Vượt lên bệnh tật
Trong ngôi nhà nhỏ tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM), ngày ngày văng vẳng tiếng trẻ ê a tập đọc. Lớp học đặc biệt vài chiếc ghế, không bảng đen, không giáo cụ, bởi người dạy và học trò ở đây rất khác lạ.
Gần chục đứa trẻ ngồi tụm lại với nhau, kê vở tập viết trên chiếc chõng tre. Cô giáo khuyết tật nằm trên chõng, lăn qua lăn lại chăm chú chỉ bảo từng học trò đánh vần, nắn lại nét chữ vụng về, viết sai.
Cô giáo tên Huỳnh Thanh Thảo (28 tuổi) nhưng mọi người quen gọi “cô ba ấp Ràng”. Cô gái gây ấn tượng không chỉ bằng thân hình bé nhỏ như một đứa trẻ, cao chừng 63 cm, nặng 25kg, mà còn là sự tự tin, tinh thần lạc quan và rất hay cười.
“Từ khi chào đời, tôi đã không bình thường. Bác sĩ đỡ đẻ khi đó đã nói với mẹ “sau này cháu khó cao lắm”. Nhưng nếu chỉ không cao tôi đã may mắn, có thể là người lùn khoẻ mạnh”, cô Thảo nói. Oái oăm, cô còn mắc chứng xương thuỷ tinh, chỉ cần va đập nhẹ hay giật mình đã làm gãy xương.
Sinh con ra không bình thường, cha mẹ Thảo kể khổ tâm vô cùng. Bà mẹ Nguyễn Thị Xuân sợ không dám cho con ra đường. Nhiều người khuyên bà nên gửi con vào trung tâm khuyết tật, nhưng bà dứt khoát “nó có như xơ dừa tôi cũng không bỏ”. Có người khuyên vợ chồng bà nên sinh con tiếp, song người mẹ vẫn nhất quyết không làm theo, quyết dồn hết tình thương cho đứa con kém may mắn.
Người mẹ không dám rời con nửa bước. Lớn chút, cô bé thèm được thoát khỏi chiếc xe lăn, bước đi trên đôi chân của mình để chạy nhảy vui đùa như chúng bạn trong xóm.
Muốn di chuyển phải nhờ xe lăn, hoặc người thân bế, cô Thảo vẫn tâm niệm “mỗi ngày trôi qua đều thấy hạnh phúc” |
“Khi tôi nói “con muốn đi học”, mẹ chưa bao giờ từ chối tôi chuyện gì, nhưng lần đó mẹ nhất quyết bảo “ra lớp bạn bè nô đùa, con bị gãy tay gãy chân thì mẹ biết làm sao?. Tôi tủi thân gào khóc ầm ĩ, đổ lỗi “tại mẹ sinh con ra tật nguyền như vầy””, cô Thảo nhớ lại.
Sau vài lần đưa con đi học, mỗi lần đến trường là một lần xương gãy, cha mẹ đành ngậm ngùi để con ở nhà. Nghe con trách móc, người mẹ chỉ biết lặng khóc, ôm con vào lòng vỗ về động viên.
Đến năm 9 tuổi, biết chắc mình không được đến lớp, Thảo năn nỉ mẹ dạy học cho mình. Bà Xuân mua cho Thảo cuốn sách tập đọc lớp Một, vài tập vở, bút chì, bút màu. Cô bé cười tươi, quý như vàng, ôm trong lòng cả khi ngủ.
Thảo học rất nhanh, nhớ giỏi, chỉ chừng hai tháng đã biết cách đánh vần, biết viết, tuy nét chữ còn nghuệch ngoạc. Hồi đó, có nhà trong xóm đem con tới nhờ mẹ Thảo giữ giùm. Mặc dù mới biết chút ít chữ nhưng Thảo vẫn đem ra dạy đứa trẻ. Từ đó, Thảo muốn làm cô giáo dạy cho bọn trẻ ở làng.
Nghe con gái tâm sự, người mẹ giãy nảy: “Con biết có vài chữ, sao dạy học được”. “Tôi quả quyết với mẹ: “Con sẽ gắng tự học, hỏi mấy đứa nhỏ xem trên lớp cô giáo dạy đánh vần sao rồi học theo””, cô Thảo hồi ức.
“Mỗi ngày trôi qua đều thấy hạnh phúc”
Nghị lực phi thường đã biến điều không thể thành có thể. Cô gái sau thời gian dài tự học, tự tin mở lớp dạy không công. Tiếng lành đồn xa, bọn trẻ con trong làng đều được ba mẹ dắt tới xin học. Cô lập quy định học trên lớp phải tập trung, lễ phép, nghỉ phải viết đơn có chữ ký của phụ huynh, vì sợ bọn trẻ nhác học, kiếm cớ bỏ đi chơi.
Thư viện 4000 đầu sách chị Thảo thành lập |
Cô Thảo kể, những ngày dạy học là những ngày cảm thấy hạnh phúc nhất. Sau bảy năm dạy học, cô phải nhập viện liên tục vì suy nhược cơ thể, một thời gian lớp học tạm dừng.
Những ngày nằm trên giường bệnh, cô gái tật nguyền từng tủi thân có suy nghĩ chán nản “sống tật nguyền thế này thà chết đi cho nhẹ nợ mẹ cha”. Thế nhưng sau lần ốm ấy, cô nhận ra: “Nếu mình chết cả nhà sẽ buồn lắm, thà thấy mình tật nguyền trườn lăn trên giường còn hơn là không nhìn thấy con”.
Tình thương yêu, sự che chở của gia đình đã giúp cô gái thấu hiểu: “Thể xác khuyết tật nhưng còn tâm hồn vẫn nguyên vẹn, phải tự vực dậy để ba mẹ không đau lòng”.
Thư viện 4000 đầu sách chị Thảo thành lập |
Từ niềm tin ấy, Thảo tiếp tục tự học hỏi, cống hiến những gì mình có cho cộng đồng. Thưở nhỏ có sở thích sưu tầm những cuốn sách cuốn truyện cho trọn bộ, cô nảy ý định mở một thư viện mang tên “Thư viện mini cô Ba” phục vụ các em nhỏ vùng quê.
Lúc đầu thư viện chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các nơi gửi tặng, “tích tiểu thành đại”, nay thư viện đã có đến 4000 đầu sách đủ lĩnh vực.
Khi tiếp xúc với các hoạt động thiện nguyện, Thảo tự ngẫm “người ta cũng khuyết tật như mình, tại sao họ làm được những chương trình ý nghĩa mà mình lại không?”. “Heo tình bạn, vạn tình thương” là quỹ tương thân tương ái Thảo lập ra năm 2010 với ước mong giúp các bạn nhỏ, những mảnh đời bất hạnh.
Cô gái bé nhỏ luôn tâm niệm “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nên ra sức kêu gọi các nhà hảo tâm, trao hàng trăm phần quà và học bổng trao cho các em nghèo hiếu học.
Thắc mắc cứ cống hiến, sống vì người khác, còn bản thân Thảo thì sao? Cô gái ái ngại, rồi bỗng xúc động ứa nước mắt khi nhắc đến chàng trai trong sâu thẳm trái tim mình:
Chị Thảo từng nhiều lần được khen tặng vì những đóng góp cho cộng đồng |
“Thảo quen anh trong chương trình phát thanh cho người khuyết tật. Hai bên thư từ qua lại, tâm sự với nhau đủ chuyện, rồi anh về quê tìm gặp mặt Thảo. Thảo cũng rung động, khao khát một bờ vai để nương tựa, rồi cảm giác đau đớn khi nghe anh nói “nếu đường đời may mắn, ta sẽ gặp lại nhau”.
Yêu là sự cố gắng từ cả hai phía, nghị lực phi thường có thể giúp người ta thành công trong cuộc sống, nhưng trong tình yêu thì không nói trước được điều gì.
Cô gái thở dài tâm sự: “Nhiều người mắc bệnh như Thảo thường chết sớm, có nhiều người nhỏ tuổi đã qua đời. Không biết Thảo còn sống được bao lâu nữa, nhưng mỗi ngày trôi qua đều thấy hạnh phúc”.
Chia tay khách, cô gái đọc một đoạn thơ: “Nợ cha già hạt cơm và tấm áo/ Nợ mẹ hiền những tháng năm bồng bế/ Nợ những con đường em không hề bước/ Nợ bạn bè những cái siết tay/ Nợ, nợ thật nhiều làm sao để trả”./.