(PLO) - Một cô giáo chỉ mới tròn 18 tuổi bị khiếm thính đã và đang dạy ở Trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều, thành phố Huế. Đó là cả một câu chuyện rất đặc biệt nhưng rất đẹp về cô gái Lê Thị Thảo Phương đã vượt lên số phận để trở thành một con người có ích cho cộng đồng.
|
Cô giáo trẻ Thảo Phương đang dạy vẽ cho các em bị khiếm thính ở Trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều. |
Phương là con gái lớn thứ hai trong một gia đình có ba chị em gái. Không may mắn như hai chị em của mình, khi mới lọt lòng mẹ, Phương đã bị khiếm thính bẩm sinh (từ trong bào thai). Kể từ đó trở đi, cô bé phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn trong sự im lặng.
Mẹ của Phương - chị Nguyễn Thị Kim Hương vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh mà cô con gái bé bỏng của mình được sinh ra cách đây 18 năm. Dường như linh tính của một người mẹ đã làm cho chị Hương cảm thấy bất an, lo lắng nhiều hơn là niềm vui làm mẹ.
Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đi khám nhưng một sự thật phũ phàng đổ ập lên gia đình nhỏ của chị khi được bác sĩ thông báo là con chị đã bị câm điếc bẩm sinh. Khi nhắc tới phút giây đau lòng đó, giọng chị Hương nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi gần như suy sụp hoàn toàn khi nghe bác sĩ thông báo tin dữ đó, lúc đó tôi dường như không muốn tin vào sự thật là con gái của tôi bị câm điếc. Về đến nhà tôi đã đóng cửa phòng lại và ngày đêm cầu nguyện Đức Phật về điều kỳ diệu sẽ xảy ra, đó là ngày mai con tôi sẽ trở lại bình thường”.
Và cho đến bây giờ, chị Hương vẫn không nguôi ngoai nỗi ân hận, trách móc bản thân mình, bởi nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật của Phương là do chị bị sốt kéo dài khi mang thai em.
Không thể giao tiếp một cách bình thường như những đưa trẻ khác đã làm cho cô bé Phương trở nên tự kỷ, chỉ biết ru rú ở góc phòng, không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với ai. Chính điều này đã làm cho gia đình, đặc biệt là người mẹ hết sức khổ tâm. “Những lúc nhìn thấy con bị trầm cảm, uất ức trong lòng mà không nói ra được, tôi cảm thấy tim mình như thắt lại. Tôi không thể ở nhà cả ngày bên con để xoa dịu nỗi đau của con mình ”.
Khi cô bé Phương lên 6 tuổi, chị Hương đã đưa cháu đến với Trung tâm trẻ em khuyết tật Vĩnh Ninh để giúp em tiếp xúc với mọi người nhiều hơn, tránh bị bệnh tự kỷ.
Chính ở Trung tâm trẻ em khuyết tật Vĩnh Ninh, khả năng hội họa của Phương đã được ươm mầm và chớm nở. Cô bé Phương đã tìm thấy “ánh mặt trời” qua những bức tranh vẽ, dẫu rằng rất ngây ngô và đơn giản. “Phương thích vẽ lắm, em có thể vẽ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Phương vẽ rất đẹp, thầy cô ở trường ai cũng khen nức nở. Khi còn học ở Trung tâm Vĩnh Ninh, Phương đã từng đoạt giải nhì cấp tỉnh về vẽ tranh” - chị Hương tự hào nói về con gái mình.
Những tranh vẽ của Phương chính là một thứ ngôn ngữ riêng giúp cô gái này giao tiếp với mọi người, với cuộc sống. Thông qua tranh vẽ của Phương, mọi người sẽ hiểu được Phương muốn nói điều gì. Không chỉ vẽ đẹp, Phương còn rất ham học hỏi, thông minh trong tính toán, sử dụng máy vi tính.
Tiếp xúc lần đầu với Phương không ai có thể nghĩ rằng em bị khiếm thính, dáng người nhỏ nhắn với gương mặt “thiên thần”, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi khi Phương trò chuyện. Thực ra để hiểu được Phương nói gì, chúng tôi phải thông qua người thông ngôn là cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Vân hoặc phải ghi trước câu hỏi qua giấy để em trả lời. Đôi mắt thật sáng nhìn chúng tôi như muốn cố gắng hiểu người đối diện nói gì rồi lại nhìn về xa xăm với nỗi buồn như bị lạc lõng.
Phương đã tốt nghiệp Trường trẻ em khiếm thính Vĩnh Ninh, nhờ thông minh, học giỏi nên được Trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều nhận về làm giáo viên dạy các em tại đây. Lạ thay, kể từ khi về với Trung tâm từ tháng 6/2012 đến nay, Phương đã làm thay đổi rất nhiều thứ theo hướng tốt đẹp hơn.
Các em học sinh khuyết tật ở lớp khiếm thính do cô giáo “bất đắc dĩ” dạy trở nên ngoan hiền hơn, tiếp thu được bài vở tốt hơn. Cũng dễ hiểu bởi chỉ Phương - một người có hoàn cảnh tương tự mới thấu hiểu được suy nghĩ của những học sinh đặc biệt này và trên hết là trái tim yêu thương con người của chính cô giáo trẻ.
Ở trường, cô giáo Phương hướng dẫn cho các em viết chữ, tính toán (đơn giản) và đặc biệt là vẽ tranh. Phương tâm sự rằng em rất thích vẽ tranh và có thể ngồi cả ngày để vẽ bởi qua những nét vẽ, những hình ảnh đó là cả một thế giới sinh động đầy màu sắc. Đó cũng là một thứ ngôn ngữ để cô gái trẻ này giao tiếp với mọi người và để mọi người hiểu hơn về mình.
Cô Diệu Vân cũng phải thừa nhận rằng Phương rất thông minh lại vẽ rất đẹp, minh họa rất chính xác bài giảng mà cô giáo này muốn truyền đạt cho các em - điều mà trước đây các cô giáo bình thường khác gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được một tổ chức tài trợ nào đó giúp Phương nâng cao trình độ học vấn để tiếp tục cống hiến, giúp đỡ trong việc giảng dạy cho các em bị khiếm thính” .
Ngoài những giờ giảng dạy ở lớp, cô giáo Phương còn cùng các em học sinh tham gia học lớp đan tre làm đèn lồng để kiếm thêm thu nhập tự nuôi sống bản thân. Bởi với trường hợp giáo viên đặc biệt như Phương thì chỉ được hưởng một mức lương phụ cấp khiêm tốn mà thôi. Đó chính là hình ảnh của một cô gái không chịu chấp nhận số phận, biết vượt lên khó khăn để hòa nhập với cuộc sống.
Chúng tôi chia tay cô giáo trẻ Lê Thị Thảo Phương trong niềm xúc động và cảm phục về một tấm gương đã vượt lên số phận nghiệt ngã, luôn hướng về phía trước để trở thành một người có ích cho xã hội.