Rộn rã mùa cá ra ở Đồng Tháp Mười

(PLO) -Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp chớm đông rộ mùa cá ra là người dân vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên thường tổ chức các hình thức thả lưới, giăng câu, cất vó, đặt vớn, quăng chài… để đánh bắt thủy sản.
Ngư dân thả lưới đánh bắt cá ra
Ngư dân thả lưới đánh bắt cá ra

Năm nay nước từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về sớm và mực nước lên cao hơn cùng kỳ mọi năm, gia đình anh Võ Văn Hào ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sắm một cần vó cất đặt ở vàm kênh Cà Dăm, mỗi ngày cất được 4-5 kg cá, tép các loại; ngày nào trúng cũng kiếm được hơn 7 ký cá - nhiều nhất là cá linh, cá chốt, cá thiểu, lòng tong… thu nhập được từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng, cải thiện được cuộc sống kinh tế gia đình.

Xuôi theo các tuyến kênh, rạch thuộc các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, thị xã Hồng Ngự… (Đồng Tháp) vào mùa cá ra, chúng tôi bắt gặp nhiều dàn vó cất đặt giữa lòng kênh để hứng cá, tép trông thật ngoạn mục. Chỉ một đoạn kênh ngắn trên dòng kênh Phú Thành, cứ vài chục mét là có một dàn vó. Mỗi mùa cá ra, gia đình anh Tư Bờ kiếm thu nhập năm, sáu triệu đồng như chơi! Nói thì dễ ăn như vậy, chớ làm một dàn vó tốn chi phí cả triệu đồng - nặng nhất là tiền mua lưới, cây, dây…

Bên cạnh nghề cất vó, người dân Đồng Tháp còn sử dụng phương tiện đánh lưới giựt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Loại hình này đánh bắt rất hữu hiệu, cá - tôm không tài nào thoát ra được… Khi thực hiện mỗi mẻ lưới giựt cần phải có từ 7 - 10 lao động. Trước tiên, cho hai chiếc tàu có lắp đặt máy D15 chạy cặp kè, khi tới điểm xuất phát lưới được bủa xuống kênh; lập tức 2 chiếc tàu tách ra 2 phía từ từ xa nhau và lưới mỗi lúc được bung rộng ra. Viền dưới của 2 đầu lưới được treo 2 thỏi chì nặng cỡ 30kg trở lên để bám sát mặt đáy kênh…

Hai chiếc tàu chạy khoảng 500m là phát tín hiệu cho tàu sáp lại gần nhau như ban đầu. Trong phút chốc các lao động kéo lưới nối ráp lại; cử ra một người có kinh nghiệm kéo nhanh viền dưới của lưới lên không cho cá-tôm có đường thoát thân… Các loại thủy sản đều nằm gọn trong lưới. Trung bình mỗi đợt đánh lưới giựt bắt được trên-dưới 40kg cá các loại… Mỗi mùa cá ra kiếm cũng được chí ít 20 triệu đồng!

Vào thời điểm nước kém, cá trên đồng lũ lượt kéo nhau ra sông, kênh, rạch… Ở những nơi nước xoáy hay ở những nơi đầu vàm kênh, ngã ba, ngã tư… trong những ngày cá ra, nhiều người dân ngày đêm quăng chài, thả lưới… bắt thủy sản! Với loại lưới giăng, nhiều người phải cuốn lưới mang về nhà treo lên để gỡ cá ra. Với 400m lưới loại 2,5 phân, một ngày-đêm vợ chồng anh Nguyễn Văn Hội ở ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông đem giăng bắt cũng được trên - dưới 5kg cá các loại. Ngày nào trúng kiếm cũng được trên 10 kg cá, thu nhập hàng trăm ngàn đồng, vừa có nguồn thức ăn - vừa trang trải mọi chi phí trong gia đình và nuôi 2 đứa con ăn học… 

Ở Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long con người chấp nhận sống chung với lũ, biến thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên thành cơ hội mưu sinh. Nguồn lợi thuỷ sản thật dồi dào mà thiên nhiên đã ban tặng đã giúp con người trong sự cộng sinh và phát triển khi lũ lụt. Và những sản phẩm của người dân sống bằng nghề khai thác và đánh bắt thủy sản đã giúp họ có được cuộc sống ổn định trong mùa lũ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. 

Đọc thêm