Nguyễn Kính đối với nhà Mạc là công thần, nhưng đối với sử gia nhà Hậu Lê, thì Nguyễn Kính được cho là có tính hung hãn, vô lại. Nguyễn Kính (1508 - 1572) người xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Việt Nam.
Ông là người khoẻ mạnh, thông minh, sinh ra trong một gia đình làm nghề đốn củi. Nguyễn Kính ban đầu phò trợ nhà Lê, nhưng sau đó cùng với Nguyễn Áng theo phò Mạc Đăng Dung, tức Mạc Thái Tổ sau này. Sau khi nhà Mạc ra đời, Nguyễn Kính được phong tước Tây Thanh hầu rồi Tây quận công trấn giữ vùng Sơn Tây.
Nhận định về Nguyễn Kính thật không dễ, có người nói ông phản phúc. Nhưng có người nói ông bộc trực, hơn nữa, vào thời đó, nhà Hậu Lê đã đổ nát, thì hành động của Nguyễn Kính không đáng phải chê trách. Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ có cái nhìn đi giữa hai nhận định trên. Ông kể về Nguyễn Kính là một vị tướng, cũng như những tình tiết bên lề không liên quan đến các nhận xét của sử gia.
Theo Phạm Đình Hổ, đời Tiền Lê, ở làng Dị Nậu huyện Thạch Thất, có một người họ Nguyễn nghèo đói, đi ăn xin, về sai, làm tên phu quét ngõ ở làng ấy, dựng một cái nhà nhỏ ở ngoài đầu ngõ, nấu nước chè tươi bán, làm kế sinh nhai. Sau nhà có cái gò nhỏ, lại có ngòi nước chảy vòng quanh; trên gò cây cối um tùm. Anh hàng nước ấy liền nói với ấp trưởng xin cho chặt để làm củi; dần dần chặt trụi hết cả; cuối cùng anh ta làm nhà lên gò để ở, và sinh được một người con tên là Kính.
Như vậy, Nguyễn Kính được sinh ra trong gia đình nghèo. Tuy Phạm Đình Hổ không kể về tài năng hay chân dung Nguyễn Kính, nhưng qua đoạn này, ta thấy Nguyễn Kính là người giỏi giang đương thời: “Khoảng năm Quang Thiệu đời Lê, làm quan đến chức Đặc tiến Phụ quốc Tướng quân, Cẩm Y vệ Đô Chỉ huy sứ. Khi nhà Mạc khởi lên, ông ta có công giúp đỡ nên được mở phủ Tây Quốc Công riêng, họ hàng thân thích nhiều người làm quan to. Chúa Mạc vì thế sinh lòng ghen ghét.
Nguyễn Kính bèn cùng với Tứ Dương Hầu Phạm Đồn, phò Mạc Tông Vương xưng hiệu là Chính Trung nguyên niên, chiếm cứ thành Lạng Sơn, rồi đánh lấy châu Khâm châu Liêm của Trung Hoa, rồi đánh lấy cả các châu huyện tỉnh Quảng Đông. Vì vậy, việc cống tiến của nhà Mạc sang triều Minh bị nghẽn đường.
Người nhà Minh trách hỏi, chúa Mạc sợ, sai người chiêu dụ Nguyễn Kính về hàng. Kính lại về theo nhà Mạc. Chúa Mạc mới tứ tính (nghĩa là ban cho theo họ nhà vua), cho theo về Mạc thị, phong làm Tây Kỳ Vương, còn vua Chính Trung thì bị quân Minh đánh thua, chạy về Lạng Sơn, quân Mạc lại đánh cho tan tác, chạy về Hải Dương. Phạm Đồn chết, Chính Trung rồi cũng tuyệt diệt. Mạc Kính thì được thọ chung, mộ táng ở núi Thổ Sơn, làng Cần Kiệm”.
Đoạn này cho thấy Nguyễn Kính có tài cầm quân, không nhưng làm cho chính nhà Mạc lo sợ, mà đến nhà Minh (Trung Hoa) cũng phải khiếp vía.
Những ghi chép về Nguyễn Kính, theo Phạm Đình Hổ là không có nhiều, nên ông thấy tiếc. Phạm Đình Hổ cho biết, quan Đại Học sĩ nhà Thanh là Trương Ngọc Thư phụng soạn bộ sách Minh sử liệt truyện, có phụ chép truyện Nguyễn Kính, người huyện Thạch Thất là kẻ cường thần nhà Mạc, giúp vua Chính Trung chiếm cứ được nửa phần nước Nam, đánh sang cả châu Khâm, châu Liêm, người Minh phải lo sợ. Chuyện như thế mà Nam sử không thấy chép thì sơ lược quá.