Ông Trần Trọng Vĩnh tâm sự, năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, ông lên đường nhập ngũ, vào chiến trường. Từ một chiến sĩ, trở thành cán bộ đại đội năm 1980, ông luôn luôn được cấp trên khen ngợi, đồng đội quý mến vì tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy sáng tạo, sống nhiệt thành, hết lòng vì đồng đội.
Trên hành trình chiến đấu gian khổ, ông Vĩnh nhiều lần bị thương “xoàng” nên vẫn kiên quyết sát cánh cùng đồng đội chiến đấu. Đến năm 1982, ông bị thương nặng tại gan bàn chân (thương binh hạng 4/4) không thể tiếp tục chiến đấu mới nên được cho xuất ngũ, về địa phương ông đảm nhận vị trí Phó Công an phường 2. Nhiều năm sau đó, ông đều được tín nhiệm, gắn với công tác lãnh đạo tại phường. Năm 2010, ông nghỉ chế độ nhưng vẫn tiếp tục công tác địa phương, làm trưởng Ban bảo vệ dân phố cho đến nay.
Ông Vĩnh tâm sự, sở dĩ ông được toàn tâm toàn ý lo cho công tác là nhờ có “hậu phương vững chắc” là người vợ đảm đang, tháo vát và những người con ngoan ngoãn, giỏi giang. Nhờ vợ và các con ông chăm chỉ tăng gia, chăn nuôi, sản xuất mà kinh tế gia đình mới đủ ăn đủ mặc, để ông yên tâm công tác. Đến nay các con ông đều đã trưởng thành, công việc ổn định, kinh tế khá giả; bản thân ông từ khi về hưu thì chuyên tâm lo công tác xã hội thiện nguyện.
Nhận thấy việc chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường, vợ chồng ông chuyển xây 30 phòng trọ để làm dịch vụ và giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Bản thân ông là Trưởng Ban Bảo vệ dân phố nên nhận trách nhiệm giúp đỡ, động viên, uốn nắn nhiều con em nghiện ma túy, quậy phá trong khu phố tiến bộ, hoàn lương, làm lại cuộc đời. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông đã vực dậy nhiều mảnh đời lầm lỡ khiến không chỉ gia đình có con em bị nghiện mà bà con dân phố ai cũng cảm kích.
Đơn cử như trường hợp anh Hoàng Vinh ở cùng phố từ lâu đã coi gia đình ông Vĩnh là vị ân nhân đã giúp anh vượt qua bóng tối cuộc đời sau 2 lần vào tù liên quan đến ma túy. Gần 2 năm trước, Vinh mãn hạn tù, trở về nhà với đôi bàn tay trắng. Gia đình khó khăn, nhất là sau bao năm Vinh chơi bời, gia cảnh càng khốn đốn hơn. Qua thăm gặp và chuyện trò với Vinh, ông Vĩnh đã khơi dậy khát vọng hoàn lương ở thanh niên này và tận tình giúp đỡ Vinh mở nhà máy nước đá. Chính ông đứng ra bảo lãnh tại ngân hàng để Vinh vay được nguồn vốn mấy trăm triệu đồng đầu tư làm ăn.
Hiện nay, Vinh và gia đình có thu nhập ổn định, trở thành gia đình văn hóa trong khu phố. Hay như việc gia đình ông cưu mang, giúp đỡ mẹ con chị Nguyễn Thị Thu ở phường 4 (TP Đông Hà) cho ở nhờ, không lấy tiền trọ trong 2 năm liền. Nhờ vậy mẹ con chị Thu đã qua cơn bĩ cực, lũ trẻ không bị lỡ dở học hành, lòng hảo tâm và trách nhiệm với cộng đồng của ông Trần Trọng Vĩnh thật đáng trân quý!