiếu tướng Trần Kinh Chi chia sẻ một cách chân thực và sinh động trong “Hồi ký Trần Kinh Chi” do nhà báo Đào Trung Uyên chấp bút. Kể lại cuộc đời mình trong cuốn sách “Hồi ký Trần Kinh Chi”, Thiếu tướng Trần Kinh Chi mong muốn cung cấp thêm những tư liệu, góc nhìn về những sự kiện lịch sử của đất nước qua lăng kính của một người trong cuộc.
Bước ngoặt đến với cuộc đời Thiếu tướng Trần Kinh Chi vào năm 16 tuổi, đó là được gặp gỡ cách mạng sau những năm tháng ấu thơ “phần khổ nhiều hơn phần sung sướng, phần u buồn nhiều hơn phần vui tươi”. Ông tâm sự: “Khoảng tháng 6/1943, khi tôi ở tuổi 16, tôi chính thức đặt chân đến với cách mạng, khiến cả chặng đời sau của tôi hoàn toàn đổi thay theo chiều hướng tôi không bao giờ ngờ đến”.
Đến với cách mạng, dù phải trải qua cuộc sống kham khổ, thiếu ăn, “có thể bị bỏ tù, tra tấn, xử tử bất cứ lúc nào” nhưng Trần Kinh Chi và các đồng chí khác không mảy may nghĩ đến những điều ấy mà chỉ dồn hết trí lực vào hoạt động. “Chúng tôi không hề nghĩ đến việc nếu bị bắt thì ứng phó ra sao, khai báo thế nào, thái độ đối với chính quyền ra sao, các phương án trốn tù… Tôi cũng chẳng còn nghĩ ngợi gì đến chuyện yêu đương, ăn diện, hưởng thụ, ngay cả những người ruột thịt tôi cũng không quan tâm được nhiều. Tôi chỉ tập trung dấn thân vào các hoạt động cách mạng cho thỏa chí làm trai thời loạn lạc và thực hiện lý tưởng cách mạng”, ông viết...
Năm 1950, từ Nha Công an Trung ương, Trần Kinh Chi được biệt phái sang Bộ Quốc phòng để tăng cường cho quân đội. Cũng từ đây, ông bắt đầu khoác áo lính, bắt đầu một hành trình sự nghiệp mới vô cùng sôi động và có nhiều sự kiện đáng nhớ gắn với những trang sử chói lọi của dân tộc cũng như vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại mà ông kính yêu như người Cha. Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Trần Kinh Chi.
Trong cuốn hồi ký của mình, Thiếu tướng Trần Kinh Chi dành nhiều tình cảm cho Bác Hồ. Tháng 1/1951, Thiếu tướng Trần Kinh Chi nhận được nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ Bác Hồ trong sáu ngày Bác đi làm việc với các đơn vị bộ đội. Chuyến công tác Việt Bắc sáu ngày với Bác đã trở thành “ký ức vô cùng đẹp đẽ, đặc biệt” trong lòng Trần Kinh Chi. Bởi từ chuyến công tác này, ông đã học được ở Bác những bài học về lối sống, lý tưởng cách mạng, đạo đức của người chiến sĩ một cách sinh động.
Bạn đọc sẽ không tránh khỏi xúc động trước những trang văn mà ở đó chất chứa rất nhiều tình cảm mà Thiếu tướng Trần Kinh Chi dành cho Bác, nhất là thời điểm Bác mất. Ông kể: “Ngày 2/9/1969, như nhiều đồng chí khác, tôi trải qua cú sốc mất đi người Cha kính yêu. Những kỷ niệm ấm áp bên Bác ùa về trong lòng tôi như dòng suối ấm vỗ về trái tim đang trải qua cơn xúc động mạnh. Ngày 2/9/1969 vĩnh viễn lưu dấu trong lòng tôi bởi sự ra đi của người Cha, người thầy cách mạng tôi trọn lòng thương mến”.
Đặc biệt, cũng trong cuốn hồi ký này, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hấp dẫn mà hầu như từ trước tới nay rất ít tài liệu nhắc đến. Bởi lẽ, những thông tin này không phải ai cũng được biết. Sở dĩ Thiếu tướng Trần Kinh Chi có được là do đặc thù công việc của ông lúc đó trên cương vị là Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội.