Khi bị đối tượng uy hiếp, đe dọa thực hiện hành vi hiếp dâm, chị H (25 tuổi, Hà Nội) trong lúc chống trả, phản kháng đã cắn gần đứt lưỡi của đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng vẫn quyết thực hiện hành vi hiếp dâm bằng việc trói tay và dùng dao uy hiếp, đe dọa chị H không được kêu cứu cũng như trình báo công an rồi mới mở cửa cho chị H ra về. Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngay sau đó đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Chu Thế Quang (SN 1979, Long Thành, tỉnh Đồng Nai), theo tố cáo của chị H để điều tra về hành vi hiếp dâm.
Đối tượng có bị xử lý về hành vi hiếp dâm hay không nếu như chưa thực hiện được hành vi quan hệ tình dục; liệu chị H có bị xử lý về hành vi gây thương tích cho đối tượng Quang hay không, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn luật sư Việt Nam) sẽ phân tích về tình huống đặt ra này.
PV: Xin hỏi luật sư, trong vụ việc này, người tố cáo là chị H sẽ phải đưa ra được những bằng chứng gì khiến cho đối tượng bị bắt khẩn cấp?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Người tố giác, báo tin tội phạm không có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho việc tố giác báo tin tội phạm của mình là có căn cứ và đúng sự thực.
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan tổ chức chuyển đến và không được vì bất cứ lý do gì để từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Và sau khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh.
Với tính chất cấp bách và cần xử lý nhanh chóng vụ án nhằm ngăn chặn người phạm tội có thể hủy chứng cứ, bỏ trốn, khi nạn nhân đến tố giác, cơ quan điều tra phải lập tức hành động, điều tra: lấy lời khai của bị hại, thậm chí xem xét dấu vết trên thân thể nạn nhân, trưng cầu giám định.
Chỉ khi có đầy đủ các căn cứ xác định người bị tố giác đã thực hiện tội phạm cơ quan điều tra mới khởi tố bị can, tiến hành bắt giữ hoặc áp dụng các biện pháp tạm giam, tạm giữ.
Tuy nhiên, trong vụ việc của chị H, đối tượng Quang đang chuẩn bị bỏ trốn, việc cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ Quang là phù hợp với quy định của pháp luật về việc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
PV: Luật sư vừa nêu, trong vụ án hiếp dâm, việc thu thập bằng chứng, chứng cứ để xác định tội phạm trong trường hợp đối tượng Quang đã có hành vi hiếp dâm chị H, theo luật sư nạn nhân cần phải làm gì để lưu giữ và chuyển đến cơ quan chức năng những bằng chứng về hành vi phạm tội của đối tượng?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong những vụ án hiếp dâm, việc thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật và trên thực tế là rất khó khăn do nạn nhân bị rơi vào tâm trạng hoảng loạn hoặc xấu hổ nên thường không đi trình báo, tố giác, tạo điều kiện cho kẻ phạm tội xóa bỏ hiện trường, phi tang chứng cứ.
Hoặc bản thân nạn nhân vô tình làm mất chứng cứ là những dấu vết của tội phạm trên cơ thể mình: vết sưng, bầm tím ở vùng kín khi bị xâm hại; tinh trùng của đối tượng hiếp dâm, lông, tóc để lại trên thân thể của nạn nhân bị mất đi khi nạn nhân tắm.
Chính vì không có những chứng cứ này nên quá trình điều tra, chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn.
Do vậy, khi nạn nhân của các vụ án hiếp dâm hoặc bị xâm hại tình dục không còn đủ tỉnh táo thì các bậc phụ huynh, người thân cần phải có kỹ năng, nếu phát hiện phải lập tức đến trình báo tố giác với cơ quan chức năng, tránh để nạn nhân tắm rửa, vệ sinh thân thể. Khi đó cơ quan chức năng mới có thể tiến hành thu thập các dấu hiệu của tội phạm như vết máu, vân tay, tinh dịch, lông, tóc, da…, là những chứng cứ giúp khoa học pháp lý truy tìm và xác định kẻ phạm tội.
PV: Trong trường hợp đối tượng chưa thực hiện được hành vi giao cấu thì cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào? Không quan hệ tình dục thì có cấu thành tội hiếp dâm hay cưỡng dâm không?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tội hiếp dâm sẽ hoàn thành khi có hành vi giao cấu với nạn nhân nhưng không đòi hỏi hành vi giao cấu đã kết thúc về mặt sinh lý. Nếu người phạm tội không thực hiện được hành vi giao cấu do nguyên nhân khách quan và nằm ngoài ý muốn chủ quan của họ, ví như vì nạn nhân chống cự hoặc bị người khác phát hiện và ngăn chặn, rồi bỏ trốn thì đây là trường hợp phạm tội chưa đạt, tuy nhiên người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô được quy định ở nhiều tội danh khác nhau. Tội hiếp dâm và cưỡng dâm đều là hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân. Hành vi khách quan của tội hiếp dâm là hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, đánh và khống chế để nạn nhân không thể tự vệ được. Khi thực hiện thủ đoạn, người phạm tội muốn nạn nhân bị đè bẹp ý chí kháng cự, không có điều kiện để biểu lộ ý chí đúng đắn của mình.
Hành vi của tội cưỡng dâm là ép buộc bằng những thủ đoạn khác nhau với người lệ thuộc vào mình (ví như thủ trưởng với nhân viên, người nuôi dưỡng và người được nuôi dưỡng, hay người đang ở trong tình trạng quẫn bách như bị khống chế về mặt tư tưởng, tài chính…) phải miễn cưỡng giao cấu với người đó.
Hành vi giao cấu với trẻ em có sự khác biệt với hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm là có sự đồng thuận giao cấu giữa người phạm tội và nạn nhân. Do nạn nhân chưa đến tuổi trưởng thành nên vẫn bị coi là phạm tội. Bộ luật Hình sự có quy định rõ tại Điều 115 về tội giao cấu với trẻ em và Điều 112, giao cấu với trẻ dưới 13 tuổi, kể cả thuận tình đều bị coi là hành vi hiếp dâm trẻ em.
PV: Quay trở lại vụ việc của chị H, khi bị đối tượng khống chế trói tay, dùng dao uy hiếp để thực hiện hành vi hiếp dâm, chị H đã chống trả quyết liệt và cắn gần đứt lưỡi của đối tượng. Việc làm của chị H có được coi là phòng vệ chính đáng không?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong vụ án này, hành vi hiếp dâm của đối tượng Quang là rất nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền lợi chính đáng của chị H cũng như vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Do đó, tôi cho rằng, chị H có quyền chống trả lại, kể cả việc gây thương tích cho đối tượng cũng nằm trong giới hạn của phòng vệ chính đáng. Vì vậy, chị H không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào đối với hành vi của mình.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.