Mất tiền "xương máu" vì lá đơn sai sự thật

(PLO) - Nhìn cảnh chồng bị “bôi đen” danh dự, bị cắt chế độ trợ cấp đối với người có công với cách mạng vì một lá đơn vô căn cứ, người vợ già với sự trợ giúp của một luật gia có tâm đức, sau 7 năm trời nỗ lực đã “giải oan” được cho chồng. 
Luật gia Tốn kể về hành trình “giải oan” cho thương binh Trịnh Xuân Thành
Luật gia Tốn kể về hành trình “giải oan”
cho thương binh Trịnh Xuân Thành
 
Bỗng dưng bị vu là “thương binh rởm”
Bà Phạm Thị Doan (trú tại xã Quảng Cư, TX.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh, cuối năm 2005, chồng bà là thương binh Trịnh Xuân Thành bị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm đình chỉ chế độ trợ cấp đối với người có công, với lý do Công an TX.Sầm Sơn nhận được đơn tố giác của một số công dân về việc chồng bà đã làm giả hồ sơ, cụ thể có hai quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cấp, một quyết định mang tên Trịnh Xuân Thành và một quyết định mang tên Trịnh Văn Thành đã mất; và ông Trịnh Xuân Thành đã mượn tên Trịnh Văn Thành để thay thế, hưởng chế độ thương binh; hơn nữa, ông Trịnh Xuân Thành lại là lính bộ binh, không phải là lính hải quân nên việc Bộ Tư lệnh Hải quân xác nhận thương tật cho ông Trịnh Xuân Thành là sai.
Nói về câu chuyện của chồng khi ấy, bà Doan nghẹn ngào cho biết, sau ngày nhận quyết định tạm đình chỉ chế độ trợ cấp đối với người có công, chồng bà bị sốc nặng, người lúc nào cũng nửa tỉnh, nửa mơ. “Mang thương tật trở về sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, công lao đã được đất nước ghi nhận khi chiến tranh lùi xa, nhưng chỉ vì những lá đơn tố cáo sai sự thật mà chồng tôi bị mang tiếng là “làm giả hồ sơ” để hưởng chế độ chính sách, những lá đơn không có căn cứ đã “bôi đen” danh dự cả một đời hoạt động cách mạng của chồng tôi, cuộc sống của gia đình tôi vốn đã khó khăn, chồng bị cắt chế độ thương binh lại càng trở nên thê thảm hơn”, bà Doan nói.
Bà Doan nhớ lại, sau khi sự việc xảy ra, nhìn cảnh chồng bị suy sụp cùng với những vết thương là di chứng của chiến tranh hành hạ, không đành lòng, bà quyết tâm đi kêu cứu, đòi lại danh dự cho chồng với một niềm tin sắt đá “sự thật vẫn mãi là sự thật, đúng - sai thế nào cuối cùng cũng sẽ phải được làm rõ”.
Nhưng mọi cánh cửa của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã đóng chặt khi bà cầm lá đơn đến kêu oan cho chồng. Không nản lòng, bà vẫn kiên trì mang nỗi oan khuất “làm giả hồ sơ” đi tìm ánh sáng công lý.
Hành trình 7 năm “giải oan”
Liên quan đến câu chuyện của thương binh Trịnh Xuân Thành, được biết, sau khi nhận và nghiên cứu đơn của gia đình bà Doan, thực hiện chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng, Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã cử Tư vấn viên pháp luật có nhiều kinh nghiệm, đó là Luật gia Hoàng Xuân Tốn, tiếp cận nhằm xác minh làm rõ bản chất sự thật của chuyện này.
Trải qua một năm miệt mài đi thu thập tài liệu, chứng cứ tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Sư 325, Trung đoàn 46 Bộ binh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ huy quân sự TX.Sầm Sơn cùng những nhân chứng và các cấp chính quyền địa phương, cuối cùng sự thật cũng được Luật gia Hoàng Xuân Tốn làm sáng tỏ rằng, trong Quyết định của Quân khu 4, giữa ông Trịnh Xuân Thành và Trịnh Văn Thành đã mất là do người viết quyết định sai sót trong khi viết, trong khi đơn vị bộ binh nơi ông Trịnh Xuân Thành chiến đấu, sau khi giải phóng miền Nam đã được sáp nhập về Bộ Tư lệnh Hải quân. Với những chứng cứ xác thực, rõ ràng đó, nỗi oan khuất của thương binh Trịnh Xuân Thành đã được “giải”, ông được phục hồi hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định, đồng thời được truy lĩnh gần 100 triệu đồng là số tiền  của hơn 7 năm  bị  tạm đình chỉ  trợ cấp.
Bà Doan bùi ngùi: “Ngày chồng tôi nhận được quyết định phục hồi chế độ trợ cấp cho người có công, cả nhà tôi như sống lại, kể làm sao hết những xúc động, vui mừng. Tiền bạc, chế độ chỉ là một phần thôi, còn danh dự của gia đình mới là chuyện lớn”.
Liên quan đến câu chuyện “giải oan” cho thương binh Trịnh Xuân Thành, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Yên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong suốt quá trình hoạt động của mình, trên tinh thần tự nguyện phục vụ nhân dân không đòi hỏi hay nhận bất cứ một đồng thù lao nào của dân như ông đã làm nhiều năm qua, Luật gia Hoàng Xuân Tốn đặc biệt chú ý giúp đỡ những người có công với cách mạng, vì lý do nào đó như thất lạc giấy tờ, hồ sơ nên chưa được công nhận, vinh danh. Cho đến thời điểm này, đã có nhiều gia đình gặp khó khăn về mặt pháp lý được Luật gia Hoàng Xuân Tốn tư vấn giúp đỡ, tìm được công lý như trường hợp của thương binh Trịnh Xuân Thành.

Đọc thêm