Cơ cực cảnh miệt mài những mẻ quăng, cào... ven thủ đô

(PLO) - Cuộc sống bám sông nước tưởng như chỉ xuất hiện tại những vùng ven biển, ven sông, thế nhưng ngay tại thủ đô, hàng trăm hộ dân vẫn lấy công việc cào hến làm nghiệp mưu sinh. 
Tuy vất vả nhưng cào hến là nghề chính của nhiều hộ dân trong làng
Tuy vất vả nhưng cào hến là nghề chính của nhiều hộ dân trong làng
Cái nghề đã gắn bó với họ từ vài chục năm, sống nhờ hến, xây nhà, nuôi con ăn học nhờ hến, thậm chí nhiều người cũng chết do hến. Dù biết là vất vả và nguy hiểm luôn rình rập nhưng hàng ngày người dân nơi đây vẫn phải bám riết với nghề vì miếng cơm, manh áo.
Nghề ngâm mình dưới dòng sông
Ngày nào cũng vậy, công việc của người cào hến ven sông Bùi ở xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào khoảng 2, 3h chiều. Một ngày theo chân những người phụ nữ cào hến tôi mới thấu hiểu được sự vất vả cũng như sự nguy hiểm của cái nghề “bạc mệnh” này.
Hến có quanh năm, nhưng rộ mùa chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tháng 3, sông cạn nước hơn, con hến qua một mùa mưa cũng sinh sôi nảy nở nhiều và đó là dịp để người làm nghề nhộn nhịp một mùa hến mới. 
Nghề cào hến đòi hỏi người làm nghề phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình hàng giờ dưới nước. Với những người dân xã Hữu Văn, cào hến là công việc mưu sinh đã gắn bó với họ từ hàng chục năm, đời này qua đời khác. Lúc rộ mùa hầu như cả làng đều cùng nhau cào hến, từ sông nhỏ tới sông lớn quanh vùng.
Hến nằm sâu dưới đáy sông nên công việc cào hến khá vất vả. Để có thể vào nghề, yêu cầu đầu tiên với người làm nghề là phải thạo bơi lội và giỏi chịu lạnh. 
Dụng cụ làm nghề của họ rất đơn giản, chỉ một chiếc cào bằng sắt (có cán cầm dài khoảng 50cm) được nối với một sợi dây trạc dài khoảng hơn 10 mét, đầu dây còn lại buộc vào người, một chậu nhựa (hoặc nhôm) để đựng hến cũng được buộc chặt vào người.
Trầm mình trong dòng nước lạnh, chị Nguyễn Thị Thuận ở xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội có hai mươi năm trong nghề cho biết: “Cái nghề này vất vả, cơ cực lắm, nhưng vẫn phải làm; không làm thì không có tiền lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tất cả vì miếng cơm, manh áo. Khổ nhất là mùa đông, vừa cào hến vừa run,  chân tay ai cũng thâm tím vì lạnh, nghĩ mà tủi thân”. 
Theo người dân trong vùng, bây giờ cào hến không dễ dàng như trước, phải đi xa mới có hến mang về bởi nhiều người cào, hến bị cạn kiệt, nhiều lần cào đầy những vỏ không. 
Để bắt được những con hến nằm sâu dưới lòng đất phải ngâm mình dưới nước cả ngày, đôi tay nắm chắc cán chiếc cào, dùng lực ghì mạnh xuống đáy kênh, cùng nhịp đôi chân lùi về phía sau, rồi phải gồng mình đứng dậy từ từ kéo chiếc cào từ đáy sâu cùng nhiều bùn, cát và rác thải lên lập lờ mặt nước. 
Không nghỉ tay, họ nhanh nhẹn, thuần thục xóc lên xóc xuống, đãi, chà... để lọc lấy những con hến. Cứ như vậy, không ai bảo ai họ miệt mài với những mẻ quăng, cào.
Nỗi khổ của “làng hến”
Nghề cào hến đem đến thu nhập cho các hộ gia đình, cũng có những hộ “đổi đời” nhờ cào hến nhưng làm nghề đồng nghĩa là đánh cược với thủy thần. Cả ngày dầm mình dưới nước, những buổi mùa đông, công việc cào hến luôn là nỗi ám ảnh với người làm nghề. 
Theo chị Nguyệt ở Chương Mỹ, Hà Nội thì mùa đông lội nước lạnh lắm, nhưng đây cũng là thời điểm nghề cào hến dễ kiếm ăn nhất, bởi khi ấy nước sông cạn nên dễ làm. Vì thế, người đi cào hến đông nhất là vào mùa đông, lúc này hết công việc đồng áng, ở nhà thì chết đói, đi cào kiếm chút tiền. 
Tuy nhiên, mùa lạnh, nhu cầu ăn hến giảm xuống nên giá hến bán vào mùa đông thường thấp hơn mùa hè. Để tránh rét, người trong nghề thay vì mặc áo ấm thì phải mặc áo mưa, đánh vật với dòng sông từ sáng sớm tới chiều, nhưng thu nhập của họ cũng chỉ được trên dưới 100.000 đồng/ngày.
Khi mang hến về, cả gia đình tụ tập sàng sảy lại cho sạch đất, sỏi, rong rêu. Công việc này tưởng đơn giản nhưng rất tốn thời gian và công sức do lượng bùn bám trên vỏ hến chắc, phải vừa sàng vừa rửa mới sạch. 
Hến sau khi được đãi sạch, ngâm qua nhiều lần nước rồi mới đem luộc trên một chiếc bếp tự chế của người dân trong vùng. Hến được chia luộc nhiều lần, mỗi lần chừng 3kg, hến vừa nhanh chín lại vừa sức người làm...
Anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi) đã có thâm niên cào hến từ lúc đôi mươi, chia sẻ: “Lội nước lâu, bị chuột rút là điều đáng sợ nhất đối với người làm nghề cào hến. Rồi cả những bệnh ngoài da khi phải ngâm cả thân mình dưới sông vài tiếng đồng hồ, trong khi giá hến bán không được bao nhiêu. 
Trong làng đã có nhiều người  phải bỏ nghề vì các bệnh xương khớp. Những người phụ nữ làm công việc này quá vất vả nhưng vì không có thu thập nên họ vẫn kéo nhau đi làm, chúng tôi khỏe mạnh còn đỡ, chứ nhìn những chị em gái lặn lội dưới sông thấy cũng cực lắm”.
Những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề cào hến chỉ một số ít biết bơi, bởi vậy rủi ro sông nước luôn rình rập họ. Nguy hiểm nhất là những hôm nước lớn, công việc của những “thân cò lặn lội” càng nguy hiểm. Dẫu biết cái nghề này lắm nguy hiểm nhưng không ai dứt ra được. 
Với những người trong nghề, những tai nạn gặp phải là rất khó tránh khỏi, những câu chuyện đứt chân do giẫm phải mảnh chai, mảnh sành, thủy tinh thì như cơm bữa, thậm chí bỏ cả mạng. 
Cái chết của chị Nguyễn Thị L. do đuối nước trong lúc mò hến xảy ra mấy năm về trước ở làng bên cạnh khiến nhiều người thương xót và giật mình, nhưng vì miếng cơm, manh áo nên buộc họ phải đánh cược cả số mạng. 
Rủi ro là chưa kể hết khi nhiều người còn phải đối mặt với hàng loạt các bệnh về da, xương khớp hay bệnh của phụ nữ.

Đọc thêm