CITES Việt Nam đồng hành cùng học sinh Hà Nội chung tay bảo vệ Tê Giác

(PLO) -  Ngày 21/9, tại trường Tiểu học Tây Sơn - Hà Nội, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành Phố Hà Nội phát động chương trình “Học sinh Hà Nội chung tay bảo vệ Tê Giác”.
Gần 3000 học sinh trường tiểu học Tây Sơn truyền tải thông điệp bảo vệ loài Tê giác
Gần 3000 học sinh trường tiểu học Tây Sơn truyền tải thông điệp bảo vệ loài Tê giác
Hưởng ứng ngày Tê giác Thế giới 22/9/2015, lễ phát động “Học sinh Thủ đô chung tay bảo vệ tê giác”, tại trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội đã có buổi lễ long trọng thu hút gần 3000 học sinh cùng hàng trăm đại biểu, quý thầy cô đến từ các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tham gia.
Chương trình được sự hỗ trợ của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giáo dục thành phố Hà Nội, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, Đại sứ quán CH Nam Phi tại Hà Nội, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CH Nam Phi Bà Kgomotso Ruth Magau…..
Trong buổi lễ hôm nay, các học sinh trường Tiểu học Tây Sơn đã sưu tập những tranh ảnh, thông tin, áp – phích, poster nêu bật thông điệp của chương trình, đó là: Sừng Tê giác không phải là dược liệu quý hiếm, sừng tê giác không khác gì móng tay, móng chân của con người…vì vậy, con người không nên sử dụng, săn bắn Tê Giác khi chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và biến mất h trong tương lai.
Học sinh trường tiểu học Tây Sơn sôi nổi trong chiến dịch bảo vệ Tê Giác
 Học sinh trường tiểu học Tây Sơn sôi nổi trong chiến dịch bảo vệ Tê Giác 
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cho biết : “Gần 600.000 học sinh khối tiểu học toàn thành phố sẽ chuyển tải thông điệp bảo vệ Tê giác, bảo vệ động vật hoang dã tới gia đình và khu phố thông qua những hoạt động hết sức ý nghĩa như tham dự cuộc thi vẽ tranh, kể truyện….để cùng chung tay bảo vệ loài động vật này”.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là Hiệp định đa phương nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Công ước được ký năm 1973 và chính thức có hiệu lực vào năm 1975.
Mục tiêu của công ước nhằm đảm bảo rằng hoạt động buôn bán quốc tế không đe dọa sự sống còn của các loài động vật, thực vật hoang dã trong tự nhiên.
CITES sử dụng khung pháp lý chung áp dụng cho toàn bộ 181 quốc gia thành viên nhằm quản lý hoạt động buôn bán trên 35 nghìn loài động vật, thực vật hoang dã.
Chính phủ Việt Nam ký kết tham gia CITES và trở thành thành viên chính thức thứ 121 của Công ước vào năm 1994. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam là cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên đối với CITES, có trụ sở đặt tại Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các cơ quan khoa học CITES Việt Nam có nhiệm vụ tư vấn cho Cơ quan quản lý CITES về tình trạng bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã trong tự nhiên, khả năng nuôi trồng nhân tạo nhằm đảm bảo hoạt động buôn bán quốc tế, các loài được bền vững.

Đọc thêm