Cố đẻ con trai nhưng chắc gì đã hơn con gái

(PLVN) - Trọng nam, khinh nữ là một tư tưởng phân biệt đối xử theo giới tính, trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới chế độ phong kiến. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo. Ở những vùng khác, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng này với nhiều cấp độ khác nhau.

Tư tưởng trọng nam, khinh nữ khó thay đổi

Việt Nam là nước bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là “một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có”, thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa và thậm chí cả ngày nay vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai.

Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người cúng và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai. 

Theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho thấy, Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao “bền vững” và luôn dẫn đầu cả nước về sự chênh lệch. Tỷ số này tăng liên tục trong 5 năm qua, từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009) tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014).

10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất hiện nay là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Trong số này, có địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Hà Nội cũng nằm trong top những địa phương có tỷ lệ sinh con trai cao. Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước - với 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số quận, huyện, con số này đã lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Cầu con đã khó, dạy còn khó hơn

Xã hội hiện tại, chuyện vô sinh ngày một nhiều. Không biết vì lý do nào đó mà các cặp vợ chồng càng ngày càng khó sinh con.

Nhiều cặp vợ chồng khát khao mong mỏi, chạy chữa khắp nơi mong  có được một mụn con để vui cửa, vui nhà. Thậm chí, nhiều người không thể đồng cảm trên con đường tìm kiếm ấy và họ đã phải chia tay nhau.

Chỉ có ai trong hoàn cảnh đang mong mỏi một mụn con như vậy mới hiểu được nỗi mất mát, sự khát khao cháy bỏng là như thế nào. Ấy vậy mà, trớ trêu thay với những gia đình, trời ban con gái lại luôn kén chọn làm đủ mọi cách để có con trai.

Có thể, với bạn, việc có con dễ quá, thậm chí còn sợ nhỡ nhàng, thế nên, bạn mong đủ thứ nhưng so với những người hiếm muộn ngoài kia thì bạn quá may mắn rồi. Con cái là của trời cho, nếu ông trời ban cho bạn con trai hay con gái, bạn cũng nên hạnh phúc đón nhận vì đó chính phần máu mủ của mình.

Nhiều người, vì đã sinh 2, 3 con gái mà muốn có một cậu con trai, thậm chí họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ mới thành hình. Nói ra điều này thật chẳng vui vẻ chút nào, nhưng đó là thực tế và thực tế phũ phàng ấy vẫn đang xảy ra.

Rồi cuộc sống sau này, khi nhìn đứa con trai lớn lên, bạn có bao giờ nghĩ, dưới đó, còn là một cô con gái mà mình đã tước đi quyền sống của con.

Chẳng phải có những người cha, người mẹ vì thương con mà ngay khi con ở trong bụng mẹ, có dấu hiệu dị tật theo lời bác sĩ nói, họ vẫn giữ lại? Vì họ không đành lòng tước đi quyền sống của con dù có thể sinh con ra sẽ khiến con thiệt thòi về sau.

Đó là ví dụ để minh chứng rằng, con cái là của trời cho, con cái khỏe mạnh có lẽ là điều hạnh phúc nhất trên đời mà các bậc làm cha, làm mẹ luôn mong muốn. Thậm chí đẻ con trai được rồi thì câu chuyện chăm sóc, nuôi dạy cậu quý tử cũng muôn phần gian lao.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Chuyện về gia đình chị Thu Hảo ở quận Đống Đa (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị và chồng chị đều là giảng viên đại học nên việc muốn thăng tiến trong công việc thì gia đình chị không thể sinh quá 2 con, con gái đầu của chị năm nay 7 tuổi, cả dòng họ nhà chồng chị chỉ cầu mong chị sinh thêm một thằng cu để còn nối dõi tông đường.

Tuy vợ chồng chị là người tiến bộ nhưng trong gia đình 2 bên nội, ngoại lại thúc giục chị cố sinh lấy đứa con trai.

Mọi ước nguyện cũng thành hiện thực, đầu năm ngoái chị hạ sinh được một thằng cu như mong ước của mọi người. Từ hôm biết tin chị sinh được thằng cu, mọi người mừng ra mặt. Bà nội quyết định lên sống với cháu để còn chăm cháu đích tôn của bà. Bà bảo: “Các anh, các chị bây giờ vụng lắm, không chăm nổi cháu tôi đâu”. Ngay sau hôm hai mẹ con xuất viện, bà cũng khăn gói ra Hà Nội dài ngày để chăm cháu.

Chị Hảo than thở: “Cu Tùng gần 2 tuổi rồi. Giờ nó nghịch lắm. Được bà nuông chiều từ khi sinh ra nên nó chẳng biết sợ là gì nữa. Không biết sau này nó lớn uốn nắn nó có kịp không nữa. Tôi lo lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Làm thế nào được bây giờ khi cứ muốn dạy con, uốn nắn con thì bà nội lại can thiệp vào.

Có lần nó không chịu ăn, lại phá phách làm đổ hết thức ăn lên người, tôi bực quá giơ tay đánh nó một cái vào mông. Nó khóc thét lên. Bà nó trong nhà chạy ra chưa biết chuyện gì đã bế cháu lên rồi mắng tôi là “định đánh chết cháu tôi đấy à? Nó là đích tôn nhà này đấy!”.

Người xưa có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cũng không có gì sai. Cu Tùng biết có bà chiều nó nên càng ngày càng được thể, muốn làm gì thì làm, muốn nghịch gì thì nghịch, thích quà gì hoặc thích đồ chơi gì là cứ gọi bà chứ có dám gọi bố mẹ đâu. Cu cậu mà làm gì sai, thấy bố mẹ thay đổi sắc mặt là cu cậu gọi bà như là bùa cứu sinh của cu cậu vậy. Cứ như vậy, càng ngày cu Tùng càng quá đáng, lời nói của bố mẹ dần dần không còn chút trọng lượng nào đối với nó nữa…

Sinh con gái sẽ được gì?

Xét về phụng dưỡng bố mẹ, chị và em gái thường dành thời gian chăm sóc hơn anh và em trai vì con gái sống bao giờ cũng tình cảm, biết hiếu thảo với cha mẹ hơn. Con trai nhiều người còn phá phách bắt bố mẹ trả nợ nên mọi người mới nói: “Sinh con trai sống khổ, chết sướng; Sinh con gái sống sướng, chết khổ”.

Các cụ ngày xưa cho rằng, sau này mất đi, linh hồn ngày rằm và mồng một, ngày Tết, ngày giỗ... chỉ được vào nhà con trai mình, còn nhà con gái thờ cúng đằng nội muốn vào cũng không được. Do vậy, con trai dù hư thì vẫn được coi trọng, đây chính là quan điểm tiêu cực, cần được đổi mới và xem xét lại một cách sao cho thích hợp hơn.

Bên cạnh số đông đó xuất hiện những gia đình có tư tưởng rất đổi mới: Con nào cũng như nhau, cũng được yêu thương, chăm sóc giống nhau, thể hiện sự công bằng. Con gái lấy chồng nghèo sẵn sàng cho ở rể hoặc mua căn chung cư cho ra ở riêng, miễn là con gái mình được sống sung sướng. Con trai lấy vợ cũng như vậy, thừa kế bằng nhau không con nào hơn. Đấy là những người biết nhìn xa, trông rộng và hiểu lẽ đời.

Nhiều nhà không có con trai người con gái yêu quý bố mẹ mình nên giữ chỗ thờ cúng bố mẹ mình 50% trên bàn thờ, hoặc lập một bàn thờ riêng bên cạnh, việc này rất nhiều người mang nặng tư tưởng phong kiến đang lên án cho rằng: Trái đạo lý, chửi mắng người con trai hèn bị vợ chèn ép, sợ hàng xóm đánh giá, làm ảnh hưởng hạnh phúc nhiều gia đình, nhưng đó có gì là sai, đạo lý nào cũng dạy con người đối xử với nhau nhân văn. Bố mẹ bên nào cũng ngang nhau sao cấm con gái thờ cúng được.

Chính vì nặng tư tưởng nên nhiều ông bà ép con phải đẻ cháu trai, vợ đẻ 3 - 4 đứa con gái bắt ra ngoài, nếu không sẽ cho là bất hiếu. Trường hợp này không hiếm. Những tư tưởng phong kiến cổ hủ nếu không tự giải thoát khỏi nó thì sống rất gò bó, lúc nào cũng sợ bị đánh giá, gièm pha - nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình chỉ vì tự ái những chuyện không đâu vào đâu.

Còn biết tự tin, vượt qua nó thì sống rất thoải mái, tất cả chỉ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và con cháu mình, con trai hay con gái đều là con mình và không nhất thiết cứ phải sinh con trai. Tư tưởng lạc hậu trọng nam, khinh nữ cần được thay đổi, để nam – nữ được bình đẳng trong xã hội ngày nay.

Đọc thêm